Ông Châu Văn Năng, sinh ngày 1967, dân tộc Chăm, tôn giáo Bà Ni, tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Mô hình sản xuất của gia đình là làm nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nhân khẩu 8 người, số lao động trong gia đình, 2 người, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng, từ hộ nghèo khó vươn lên.
Mô hình sản xuất của gia đình là làm nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ phục vụ nông nghiệp với các tư liệu sản xuất chủ yếu như sau: Ruộng chủ động nước 07 ha, đất trồng hoa màu 1,5 ha, đất trồng cây công nghiệp 08 ha, 01 chiếc máy kéo KUBOTA 50 mã lực, 02 chiếc máy cày tay, 01 máy xay xát lúa chạy bằng môtơ điện. Ngoài ra gia đình đang đầu tư trồng cây lâu năm, chủ yếu là cây trôm trên diện tích dự kiến 8 ha. Hàng năm thu nhập của gia đình sau khi đã trừ chi phí còn lại khoảng 430 triệu đồng. Trong đó thu nhập từ sản xuất nông nghiệp 315 triệu và thu nhập từ dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp 115 triệu đồng. Như vậy thu nhập bình quân tính trên lao động chính đạt mức 215 triệu đồng/lao động/năm còn thu nhập tính theo nhân khẩu bình quân đạt 53,75 triệu đồng/khẩu/năm. Từ đó gia đình anh đã xây dựng được 02 ngôi nhà cấp bốn và cấp ba với diện tích 252m2 để ở và mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt của gia đình, có 04 xe máy Honda và có đủ điều kiện để nuôi cha mẹ già và 04 người con ăn học.
Năm 1990, anh lập gia đình nhưng cả hai bên gia đình đều nghèo khó vì vậy vợ chồng tôi phải đi thuê mướn ruộng để sản xuất và làm thuê để kiếm sống. Đến năm 1993, nhờ cần cù, chịu khó làm ăn nên đã tích lũy được một số vốn, chúng tôi bàn nhau mua một chiếc máy cày cũ để tuốt lúa cho diện tích ruộng sản xuất của gia đình và làm thuê cho những hộ khác. Từ đó thu nhập và tích lũy của gia đình tăng dần lên, nhận thấy thời điểm này tại địa phương không có máy xay xát, bà con phải đi xay xát nơi khác năm 1996 chúng tôi đã mạnh dạn mua máy xay xát, nhờ có máy xay xát gia đình tôi đã chủ động hơn trong việc tiêu thụ lúa với giá cả cao và ổn định hơn.
Năm 1998, do có tích lũy nên gia đình tôi đã mua thêm ruộng đất và đầu tư nuôi tôm, thời điểm này nuôi tôm ở địa phương là giải pháp để làm giàu được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên do tiền vốn và kinh nghiệm của gia đình hạn chế, mặt khác thu nhập từ nuôi tôm không ổn định nên gia đình anh quyết định chọn đầu tư chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp và dịch vụ. Từ đó gia đình anh đã đầu tư mua thêm đất đai, sắm máy cày mới công suất lớn, máy làm đất… mở rộng làm dịch vụ để ổn định thu mua lúa cho máy xay xát hoạt động suốt cả vụ. Nhờ đó kinh tế gia đình tôi ngày càng khá lên.
Năm 2009, thông qua Hội Nông dân tỉnh tổ chức iDE Việt Nam đã giới thiệu triển khai xây dựng điểm mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gia đình anh đã đăng ký tham gia làm thử và mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt đặc biệt là đối với vùng đất cát ven biển thiếu nước ngọt cho sản xuất như ở địa phương. Ưu điểm của công nghệ tưới nước tiết kiệm là chi phí đầu tư thấp nhưng tiết kiệm được nhiều khoản chi phí sản xuất khác như công lao động, phân bón, thuốc trừ sâu. Đồng thời ổn định và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng do đó gia đình tôi đã đầu tư lắp toàn bộ hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích đất sản xuất cây màu. Trong quá trình sản xuất tôi đã cải tiến việc lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để khi làm đất máy cày vẫn hoạt động được mà không cần tháo dỡ, lắp đặt lại hệ thống tưới. Từ việc sử dụng thành công công nghệ tưới này, gia đình anh đã giới thiệu để nhiều hộ nông dân làm theo. Bên cạnh việc nỗ lực sản xuất, gia đình anh còn kinh doanh dịch vụ như làm đất, tuốt lúa, đầu tư phân bón, xay xát lương thực… ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với một số công ty từ đó có điều kiện giúp đỡ các hộ nông dân nghèo ở địa phương bằng cách làm các dịch vụ trả chậm đến vụ thu hoạch mới trả tiền và không tính lãi, thu mua sản phẩm theo giá thỏa thuận với nông dân. Thông qua tổ chức Hội Nông dân gia đình anh hàng năm đều nhận giúp đỡ công ăn việc làm cho từ 6 – 7 hộ nghèo tại địa phương. Cụ thể như tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Thuê 15 - 20 lao động theo thời vụ với thu nhập từ 85.000 - 100.000 đồng ngày công. Mỗi vụ sản xuất, làm đất cho hộ nghèo và các hộ nông dân khác nợ đến vụ thanh toán từ 35 - 40 triệu đồng; bán trả chậm 7 - 10 tấn giống lúa, 10 - 12 tấn phân bón.
Việc tích cực thi đua sản xuất, bản thân anh và gia đình luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân như nộp thuế theo qui định. Tích cực tham gia hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân, đóng góp ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ phòng chống bão lụt, quỹ quốc phòng”, “Quỹ hỗ trợ nông dân”, “Quỹ phong tục người Chăm”. Với những thành tích đó từ năm 2000 đến nay, gia đình anh luôn được xét, công nhận gia đình nông dân văn hóa và danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đạt được những kết quả trên trước hết là có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự động viên giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể tại địa phương và nhất là Hội Nông dân xã, chi Hội Nông dân thôn đối với gia đình anh nhất là trong việc vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật. Anh tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo, tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh từ đó giúp gia đình tôi có điều kiện để phát triển sản xuất cũng như kinh doanh dịch vụ.
Bản thân anh và gia đình luôn cố gắng phấn đấu, học hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm và sẵn sàng ứng dụng làm thử các mô hình sản xuất, tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới như thực hiện chương trình IPM, ứng dụng mô hình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng các công nghệ tưới nước tiết kiệm tiên tiến để tiết kiệm chi phí sản xuất góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên nhất là tài nguyên nước ở vùng đất cát ven biển như địa phương. Với những kết quả đạt được như trên, bản thân anh và gia đình rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
Một là. trước hết đó là sự cố gắng, cần cù trong lao động; có kế hoạch sản xuất từ đầu năm và phân công các thành viên gia đình theo dõi, thực hiện với sự đồng thuận cao.
Hai là, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm của người đi trước, tích góp và áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào thực tiễn theo qui trình sản xuất.
Ba là, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để tính toán đầu tư thâm canh, xen canh đúng lúc, đúng trọng tâm và đúng theo nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra anh còn ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm cho những vụ sản xuất tiếp theo.