HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
BCH HND TỈNH NINH THUẬN
*
|
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: 02 -TL/HNDT
|
Ninh Thuận, ngày 05 tháng 8 năm 2024
|
|
|
THỂ LỆ
Tổ chức Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024
-----
Căn cứ Kế hoạch số 62-KH/HNDT, ngày 05/8/2024 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận về việc tổ chức Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành Thể lệ tổ chức Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024 như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng
- Thể lệ này quy định đối tượng, nội dung, hình thức, giải thưởng và những vấn đề có liên quan khác được áp dụng cho Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024.
2. Đối tượng, số lượng, thành phần tham gia Hội thi
- Đối tượng: Cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Ninh Thuận.
- Số lượng: Mỗi huyện, thành Hội thành lập 01 Đội thi, tối đa 15 thành viên, trong đó: 01 lãnh đạo huyện, thành Hội phụ trách và trong Đội thi có ít nhất là 03 nữ.
- Danh sách thành viên Đội thi của từng đơn vị có xác nhận của Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện, thành phố và gửi về Hội Nông dân tỉnh (Qua Ban Xây dựng Hội) trước 10 ngày để Ban Tổ chức Hội thi Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, theo dõi.
3. Điều kiện tham dự Hội thi
- Thí sinh tham gia Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024 phải có thẻ hội viên để Ban Tổ chức Hội thi kiểm tra trước khi dự thi.
- Đội thi của từng đơn vị phải bảo đảm đúng thành phần, số lượng đăng ký với Ban Tổ chức Hội thi. Trong quá trình Hội thi diễn ra nếu phát hiện đội thi nào có thí sinh ngoài danh sách đăng ký thì đội thi đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Tổ chức Hội thi.
- Đội thi nếu thay đổi thí sinh, phải báo cáo bằng văn bản đến Ban Tổ chức Hội thi trước khi diễn ra Hội thi ít nhất 3 ngày. Thí sinh thay thế phải bảo đảm đúng đối tượng, có thẻ hội viên nông dân. Trong suốt quá trình diễn ra Hội thi các thí sinh phải đeo số báo danh do Ban Tổ chức Hội thi cung cấp.
- Trang phục, đạo cụ và các thiết bị khác có liên quan đến Hội thi do Hội Nông dân các huyện, thành phố lựa chọn cho phù hợp văn hóa truyền thống của các dân tộc, vùng, miền địa phương, của tỉnh.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC HỘI THI
Mỗi Đội thi sẽ tham gia đầy đủ 04 phần thi
1. PHẦN THI: CHÀO HỎI
- Thi theo thứ tự bốc thăm Đội thi.
- Nội dung Hội thi: Các đội tự giới thiệu về tên đội, các thành viên trong đội và giới thiệu về con người, đặc sản nông nghiệp, nét đẹp địa phương mình. Khuyến khích sử dụng thơ, nhạc, hò vè… vui, nhộn, hài hước.
- Hình thức thể hiện: Thông qua giới thiệu bằng lời, hình ảnh minh họa, trang phục, đạo cụ, thơ ca, hát, múa...
- Thời gian tối đa: 10 phút.
- Tổng số điểm: 20 điểm.
2. PHẦN THI: NHÀ NÔNG THÔNG THÁI
Được thể hiện qua 02 (hai) phần thi.
2.1. Phần 1: Kinh nghiệm chọn giống vật nuôi sinh sản
- Thi theo thứ tự bốc thăm Đội thi.
- Số lượng: Mỗi đội cử 03 thành viên tham gia.
- Nội dung Hội thi: Kinh nghiệm chọn giống vật nuôi sinh sản cho 7 vật nuôi: dê, bò, trâu, cừu, heo, gà, vịt; mỗi đội cử 01 thí sinh tham gia bốc thăm và trả lời câu hỏi do người dẫn chương trình đưa ra.
- Thời gian tối đa cho mỗi câu hỏi vừa hội ý và trả lời là 3 phút.
- Điểm tối đa: Điểm của phần thi này là 10 điểm.
2.2. Phần 2: Thực hành ghép cành (trên cây Mãng Cầu)
- Hình thức thể hiện: 7 đội thi thực hiện cùng lúc trên từng phần đạo cụ riêng của mỗi đội.
- Hình thức ghép cành: ghép nêm (ghép truyền thống)
- Số lượng: Mỗi đội cử 02 thành viên tham gia.
- Đạo cụ thi do Hội Nông dân các huyện, thành Phố chuẩn bị (Kéo, dao thái, dao lam, băng keo).
- Thời gian thi thực hành ghép cành: 20 phút
- Điểm tối đa: Điểm của phần thi này là 10 điểm
- Trong thời gian 20 phút, đội thi nào ghép đúng kỹ thuật và ghép được nhiều cành nhất thì đội đó về nhất đạt điểm 10, đội về nhì đạt điểm 9, đội về ba đạt điểm 8 và các đội còn lại đạt điểm 7).
3. PHẦN THI: NHÀ NÔNG ĐA TÀI
- Hình thức thể hiện: tham gia 02 (hai) Trò chơi dân gian.
- Đạo cụ các phần thi do Ban Tổ chức Hội thi chuẩn bị.
3.1. Trò chơi Đỗ nước vào chai:.
a. Số lượng: Mỗi đơn vị tham gia, (02 VĐV Nam + 02 VĐV Nữ).
b. Cự ly thi đấu: 10m.
c. Thể thức thi đấu: 7 đội thi cùng nhau, số thứ tự lấy theo Phần thi Chào hỏi.
d. Cách chơi: Phía trước mỗi đội - vạch xuất phát cách 10m đặt 01 (một) chai không nước. Thí sinh mỗi đội xếp thành hàng dọc và lần lượt từng người sẽ dùng tay (không hỗ trợ bằng các vật dụng khác) múc nước nơi xô (để ở vạch xuất phát) đi đổ vào chai, sau đó người khác tiếp tục lần lượt luân phiên các thành viên trong đội múc nước cho đến khi chai đầy nước. Trong thời gian 10 phút, Đội nào đổ đầy chai nước trước sẽ thắng.
- Thời gian thi: 10 phút.
- Tổng số điểm: 10 điểm.
- Trong thời gian 10 phút đội thi nào đỗ nước nhiều vào chai và không vi phạm luật chơi thì đội đó về nhất đạt điểm 10, đội nhì đạt điểm 9, đội ba đạt điểm 8 và các đội còn lại đạt điểm 7).
3.2. Nhảy bao bố Nam - Nữ phối hợp:
a. Số lượng: Mỗi đơn vị tham gia: 02 VĐV (01 VĐV Nam + 01 VĐV Nữ).
b. Cự ly thi đấu: 20 m.
c. Thể thức thi đấu: 7 đội thi cùng nhau, số thứ tự lấy theo phần thi Chào hỏi.
d) Cách chơi: Nam thi trước với cự ly 10m, Nữ thi sau cự ly 10m - sau khi Nam hoàn thành cự ly 10m. Trước lúc xuất phát cả VĐV Nam 07 đội xếp hàng theo đường nhảy (Nam). VĐV 07 đội (đã tròng sẵn bao bố vào người), khi có lệnh xuất phát của Trọng tài, 07 VĐV bật nhảy nhanh đến vạch vôi trao bao bố cho VĐV của đội mình (Nữ) nhận và tròng bao bố vào người, tiếp tục nhảy về đích (Vị trí xác định về đích là khi VĐV nhảy qua vạch đích).
e. Luật chơi:
- Khi VĐV (Nam) chạm vạch thì VĐV (Nữ) mới được nhận bao bố và tròng vào người.
- Thí sinh nào nhảy trước hiệu lệnh xuất phát là phạm quy.
- Trong quá trình thi đấu VĐV chỉ được nhảy trong đường nhảy của đội mình, không được nhảy sang đường nhảy của VĐV khác; VĐV phải nhảy bằng hai chân chạm đất, không được lò cò 01 chân, không được lăn hoặc lộn nhiều vòng liên tiếp (phạm quy).
- Trường hợp VĐV bị vấp ngã được phép đứng dậy tại điểm vấp ngã tiếp tục thi đấu, nếu đứng dậy không đúng tại điểm bị vấp ngã là phạm quy.
- Xác định thứ hạng về đích qua kết quả xác định vị trí và thời gian của tổ Trọng tài.
- Tổng số điểm: 10 điểm.
- Đội thi nào về đích trước không vi phạm luật chơi thì đội đó về nhất đạt điểm 10, đội về nhì đạt điểm 9, đội về ba đạt điểm 8 và các đội còn lại đạt điểm 7).
4. PHẦN THI: TIỂU PHẨM
- Thi theo thứ tự bốc thăm Đội thi.
- Hình thức thể hiện: Sân khấu hóa.
- Nội dung Hội thi: Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các Phong trào thi đua, các hoạt động của Hội các cấp và trong vận động HVND tham gia xây dựng nông thôn mới.
- Ban Giám khảo chấm điểm trên cơ sở nội dung kịch bản được các đội gửi về trước và kết quả diễn xuất trong Hội thi; kịch bản được thể hiện trên văn bản đánh máy vi tính, khổ giấy A4 gửi về Ban Tổ chức Hội thi trước 10 ngày diễn ra Hội thi để chấm điểm nội dung.
- Thời gian: Tối đa 15 phút.
- Tổng số điểm: 40 điểm.
TỔNG CỘNG 4 phần thi là 100 điểm.
III. CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀ GIẢI THƯỞNG
Kết quả điểm thi của Đội tuyển được tổng hợp chung của từng Đội thi là tổng số điểm của 04 phần thi (Chào hỏi, Nhà nông thông thái, Nhà nông đa tài và tiểu phẩm). Các đội dự thi phải tham gia đủ 04 phần thi, đội nào không tham gia đầy đủ các phần thi trên, Ban Tổ chức Hội thi sẽ không công nhận kết quả của Đội thi.
1. Cách tính điểm
- Kết thúc 04 phần thi, căn cứ vào tổng số điểm đạt được của các đội thi, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Hội thi, chọn các đội có điểm số từ cao đến thấp để trao giải thưởng tập thể như sau: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba, 04 giải khuyến khích.
- Các phần thi: Chào hỏi, Nhà nông thông thái, Nhà nông đa tài, Tiểu phẩm. Nếu quá thời gian quy định, được trừ điểm như sau: Dưới 30 giây/phần thi trừ 0,5 điểm; từ 30 giây/phần thi đến dưới 60 giây/phần thi trừ 01 điểm; từ 60 giây/phần thi đến 90 giây/phần thi trừ 2 điểm.
- Trường hợp có từ 02 đội thi bằng điểm nhau, Ban Tổ chức Hội thi sẽ căn cứ vào phần thi Chào hỏi và tiểu phẩm của các đội thi cùng điểm để xác định giải thưởng.
2. Giải thưởng các đội tham gia Hội thi được Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm, Bằng khen Hội Nông dân tỉnh và tiền thưởng cho các đơn vị dự thi.
Giải thưởng tập thể: Tặng Bằng khen Hội Nông dân tỉnh và tiền thưởng, như sau:
- 01 giải nhất: 7.000.000 đồng.
- 01 giải nhì: 6.000.000 đồng.
- 01 giải ba: 5.000.000 đồng.
- 04 giải khuyến khích: 3.000.000 đồng.
3. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
- Ban Tổ chức Hội thi có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại của các đoàn trước khi kết thúc Hội thi.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
- Các Đội thi tham gia Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024 có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thể lệ này.
- Các Đội thi Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024, phải gửi nội dung các phần thi Chào hỏi, Tiểu phẩm trước 10 ngày để Ban Tổ chức Hội thi thẩm định.
- Trong quá trình tổ chức Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024, nếu có gì vướng mắc, Trưởng đoàn các đơn vị kịp thời phản ánh cho Ban Tổ chức Hội thi để kịp thời xem xét, giải quyết cho phù hợp.
- Ban thường vụ Hội Nông dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai, phổ biến nội dung thể lệ đến thành viên Đội thi. Thể lệ này được áp dụng cho Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024. Căn cứ tình hình thực tế, nếu có bổ sung, sửa đổi Thể lệ sẽ do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận quyết định và thông báo bằng văn bản cho các huyện, thành phố.
Trên đây là Thể lệ Hội thi Nhà Nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2024 của Hội Nông dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- TW HND Việt Nam;
- Cụm thi đua số 4;
- VP TW Hội Phía Nam;
- UBND tỉnh;
- Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh;
- Văn phòng XD NTM tỉnh;
- TT, các ban, đơn vị trực thuộc HND tỉnh;
- HND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, Ban XDH.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Lê Thanh Hùng
|