Phát biểu tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp", Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chia sẻ: Hiện nay kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.
Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong đó chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những biểu hiện cụ thể thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.
Thông tin minh bạch, chính xác, kết nối sản xuất cung – cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường, về tiến bộ khoa học và công nghệ, quản trị sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công.
Nhìn từ các làn sóng dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển.
Năm 2021 lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng. Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, trong giai đoạn cao điểm của bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thương mại điện tử là kênh hiệu qủa nhất để người dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.
Thống kê cho thấy, đến tháng 11/2021 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện. Điều đó cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Chuyển đổi số là một tiến trình dài và để có được hiệu quả trên cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương.
Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2021 bằng tốc độ của 5-6 năm trở lại đây cộng lại. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển số trong nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ sản xuất cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản; khó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.
Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số thông qua việc thúc đẩy nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và hướng dẫn người nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cũng hy vọng và tin tưởng rằng cùng với việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đã đề ra, "mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số", một thế hệ "nông dân thông minh" sẽ hình thành từ chính những thay đổi của hôm nay…
Theo: danviet.vn