Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án lúa) giai đoạn 1 do Quỹ BRACE tài trợ thông qua Hội Nông dân Việt Nam đã và đang được triển khai tại 08 tỉnh khu vực miền Bắc và đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Để tiếp nối sự thành công của giai đoạn 1, mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới nông dân cả nước, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đề xuất với Quỹ BRACE phê duyệt dự án giai đoạn 2 và 3 để bổ sung địa bàn triển khai dự án tại 16 tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam trong đó có Ninh Thuận. Và được triển khai thực hiện trên 02 địa bàn: xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc từ tháng 12/2022.
Với mục tiêu tổng quát: Nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, nâng cao chất lượng hạt gạo, ổn định năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích thông qua chất lượng hạt gạo.
Đề ra mục tiêu cụ thể: Giảm lượng giống gieo; Giảm lượng nước tưới; Tăng cường sử dụng phân hữu cơ; Giảm lượng phân hóa học; Xử lý rơm rạ sau thu hoạch; và Năng suất ổn định.
Mong muốn kết quả chủ yếu của dự án:
- Nâng cao kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa (trong đó tập trung vào 3 kỹ thuật chính bao gồm giảm phân hóa học, tưới ướt khô xen kẽ, xử lý rơm rạ);
- Nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường;
- Nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện:
Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho 40 hội viên nông dân trồng lúa của 2 xã dự án, chọn 2 hộ/2 xã tham gia thực hiện mô hình có diện tích canh tác là 2000m2, diện tích này chia làm 2 (1000m2 làm ruộng trình diễn, 1000m2 làm ruộng đối chứng). Cử cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình thường xuyên phối hợp với hộ dân thực hiện mô hình trong quá trình triển khai như: giảm giống lúa ruộng mô hình, tiến hành làm đất, ngâm ủ giống và xuống giống đúng lịch thời vụ. Các đợt bón phân, phòng trừ cỏ dại...cán bộ kỹ thuật đều có mặt và trực tiếp hướng dẫn hộ dân thực hiện theo nội dung đã được tập huấn.
Vụ Đông xuân 2021-2022 đối với ruộng trình diễn (ruộng đối chứng vẫn thực hiện việc bón phân theo tập quán canh tác của địa phương) quá trình bón phân đã thay thế một phần phân đạm bằng phân hữu cơ vi sinh. Trong quá trình phát triển cây lúa đều tổ chức các buổi hội nghị đầu bờ cho 40 hộ dân trực tiếp ra cánh đồng để cùng học tập trao đổi, ngoài ra khi cây lúa được 40NSS để đánh giá nhu cầu đạm của cây lúa, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn người dân cách so màu lá lúa bằng bảng so màu lá lúa.
Qua bảng hạch toán kinh tế cho ta thấy: Tổng thu nhập từ 1ha trong ruộng mô hình tăng 30-36% so với ruộng đối chứng (giảm chi phí sản xuất từ giảm lượng gióng và phân bón kết quả năng suất đạt và vượt)
Với kết quả trên cho thấy, với 3 kỹ thuật canh tác của Dự án đã đảm bảo có kết quả mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, khi áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho hộ trồng lúa.
Định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng nhiều chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hướng dẫn để hội viên, nông dân và người đại diện chủ động thiết lập và duy trì các điều kiện tiêu chuẩn của vùng trồng xuất khẩu, đạt yêu cầu cấp mã số vùng trồng trong đó chú trọng đến quản lý sinh vật gây hại, giám sát dư lượng thuốc BVTV và giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào. Bên cạnh đó Hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với áp dụng các qui trình kỹ thuật, tiêu chuẩn GAP. Và hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, đặc thù hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Ngày 29/12, tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), Hội Nông dân tỉnh tổ chức Chương trình tọa đàm và trưng bày sản phẩm từ các ruộng lúa thực hiện kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường. Tham dự buổi tọa đàm có trên 60 cán bộ, nông dân các huyện Ninh Phước, Thuận Bắc và các chuyên gia về kỹ thuật canh tác lúa.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa thân thiện với môi trường đem lại hiệu quả thiết thực về nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập. Đồng thời các đại biểu được hướng dẫn nghiên cứu các Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII về cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các văn bản quy định chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2021- 2030, theo Nghị quyết số 19/2021/NQ- HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 06/2022/QĐ- UBND của UBND tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021- 2030.
Bên canh đó, Ban quản lý dự án Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tăng cường mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến các vùng và hộ nông dân ngoài vùng dự án, tiếp tục tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu về kỹ thuât canh tác lúa thân tiện với môi trường và sản phẩm lúa, gao sau thu hoạch từ vùng dự án tại Đại hội điểm cấp cơ sở của tỉnh ngày 13/01/2023 có trên 90 đại biểu tham dự và phát 100 tờ lịch minh họa về kỹ thuật canh tác thân thiện môi trường.
Một số hình ảnh hoạt động