Banner Home
CreateChildControls_Exception: Object reference not set to an instance of an object.
ba kỳ
HCM
B2B
Thương hiệu Táo Ninh Thuận
du lich
 
Trang chủ » Tin tức - Sự kiện

Đề cương tuyên truyên Kỷ niệm 90 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2020)

Kỷ niệm 90 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2020)

 ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 90 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2020)

 -----

I- Những nguyên nhân nổ ra Xô Viết Nghệ Tĩnh

Lịch sử còn ghi, từ thuở xa xưa, Nghệ Tĩnh vốn là miền đất của những chiến công trong các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc. Truyền thống ấy như mạch chảy không ngừng, được tiếp nối đến tận về sau.

Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Nghệ Tĩnh đã nối tiếp nhau đứng lên đấu tranh chống Pháp. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa được quy tụ dưới ngọn cờ của các sỹ phu yêu nước, như cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai (tại huyện Thanh Chương, Nam Đàn). Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (7/1885), phong trào đấu tranh chống Pháp nổ ra sôi nổi khắp Nghệ Tĩnh, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê với căn cứ địa Vũ Quang do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885-1896). Các sỹ phu yêu nước như Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Bắc Nghệ An như Diễn Châu, Yên Thành. Về sau, mặc dù các cuộc khởi nghĩa này thất bại nhưng đã chứng minh được truyền thống yêu nước, căm thù giặc của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. Đây chính là tiền đề tạo nên sức mạnh tổng hợp của các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc ta sau này.

Khi thực dân Pháp chính thức đặt ách đô hộ tại nước ta, chúng đã ráo riết thực hiện chính sách khai thác thuộc địa dưới nhiều hình thức. Nhân dân Nghệ Tĩnh vốn đã nghèo lại phải chịu sưu cao, thuế nặng nên càng trở nên đói khổ. Năm 1900, thực dân Pháp đã xây dựng hàng loạt các nhà máy ở Vinh-Bến Thuỷ: nhà máy gỗ, cưa, sửa chữa xe lửa, diêm, điện, cá hộp, rượu; chiếm đất lập đồn điền ở miền Tây Nghệ An, Hà Tĩnh để trồng chè, cà phê, cao su. Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 15/10/1890 cho phép mỗi nhà tư bản Pháp được chiếm một lúc 500 ha đất. Theo báo cáo của sở Công chính Trung Kỳ, đến năm 1929, Nghệ An đã có tới 40 đồn điền với diện tích 19.729 ha. Cùng với việc mở thêm các nhà máy, đồn điền là chính sách bóc lột lao động thuộc địa. Nhân dân ta phải lao động khổ cực dưới đòn roi của chế độ thực dân.

Tuy nhiên, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã gặp phải ngọn lửa đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh. Đầu thế kỷ XX, cả nước đã bùng lên phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân. Người khởi xướng phong trào Đông Du là nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1908, Nguyễn Hằng Chi (huyện Can Lộc), Trịnh Khắc Lập (huyện Nghi Xuân) và Chu Trạc (huyện Yên Thành) đã đứng ra kêu gọi nhân dân tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ.

Từ năm 1909 đến năm 1920, hàng trăm thanh niên Nghệ Tĩnh đã xuất dương đi tìm đường cứu nước, chủ yếu là qua Xiêm để từ đó sang Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu, năm 1924, họ được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc; từ đấy, một con đường cứu nước mới đầy triển vọng của cách mạng Việt Nam được hình thành. Nguyễn Ái Quốc đã chỉ dẫn cho những người yêu nước Nghệ Tĩnh trong tổ chức “Tâm Tâm xã” con đường cứu nước theo gương Cách mạng Tháng Mười Nga.

Tháng 2/1925, Người tổ chức ra nhóm “Thanh niên cộng sản đoàn” gồm 9 người (trong đó có nhiều người quê ở Nghệ Tĩnh như: Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long...) làm hạt nhân cho một tổ chức cách mạng rộng lớn.

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức “Việt Nam cách mạng thanh niên” (gọi tắt là Hội Thanh niên). Hội Thanh niên có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, có Điều lệ chặt chẽ và phương thức hoạt động gần như một Đảng. Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp đào tạo, huấn luyện cách mạng cho hội viên Hội Thanh niên và cử họ về nước xây dựng cơ sở của Hội. Tác phẩm “Đường Kách Mệnh”, “Nhật ký chìm tàu” và báo “Thanh niên” được bí mật chuyển về nước nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin vào phong trào công nhân và các tầng lớp nhân dân. Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Mác-Lê nin gieo mầm nhanh và phát triển mạnh. Đó là tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Nghệ Tĩnh.

Ngày 14/7/1925, tại núi Con Mèo (Bến Thuỷ), Hội Phục Việt ra đời do các nhà trí thức yêu nước sáng lập như: Lê Văn Huân, Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Tôn Quang Phiệt. Hội đã phân công cán bộ đi khắp hai tỉnh để xây dựng các tổ chức cơ sở và cử người sang Trung Quốc và Xiêm liên lạc với những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại đó. Đồng thời, Hội tổ chức nhiều hoạt động: rải truyền đơn kêu gọi học sinh, sinh viên và các tầng lớp trí thức tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, đám tang cụ Phan Chu Trinh. Trong quá trình hoạt động, Hội có nhiều lần đổi tên và cuối cùng, vào ngày 14/7/1928, Hội lấy tên “Tân Việt cách mạng Đảng” (gọi tắt là Đảng Tân Việt).

Tháng 01/1927, tiểu tổ “Hội Thanh niên” đầu tiên ở Nghệ Tĩnh được thành lập. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (quê ở Thanh Chương) được bầu làm Bí thư Kỳ bộ. Cán bộ hội đã đi khắp địa bàn hai tỉnh để gây dựng cơ sở và phổ biến tác phẩm “Đường Kách Mệnh” vào các tổ chức yêu nước. Hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt đã có nhiều hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp như: tổ chức các phường tương tế, ái hữu, hội đọc sách, giảng báo, lớp dạy chữ quốc ngữ, hợp tác xã dệt vải, trại cày, hiệu buôn.v.v được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ sự hoạt động tích cực của hai tổ chức, chủ nghĩa Mác-Lê nin đã được truyền bá sâu rộng trên đất Nghệ Tĩnh, mở đường cho phong trào cách mạng ở hai tỉnh tiến lên theo xu hướng mới.

Từ giữa năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung đã được Trung ương Đảng cử vào Nghệ Tĩnh lập Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương cộng sản Đảng thu hút đông đảo nhân dân tham gia và phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trong hai tỉnh. Cuối năm 1929, các tổ chức quần chúng như Tổng Công hội, Tổng Nông hội và Tổng Sinh hội ra đời.

Trước ảnh hưởng to lớn của Đông Dương cộng sản Đảng, tháng 9/1929, các thành viên tiên tiến trong Đảng Tân Việt đã đứng ra thành lập tổ chức Đông Dương cộng sản Liên Đoàn tại bến Đò Trai huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ được thành lập vào tháng 3/1930 đặt trụ sở chính tại Vinh và một trụ sở ở Đà Nẵng, do đồng chí Nguyễn Phong Sắc (quê ở phố Bạch Mai-Hà Nội) làm Bí thư.

Phân cục Trung ương lâm thời chỉ định ra 2 Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An gồm:

Một, Tỉnh bộ Vinh (bao gồm Vinh-Bến Thuỷ, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Thị xã Thanh Hoá) ra đời tháng 3/1930, do đồng chí Lê Mao, Ủy viên thường trực Phân cục phụ trách (tương đương Ủy viên Trung ương Đảng sau này).

Hai, Tỉnh bộ Nghệ An (gồm toàn bộ các huyện trong tỉnh, trừ các nơi thuộc Tỉnh bộ Vinh) do Nguyễn Liễn phụ trách .

Tỉnh bộ Nghệ An tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ nhất (tháng 10/1930) tại nhà ông Nguyễn Đình Kình (Xã Xuân Tường, Thanh Chương), đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư.

Tháng 3/1930, Tỉnh uỷ lâm thời Hà Tĩnh được thành lập, đồng chí Trần Hữu Thiều được cử làm Bí thư lâm thời.

Tháng 9/1930, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại nhà ông Mai Kính (Thạch Việt, Thạch Hà), đồng chí Nguyễn Châu được bầu làm Bí thư.

 II- Diễn biến cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Nhân ngày 1/5/1930, Trung ương Đảng chủ trương phát động phong trào đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên ở Việt Nam. Xứ uỷ Trung Kỳ và các tỉnh Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh đã tích cực chuẩn bị thực hiện chủ trương đó từ giữa tháng 4/1930.

Ngày 1/5/1930, hơn 1.200 nông dân các làng Đức Hậu, Ân Hậu, Song Lộc (Nghi Lộc), Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh (Hưng Nguyên) kéo vào thành phố kết hợp với công nhân Vinh-Bến Thuỷ đòi thực dân Pháp thực hiện các yêu sách như: tăng lương, giảm sưu thuế, ngày làm việc 8 giờ, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của lực lượng công nông Nghệ An, thực dân Pháp đã tổ chức đàn áp, bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 người bị thương và bắt hơn 100 người.

Cũng trong ngày 1/5/1930, ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) nổ ra cuộc biểu tình của 3.000 nông dân các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Đức Nhuận đấu tranh phá đồn điền Ký Viễn, tịch thu ruộng đất chia cho nông dân. Học sinh trường tiểu học Pháp-Việt Thanh Chương tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, diễu hành qua huyện lỵ hô vang khẩu hiệu đấu tranh.

Nguyễn Liễn (tức Đàm) thường gọi Tùng Liễn. Về sau Nguyễn Liễn bị bắt giam cùng vợ là Nguyễn Thị Minh Châu (tức Dung) và cả hai đều nhụt chí, từ bỏ Đảng, làm việc cho thực dân Pháp.

Tại Hà Tĩnh, Tỉnh uỷ cũng đã phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trong toàn tỉnh:

- Ngày 1/8/1930, hơn 500 nông dân Can Lộc biểu tình kéo vào huyện đường đưa yêu sách.

- Nông dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Đức Thọ, Kỳ Anh tập trung mít tinh, tuần hành qua các làng.

- Ngày 30/8/1930, hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn kéo về huyện đường phá nhà giam, giải thoát tù nhân, thiêu huỷ giấy tờ sổ sách và bắt tên tri huyện Lê Khắc Tưởng ký nhận vào bản yêu sách của nhân dân.

Phong trào đấu tranh trên 2 tỉnh dần dần được phát động và lan rộng. Đặc biệt, ngày 1/9/1930, trên 2 vạn nông dân 5 tổng (huyện Thanh Chương) biểu tình kéo về huyện lỵ, phá nhà giam giải phóng tù nhân và thiêu hủy toàn bộ huyện đường, sau đó về các làng trừng trị bọn tổng lý phản động, làm chủ thôn xã. Cuộc biểu tình này được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh. Tiếp sau đó, làn sóng biểu tình của quần chúng bao vây huyện đường liên tiếp nổ ra. Phong trào công nông Nghệ Tĩnh phát triển lên đỉnh cao.

Trong các ngày 7, 8 tháng 9/1930, nhân dân huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên biểu tình kéo về huyện đường Cẩm Xuyên. Nhân dân huyện Anh Sơn, Kỳ Anh, Nghi Lộc liên tiếp giành thắng lợi trong các ngày 9,10/9/1930.

Đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 khoảng 8.000 nông dân hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn: Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ Hưng Nguyên, đoàn biểu tình kéo đến ga Yên Xuân, phá hủy đường dây điện tín, bắt viên ký ga; sau đó tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên. Thực dân Pháp cho máy bay ném bom và bắn vào đoàn biểu tình làm chết 217 ngưòi và bị thương 125 người.

Từ giữa tháng 9/1930, khắp nơi trong hai tỉnh đã tổ chức mít tinh truy điệu những người đã hy sinh ở Thái Lão. Nông dân các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã đấu tranh phá huyện lỵ, phá đồn điền của Pháp. Công nhân Vinh-Bến Thuỷ bãi công trong suốt hai tháng liền để ủng hộ phong trào nông nhân. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm lần thứ 13 cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930), hơn 1.000 nông dân huyện Yên Thành và gần 2.000 nông dân huyện Diễn Châu tổ chức biểu tình thể hiện tinh thần Quốc tế vô sản.

Ở các huyện miền núi, đầu năm 1931, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Lê Xuân Đào lên xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) để xây dựng cơ sở cách mạng: chi bộ Đảng Môn Sơn ra đời vào tháng 4 năm 1931, và ngày 9/8/1931 chi bộ đã lãnh đạo 300 nông dân các dân tộc trong vùng đấu tranh với địa chủ, tịch thu lúa, tiền, bạc nén chia cho các gia đình nghèo.

Như vậy, chỉ trong vòng gần 1 năm (từ 1/5/1930-đầu năm 1931), phong trào đấu tranh của công nông 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã lan rộng từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi, gây những tổn thất nhất định cho chính quyền thực dân nửa phong kiến.

III- Thành quả của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh

Về chính trị, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phá bỏ được bộ máy chính quyền của thực dân phong kiến ở thôn xã. Nông hội Đỏ đã buộc bọn lý trưởng nộp sổ sách, con dấu cho chính quyền Xô viết. Chính quyền Xô Viết đã ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân trong làng như: tự do hội họp, tự do học chữ và tự do tham gia vào các đoàn thể cách mạng.

Về kinh tế, chính quyền Xô Viết tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công chia cho dân nghèo. Xô Viết bãi bỏ các thứ thuế như: thuế thân, thuế muối, thuế chợ, thuế đò; buộc các tổng lý phải trả lại cho dân khoản tiền đã thu, các chủ nợ phải xoá nợ cho người nghèo, chủ ruộng phải giảm tô chính, bỏ tô phụ cho nông dân. Xô Viết quy định mức tiền công cho người đi làm thuê và thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Chính quyền Xô Viết tổ chức ra các phường, hội để giúp đỡ nhau làm ăn Về quân sự, từ tháng 9/1930, chính quyền Xô Viết đã thành lập được 411 đội Tự vệ đỏ với 9.114 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử. Tự vệ đỏ có nhiệm vụ tuần tra canh phòng bảo vệ các cuộc hội họp của Đảng, tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự xóm làng, xung kích trong các cuộc biểu tình.

Về văn hóa xã hội: Chính quyền Xô Viết tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân, có 13.592 người đi học với 886 lớp và 553 giáo viên. Đồng thời tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân; bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan: bói toán, cầu cúng, cờ bạc, rượu chè…

IV- Chính sách khủng bố trắng của địch và những chủ trương mới của Đảng

Trước những thành quả của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách “khủng bố trắng” nhằm đàn áp, dập tắt phong trào cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ngày 18/10/1930, Lơ phôn (Khâm sứ Trung Kỳ) ra Thông điện chỉ thị cho công sứ và tổng đốc các tỉnh ở Trung Kỳ về cách đối phó với cộng sản: “Phàm những người xướng-xuất cộng sản thì xem như là ở ngoài vòng pháp luật và phải lập tức đến quan trên mà trích-giải ngay, những đứa xướng-xuất ấy phạm tội quả tang và cổ động hay là xung đột tức thì phải dùng các phương pháp bất kỳ phương pháp chi để trừ khử ngay chúng nó, không cần phải chiếu theo lệ thường mà khám xét và tróc nã cũng được”.

Thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy thống trị ở địa phương, đem nhiều quan chức mật thám có kinh nghiệm từ Huế và các tỉnh về Nghệ Tĩnh như: Bônom, Nguyễn Khoa Kỳ, Tôn Thất Đàn. Tăng cường và điều lính về Nghệ Tĩnh, lập đồn bốt từ làng đến tổng, mở rộng và lập thêm nhà tù ... Dùng chính sách mỵ dân ra tờ: “Tràng An cận tín”, “Hoan Châu tân báo”, “Hà Tĩnh tân văn”, “Thanh-Nghệ-Tĩnh tân văn”; hoặc dán yết thị, yết cáo khắp nơi để dụ dỗ, mua chuộc nhân dân đừng theo cộng sản. Chúng tổ chức các buổi “rước cờ vàng” và “phát thẻ quy thuận” nhằm chia rẽ và cô lập lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân.

Chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp đã gây cho phong trào cách mạng nhiều tổn thất. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ đều bị đánh phá nghiêm trọng. Để bảo vệ cơ sở Đảng và bảo toàn lực lượng cách mạng, Tỉnh uỷ Nghệ An và Hà Tĩnh đã chủ trương rút lui vào các vùng rừng núi sâu để hoạt động bí mật. Đảng kịp thời ra truyền đơn, báo chí chống lại luận điệu lừa bịp của địch; đồng thời động viên tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân.

V- Ảnh hưởng của Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh

Phong trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã gây tiếng vang lớn trong nước và trên thế giới. Sau khi Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, đặc biệt là khi có Thông báo của Trung ương Đảng gửi các tỉnh, các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc: ở Hà Nội học sinh rải truyền đơn, công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, than Quảng Ninh bãi công, công nhân dệt Nam Định đình công; ở Sài Gòn công nhân hãng dầu Nhà Bè đình công. Nông dân các huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh, Mộ Đức (Quảng Ngãi) biểu tình ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh; đặc biệt là ngày 14/10/1930, nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) và ngày 20/10/1930 nông dân Bình Lục (Hà Nam) tập trung tại các đình làng đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trong thời gian này báo chí cả nước đã đưa tin về Xụ Viết Nghệ Tĩnh như báo "Cờ Đỏ" của Xứ uỷ Nam Kỳ, báo “Bồi Bếp” của chi bộ Đảng Sài Gòn; Báo “Người Lao Khổ” số 13 ngày 18/9/1930 của Xứ uỷ Trung Kỳ ra lời kêu gọi: Công nông khắp trong nước xông vào mặt đế quốc mà thét rằng: không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh.

Ảnh hưởng của Xô Viết Nghệ Tĩnh còn chấn động dư luận trên toàn thế giới. Ngày 27/2/1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra lời kêu gọi các cấp uỷ Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ phải huy động thợ thuyền, dân cày lao khổ đấu tranh ủng hộ phong trào cộng sản Đông Dương bằng mọi phương diện, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng của họ.

Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ và Quốc tế cộng sản đánh giá rất cao. Trong phiên họp thứ 25 (ngày 11/4/1931) tại Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản đã quyết định công nhận Đảng ta là một phân bộ độc lập của Quốc tế cộng sản.

Tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII họp tại Matxcơva năm 1935, đoàn đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương có 3 đồng chí tham gia, trong đó có 2 đồng chí người Nghệ Tĩnh: đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản.

Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là cầu nối của cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng quốc tế.

Tuy hoạt động ở hải ngoại, nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm và theo dõi sát sao phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Người thường xuyên gửi báo cáo lên Quốc tế cộng sản cũng như viết bài gửi các báo tiến bộ trên thế giới kêu gọi 7 ủng hộ cách mạng Việt Nam và lên án chủ nghĩa đế quốc giết hại nhân dân vô tội. Đánh giá về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Người đã khẳng định “Nghệ-Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!”. Qua những hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có sự chỉ đạo, động viên cũng như ủng hộ, bênh vực của bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Cho đến sau này, trong các cuộc tiếp xúc, thư từ, chỉ thị với cán bộ, nhân dân Nghệ-Tĩnh hoặc nhắc đến quê hương Nghệ Tĩnh, Người luôn nhấn mạnh cụm từ “Quê hương Xô Viết anh hùng!” để tỏ rõ sự quan tâm, tin tưởng và tự hào đối với quê hương Nghệ-Tĩnh, cái nôi của cách mạng.

Bốn năm sau khi thành lập, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được Bác Hồ ký Lời đề tựa vào ngày 03/02/1964 nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Phủ Chủ tịch trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Văn hoá, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong Lời đề tựa, Bác ân cần dặn dò: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ-Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ-Tĩnh anh hùng”.

VI- Ý nghĩa lịch sử của Xô Viết Nghệ Tĩnh

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn song Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có những ý nghĩa vô cùng lớn lao: Xô Viết Nghệ Tĩnh là cao trào cách mạng đầu tiên của của quần chúng công nông ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó. Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những trang tiêu biểu nhất của khí phách anh hùng muôn thuở của dân tộc Việt Nam. Gọi là cuộc tổng diễn tập bởi vì qua phong trào này, một loạt vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng được thử thách và đã đem lại những kinh nghiệm bổ ích cho tiến trình cách mạng tiếp sau.

Thắng lợi nhất của Đảng ta trong phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là đã xây dựng được khối liên minh công nông vững chắc. Xô Viết Nghệ Tĩnh cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta chủ yếu là công nhân và nông dân, làm cho họ thấy có đủ khả năng lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, xây dựng xã hội mới. Xô Viết Nghệ Tĩnh là hiện tượng độc đáo trong phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới, gây tiếng vang trong toàn quốc và làm chấn động dư luận quốc tế. Thể hiện ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của một dân tộc thuộc địa, khiến cho những dân tộc cùng chung số phận thấy được vai trò lịch sử của mình, càng tin tưởng ở khả năng sáng tạo lịch sử của những người cách mạng. Lần đầu tiên ở nước ta, vấn đề nông dân trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là lần đầu tiên vấn đề phản phong được đề cập đến. Phong trào cách mạng 1930-1931 đã đào tạo cho cách mạng nước ta một đội ngũ cán bộ rất lớn, vững vàng qua thử thách ác liệt trong cuộc chiến sống mái với kẻ thù của giai cấp và của dân tộc.

Xô Viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng ta bài học về xây dựng khối liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong đấu tranh cách mạng. Bài học về tổ chức áp dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, giành và giữ chính quyền. Bài học về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Bài học lớn bao trùm đó là sự khẳng định dứt khoát vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiên phong đối với cách mạng Việt Nam.

 

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

Ban Tuyên giáo Trung ương
 Về đầu trang Bản in Trang chủ
Lịch công tác
HomThuNong
Thư điện tử
Danh bạ thư điện tử
VB QPPL
TTHC
nhan hieu chung nhan

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về Trang thông tin Hội Nông Dân?


Bình chọn Kết quả
Loading Đang tải dữ liệu...
Đóng
Giao lưu trực tuyến
Lấy ý kiến

Liên kết các sở, ban, ngành

footer 10-10-2012
Skip to main content