Chuối hột mồ côi là giống cây trồng quen thuộc với những người dân tộc tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Các thành phần trên cây đều được người dân ở đây sử dụng để bào chế thuốc chữa bệnh. Tùy vào những căn bệnh khác nhau mà lấy những bộ phận trên cây chuối để trị bệnh, từ hạt chuối đến thân bẹ đều có thể dùng làm thuốc để trị nhiều loại bệnh như: đi ngoài, sỏi thận, phù thũng, ung tay chân, viêm loét dạ dày, trị dị ứng da, một số bệnh giun sán ở trẻ em, bệnh đường ruột. Hạt chuối hột mồ côi phơi khô rồi đưa lên bếp sao vàng, sau đó cho vào bình ngâm với rượu gạo, uống sau mỗi bữa ăn để trị các chứng đau lưng, nhức mỏi xương khớp. Mặc dù chuối hột mồ côi có nhiều công dụng trong việc chữa bệnh và đem lại giá trị kinh tế cho những người dân nơi đây nhưng khó có thể khẳng định được danh tiếng của “Chuối hột mồ côi Phước Bình” được biết đến rộng rãi, đặc biệt là với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để bảo tồn giống chuối hột mồ côi năm 2016, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ, Ban Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khảo sát việc thực hiện mô hình bảo tồn, phát triển giống chuối hột mồ côi tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Và để phát triển giống chuối hột mồ côi, Ninh Thuận đang tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhân rộng mô hình trồng chuối hột mồ côi; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến hạt chuối hột mồ côi để nâng cao chất lượng, giá trị của loại sản phẩm này. Song song, Ban quản lý Chương trình MTCP2 (Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận) đã tổ chức triển khai lớp tập huấn kiến thức khai thác thông tin, thị trường, Marketing và thương mại điện tử cho hơn 30 người là tổ viên của Tổ hợp tác Chuối hột mồ côi và người dân trên địa bàn xã Phước Bình nhằm hỗ trợ kỹ năng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Tổ hợp tác được lan tỏa trên các phương tiện thông tin bằng công nghệ thông tin điện tử; trao đổi, hướng dẫn các hình thức Marketing, hội nhập kinh tế xây dựng kế hoạch kinh doanh của tổ hợp tác. Qua đó, tạo thêm việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân vùng cao, hướng tới phát triển thương hiệu “Chuối hột mồ côi Phước Bình”.
Vì vậy, việc xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Chuối hột mồ côi Phước Bình” cho sản phẩm chuối hột mồ côi của huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận. Để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với Nhãn hiệu chứng nhận “Chuối hột mồ côi Phước Bình” và xây dựng hệ thống văn bản quản lý Nhãn hiệu chứng nhận “Chuối hột mồ côi Phước Bình” nhằm nâng cao giá trị kinh tế và uy tín cho sản phẩm chuối hột mồ côi; đảm bảo về cơ sở pháp lý cho việc phát triển thương hiệu Chuối hột mồ côi Phước Bình. Qua đó, chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, độ chính xác, độ an toàn hoạc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang Nhãn hiệu. Nhằm hỗ trợ quản lý và phát triển tốt các sản phẩm đặc thù của địa phương; góp phần duy trì và phát triển danh tiếng của sản phẩm; nâng cao uy tín và danh tiếng, hình ảnh của địa phương; Thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường; và nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất. Nhận thấy là một việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của huyện Bác Ái, góp phần đưa sản phẩm chuối hột mồ côi đến nhiều vùng miền trên cả nước, tạo tiền đề cho việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài trong tương lai, từ đó nâng cao danh tiếng cho tỉnh Ninh Thuận.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Ban quản lý chương trình VNFU-IFAD MTCP2 Trung ương Hội Nông dân việt Nam, đồng ý cho chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và sự gắn kết phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái đã tổ chức thực hiện xây dựng “Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Chuối hột mồ côi Phước Bình”. Sau 2 năm thực hiện, ngày 13/7/2020 các đơn vị phối hợp tổ chức buổi tập huận phổ biến hệ thống các văn bản quản lý Nhãn hiệu chứng nhận “Chối hột mồ côi Phước Bình” tại Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái bao gồm các nội dung: Quy chế Cấp và thu hồi quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận; Quy chế Kiểm soát việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận; và Quy chế Sử dụng tem nhãn sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận cho 50 đại biểu thành phần là đại diện các phòng quản lý có liên quan, các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuối mồ côi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Dự kiến đến tháng 9/2020 có kết quả xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với Nhãn hiệu chứng nhận “Chuối hột mồ côi Phước Bình” giao cho Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái quản lý.