Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2012)


 

 Trong không khí thi đua sôi nổi cùng với giai cấp nông dân cả nước ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh năm 2012 và nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Hôm nay Hội Nông dân và giai cấp nông dân tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10/1930-14-10-2012, để ôn lại lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp nông dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước và kiến thiết xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. 

 Trải qua 82 năm ra đời và phát triển, Hội Nông dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo từ tổ chức Nông Hội đỏ năm 1930 đến nay là Hội Nông Dân Việt Nam tại Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 họp tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, Luận cương nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở đông Dương (hơn 90 phần trăm), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”. Luận cương vạch rõ: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày để tranh đấu và binh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để thì mới giành quyền lãnh đạo dân cày được”.

 Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị còn ra Nghị quyết về Tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó nêu rõ các quyết định quan trọng của Hội nghị, một trong các quyết định đó là “phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương Tổng Nông hội”.

 Tại Hội nghị quan trọng này đã ra Nghị quyết, thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích nhằm ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”. trong đó trọng tâm là xây dựng tổ chức Nông hội, cơ sở của Nông hội là làng. Tổ chức phải theo hệ thống dọc: từ Tổng Nông hội, huyện Tổng Nông hội, tỉnh Tổng Nông hội, xứ Tổng Nông hội, đông Dương Tổng Nông hội . Cũng tại hội nghị này Điều lệ Nông hội làng được thông qua. Mục đích của Nông hội làng là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.

 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù về danh nghĩa Hội Nông dân Việt Nam vẫn chưa được thành lập, nhưng các tổ chức Nông hội vẫn tiếp tục hoạt động dưới hình thức tổ chức Nông hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Các nghị quyết của Hội nghị tháng 10 năm 1930 được phổ biến sâu rộng; dựa vào Điều lệ Nông hội làng, các tổ chức Nông hội hoạt động chủ động, sáng tạo, tập hợp đông đảo lực lượng nông dân tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân và tay sai của chúng.

 Năm 1941 - 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu...Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp''. Nông hội đã đưa nông dân tham gia vào các phong trào sôi nổi với những hình thức như biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh Nhật…Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), phong trào ''Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói'' đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Qua phong trào đấu tranh các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa từng phần đang nổi lên cuồn cuộn trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước hừng hực bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công.

 Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các tổ chức của giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.

 Trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gây go ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập Ban Nông vận Trung ương, kiện toàn tổ chức ở cấp Trung ương.

 Trụ sở đầu tiên của Ban Nông vận Trung ương đóng tại Bản Lá (Roòng Khoa), xã Điềm Mặc, (Định Hóa - Thái Nguyên) sau chuyển sang thôn Tân Lập, xã Tân Trào, (Sơn Dương- Tuyên Quang).

 Với nhiệm vụ của Ban Nông vận Trung ương là vận động nông dân: tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ. Thực hiện chủ trương trên Ban Nông vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 07 tháng 12 năm 1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến,(Yên Sơn - Tuyên Quang). Dự Hội nghị có đông đảo cán bộ đại diện cho tổ chức Hội Nông dân ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị đã tập trung kiểm điểm, đánh giá ưu, khuyết điểm của tổ chức Hội, phong trào nông dân, đặc biệt là đánh giá vai trò của tổ chức và hoạt động của phong trào nông dân từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

 Trong thư gửi Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò và tiềm lực lớn lao của giai cấp nông dân cả nước trong đấu tranh giành chính quyền và sự nghiệp kháng chiến. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc).

 Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.

 Được đế quốc Mỹ giúp sức, chính quyền Ngô Đình Diệm đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Giơnevơ và tập trung sức củng cố bộ máy thống trị phản động. đẩy mạnh việc xây dựng quân đội ngụy làm lực lượng xung kích chống cộng và đàn áp nhân dân. Thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng ở nông thôn miền Nam, Nông hội vừa tích cực tổ chức, vận động nông dân chuẩn bị đấu tranh lâu dài, vừa khẩn trương tranh thủ thời gian trước khi bàn giao các địa bàn cho đối phương để củng cố sản xuất, ổn định đời sống. Nam Bộ và khu V tiếp tục đẩy mạnh việc chia cấp ruộng đất cho nông thôn nâng tổng số ruộng đất chia cho đồng bào lên 750.000ha cho 1.299.000 hộ nông dân.

 Phong trào đấu tranh chính trị của nông dân miền Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ, quyết liệt. Các làng, xã chiến đấu được hình thành và phát triển.

Ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

 Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong thời gian Đồng khởi.

 Thực hiện chủ trương của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tiến công chính, đánh mạnh vào kế hoạch “Bình định cấp tốc” của địch, giữ đất, giành dân, Hội Nông dân đã chủ động giáo dục hội viên khắc phục tư tưởng nôn nóng, thoát ly thực tế muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là phải ''giành dân, giành đất, phát triển thế và lực của ta". Nông dân liên tục nổi dậy phá rã, phá banh nhiều khu dồn dân, phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ trên nhiều địa bàn quan trọng. Vùng giải phóng đã mở rộng tới sát Sài Gòn.Ở đồng bằng Nam Bộ, nông dân nổi dậy mở thêm nhiều vùng, nhiều lõm giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn liên xã, liên huyện.

  Thắng lợi của phong trào nông dân nổi dậy và cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh ở miền Nam và tiến tới "Tổng tấn công" mùa Xuân năm 1975 giành trọn vẹn thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà.

  Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng 30/4/1975; Nông hội đã phát triển đều khắp, đã tích cực vận động nông dân thi hành chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn, góp phần đẩy mạnh phong trào thủy lợi, phát triển sản xuất, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường đoàn kết trong nông dân, xây dựng chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn. Tuy vậy, công tác Nông hội chưa có chuyển biến mạnh mẽ gắn liền với nhiệm vụ cải tạo và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Các cấp ủy chưa chú trọng xây dựng tổ chức Nông hội và chưa chỉ đạo thật chặt chẽ công tác Nông hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai (khóa IV) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 12 tháng 12 năm 1977, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 24 – CT/TW về việc tăng cường công tác Nông hội ở các tỉnh miền Nam.

  Ngày 27 tháng 9 năm 1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78 – CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam, đưa nông thôn tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội kết nạp tất cả nông dân hăng hái phấn đấu vào con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa, theo nguyện tắc tự nguyện.

  Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc) nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.

  Từ thực tiễn kinh tế - xã hội, ở nông thôn đã xuất hiện những nhân tố mới thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của cán bộ cơ sở, như ở Hải Phòng, Vĩnh Phú. Trên cơ sở thực tiễn “khoán chui”, Đảng ta đã tổng kết và ra "Chỉ thị 100'' với nội dung cơ bản là "khoán sản phẩm', mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 đã ''cởi trói'' cho phát triển kinh tế nông nghiệp, cải  thiện đời sống nông dân. Tuy mới là giải pháp tình thể, nhưng "Khoán sản phẩm” đã có hiệu quả thực sự. Trong thời gian 1981 - 1985, nhờ hình thức khoán mới, sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 5% so với 2% của thời kỳ 1976 - 1980, sản xuất lương thực tăng bình quân hàng năm 6,5% so với 1,6% của thời kỳ 1976 - 1980.

Ngày 01 tháng 3 năm 1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. 

Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam.  

 

 

Ngày 20 tháng 5 năm 1991, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 69 – CT/TƯ về việc kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng.  

Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua V kỳ Đại hội.  

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Nhất tổ chức từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 29 tháng 3 năm 1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.  

Nghị quyết của Đại hội đã khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân, đoàn kết chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết tâm tiến theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.  

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam họp từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 19 tháng 11 năm 1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.  

Đây là Đại hội “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”, là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của giai cấp nông dân quyết tâm đổi mới và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt.  

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Nông dân Việt Nam khai mạc từ ngày 17 tháng 11 đến ngày 20 tháng 11 năm 1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. 

Đại hội III có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Nông dân Việt Nam được tổ chức từ ngày 22 tháng 11 đến ngày 25 tháng 11 năm 2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Đây là Đại hội ''Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Phát triển''.  

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam được khai mạc từ ngày 22 tháng 12 đến ngày 25 tháng 12 năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội.  

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Bảy (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đại hội V là Đại hội ''Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập -  Phát triển''.  

Đồng thời đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội, đó là: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.  

Để tăng cường sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với hơn 40 Bộ, ngành.  

Công tác đối ngoại của Hội đã đạt được thành tích nổi bật trên các lĩnh vực hợp tác và hữu nghị, nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức nông dân của các nước đã đến thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm với Hội Nông dân Việt Nam và giúp Hội thực hiện một số dự án trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, gồm 29 tổ chức Nông dân; 10 Tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGOs); 7 Tổ chức Quốc tế (Liên hợp quốc) và 12 Đại sứ quán tại Hà Nội.  

Cùng với sự trưởng thành của giai cấp nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân Ninh Thuận cũng đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.  

Sau ngày thành lập Tổng Nông Hội Đông Dương 1930 ở tỉnh ta, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng thôn Bảo An và chi bộ Đề Bô Tháp Chàm ngày 30-10-1930 tức là chỉ sau 16 ngày thành lập Tổng Nông Hội Đông dương đã có 3 chi Hội Nông Hội đỏ ở làng Bảo An, thôn Vạn Phước và thôn Trường Sanh đã được thành lập. Đây là 3 chi hội Nông Hội đỏ đầu tiên được thành lập ở tỉnh ta.  

Phong trào Nông Hội đỏ lan rộng tới thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, thôn Cà Ná, xã Phước Diêm, huyện An Phước. Từ năm 1941-1945 các chi Hội Nông dân cứu quốc lần lượt được hình thành khắp các địa bàn nông thôn trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Ninh Thuận nhất tề đứng dậy cùng với cả nước tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vào ngày 21-8-1945. Như vậy giai cấp nông dân tỉnh ta là động lực cách mạng chủ yếu trong những ngày khởi nghĩa, tổ chức Hội Nông dân cứu quốc đã trở thành thành viên của Mặt trận Việt Minh tỉnh Ninh Thuận.  

Hưởng ứng niềm vui độc lập chưa được là bao, nông dân tỉnh ta cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nông dân 3 huyện Thuận Nam, An Phước và Thuận Bắc gồm tất cả bà con đồng bào dân tộc Kinh, Chăm, Raglai … và cả bà con giáo dân ở Hộ Diêm, Gò Đèn đã tiếp tế lương thực, thuốc men… để phục vụ chiến đấu đến cuối năm 1953 và đầu năm 1955, quân dân tỉnh ta cùng với bà con nông dân chuẩn bị thực hiện cuộc phản công, tiêu diệt và uy hiếp địch ở các đồn Hoài Trung, Nha Phân, Hoà Trinh, Bĩnh Nghĩa, Mỹ Tường, Ninh Chữ và bao vây uy hiếp thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, giải phóng một phần nông thôn rộng lớn, góp phần cùng cả nước lập nên một chíên công hiển hách với chiến dịch Điện Biên phủ lịch sử 1954 chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc từng bước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, quân dân miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. 

  Tháng 7-1954, nhân dân Ninh Thuận bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bè lũ tay sai, bước đầu là đấu tranh bảo vệ nền hoà bình còn non trẻ, buộc bọn địch phải thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký. Để tiến hành cuộc tổng tuyển cử cả nước, song kẻ địch ngoan cố, chúng tiến hành chống phá cách mạng rất tàn bạo. Đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, nông dân cốt cán ở tỉnh ta bị bọn chúng bắt bớ, tra tấn đánh đập tàn bạo. Địch sử dụng thủ đoạn dồn dân lập ấp, để kìm kẹp nông dân, ly gián với cán bộ cách mạng. Đối với đồng bào miền núi, chúng phong tỏa các con đường giao thông tiếp tế, hòng làm cho bà con các dân tộc đói cơm, lạt muối, bệnh tật không có thuốc men điều trị, dẫn đến tổn hại lực lượng cho cách mạng.  

 

Từ những hành động điên rồ của chúng như thêm dầu vào lửa, làm tăng thêm ý chí căm thù của nông dân ta với kẻ thù đế quốc và bọn tay sai tàn ác.  

Đầu năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, lực lượng nông dân cùng với lực lượng vũ trang trong tỉnh đã đứng lên khởi nghĩa, mở đầu là nông dân miền núi Bác Ái anh hùng.  

Năm 1960, lan rộng ở chiến khu Anh Dũng, CK 19 tiếp tục đồng khởi, ở đồng bằng, nông dân thôn Vĩnh Hy, Thái Hoà, Mỹ Hoà, huyện Thuận Bắc đứng lên giải phóng quê hương trở thành vùng giải phóng và là căn cứ cách mạng, tiếp theo là phong trào đấu tranh giành dân, bám đất ở 14 thôn liên tiếp nổ ra như: Xóm Bằng, Tri Thuỷ, Dư Khánh, Văn Sơn, Từ Tâm, Vạn Phước, La Chữ, Mông Thuận, Hậu Sanh, Trường Sanh, Hoà Trung, Hiếu Lễ, Lạc Nghiệp và Thương Diêm. Trong thế tranh chấp da beo nhưng quyền chủ động luôn thuộc về ta. Hơn 70% đất đai canh tác rộng lớn thuộc địa bàn nông thôn do quân và dân ta quản lý. Điều đó nói lên ý nghĩa kiên cường bám trụ bảo vệ quê hương của đông đảo nông ngư dân Ninh Thuận, gắn liền với những địa danh lịch sử như: Anh Dũng, Bác Ái Đông, Bác Ái Tây, CK19, CK7, CK35 … là niềm tự hào của mỗi người dân Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung.   

Qua 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh ta đã có hơn 20 đơn vị hành chính từ huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã được Nhà nước phong tặng danh đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, 10 anh hùng lực lượng vũ trang, 120 bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng nghìn người con của quê hương Ninh Thuận đã anh dũng hy sinh trên mọi miền của Tổ quốc để đem lại độc lập tự do cho dân tộc. Đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới-giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc VN.XHCN; đổi mới nền kinh tế đất nước theo Nghị quyết Đại hội VI; ĐH VII của Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam ngày càng phát triển trưởng thành và vững mạnh. Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới… Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường. Dân chủ cơ sở được phát huy. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Nhiều mô hình dự án đước các cấp Hội triển khai bước đầu đem lại hiệu quả; quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã được thành lập và giải ngân 10 dự án với số vốn gần 4 tỷ đồng.  

Công tác tuyên truyền, vận động, củng cố xây dựng tổ chức Hội Nông dân đã có bước phát triển mới cả về lượng và chất, nội dung và phương thức hoạt động có nhiều đổi mới thiết thực; đưa CNTT vào công tác thông tin tuyên truyền của Hội. Đến nay toàn tỉnh có trên 66.894 hội viên nông dân sinh hoạt ở 7/7 huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn; toàn tỉnh có 65/65 cơ sở Hội; 396 chi hội, 1.390 tổ hội trên tổng số 73.519 hộ nông nghiệp với trên 147.052 lao động nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận cho việc sinh hoạt giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn của hộ gia đình nông dân. 

Việc tập hợp hội viên nông dân đa dạng với nhiều hình thức, bằng các mô hình như Tổ hợp tác; CLB.SKSS-TD/TK/KN; Câu Lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tổ tín dụng, tiết kiệm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.  

Tổ chức Hội Nông dân từ tỉnh xuống cơ sở thường xuyên được cũng cố, thực hiện tốt 3 phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động như: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trong giai đoạn mới. 

Đất nước bước vào giai đoạn cách mạng mới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn thách thức, nhất là khi nước ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (2006) đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải phát huy mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có để vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Chỉ thị 59-CT/TW ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đã được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu.  

Chào mừng kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14-10, ngày hội truyền thống của giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận phát huy truyền thống vẽ vang đã đạt được, khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 của tỉnh nhà. Tiến tới Đại hội Đại biểu các cấp Hội Nông dân nhiệm kỳ (2012-2017). Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, hội viên nông dân ôn lại truyền thống anh hùng trong đấu tranh, lao động, sản xuất giành lại vinh quang cho Tổ quốc. Qua đó đánh giá lại kết quả công việc chúng ta đã làm được và những thiếu sót để khắc phục trong thời gian tới.  

Chào mừng kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam; mỗi cán bộ, hội viên nông dân tỉnh nhà cần ra sức làm tốt một số công việc sau đây: 

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và vươn làm giàu. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, và sự tạo điều kiện của các chính quyền, Sở, ban, ngành, Mặt trận đoàn thể chính trị, vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt các chỉ tiêu trong năm 2012, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống cho hội viên nông dân và người lao động, tham gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”.  

Thứ hai, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền của Hội, xây dựng cũng cố tổ chức Hội thực sự vũng mạnh theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/HNDVN của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá IV. Bằng nhiều hình thức linh hoạt trong tuyên truyền, vận động để tập hợp nông dân vào tổ chức Hội, đổi mới và phương thức hoạt động của Hội một cách phù hợp, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, đoàn kết và phát huy sức mạnh của tổ chức Hội Nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.  

Thứ ba, Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” có hiệu quả. Phát huy vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tổ chức Hội phải đóng vai trò nòng cốt, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, hướng vào mục tiêu. Thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân. Trong đó, Kết luận số 61-KL/TW ngày 03-12-2009 của Ban Bí Thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, Quyết định 673-QĐ/TTg ngày 10-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2010” và kế hoạch 5554 ngày 28/12/2011 của chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà theo hướng bền vững để nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.  

Thứ tư, nâng cao hiệu quả việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị (khoá VIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”; Quyết định số 17-QĐ/TTg ngày 24-01-1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 38/QĐ-UB ngày 30-06-1999 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định trách nhiệm của các Sở, ngành và các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả. Các cấp Hội cần đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HND của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khía IV “Về nâng cao chất lượng tổ chức Hội các cấp”. Chăm lo xây dựng giai câp nông dân Việt Nam, cũng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực nhiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ Hội, tăng cường đào tạo, buồi dưỡng, bố trí cán bộ chủ chốt bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất, uy tín, tác phong quần chúng, am hiểu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ xây dựng cũng cố tổ chức Hội và các phong trào nông dân trong tình hình mới.  

Thứ năm, Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm đã được BCH Hội ND tỉnh đề ra ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành Đại hội đại biểu Hội nông dân 3 huyện và 1 thành phố trong tháng 10 năm 2012 và tiến tới Đại hội Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận vào cuối quý I năm 2013.  

Dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, tổ chức Hội ND và giai cấp nông dân Ninh Thuận là lực lượng chủ thể cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; phát huy truyền thống vẻ vang 82 năm trưởng thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam, toàn thể cán bộ, hội viên nông dân và giai cấp nông dân Ninh Thuận với tấm lòng yêu nước nồng nàn, kiên trung với Đảng, cần cù lao động, thực hành tiết kiệm, năng động sáng tạo, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, nguyện xứng đáng là lực lượng nòng cốt và là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; quyết tâm cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.