CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP GIỮA HỘI NÔNG DÂN VÀ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH NINH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2011 – 2015


 

HỘI NÔNG DÂN TỈNH NINH THUẬN

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

 
 
 


Số: 230/CTPH-HNDT-STNMT

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 
 
 


     Ninh Thuận, ngày 27 tháng 12  năm 2011

                           

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

Về việc tăng cường hành động trong lĩnh vực

Tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2011 – 2015

__________________

 

            Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020;

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-HNDTW – BTNMT ngày 13/5/2011 của Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường, phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2011 – 2015.

Nhằm tăng cường và phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hội Nông dân tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường thống nhất xây dựng chương trình phối hợp “Tăng cường hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015” với những nội dung cơ bản như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ môi trường, chống lại các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, gắn với chương trình công tác Hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

2. Tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường; tham gia xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, quản lý và bảo vệ rừng; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và an toàn; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và nhân rộng các mô hình tiết kiệm nước, điện năng, thu gom và xử lý rác thải hợp vệ sinh…

3. Tăng cường phối hợp giữa Hội Nông dân với Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan trong hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật và giải quyết những vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn nông thôn.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đưa các nội dung bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và nguồn nước ngầm, khai thác hợp lý đất đai vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm.

2. Hướng dẫn tạo điều kiện cho hội viên nông dân thực hiện các hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Ngày nước thế giới. Tổ chức tập huấn kiến thức về lĩnh vực môi trường cho cán bộ Hội và xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên các cấp Hội.

3. Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật về tài nguyên môi trường qua các hội thảo, hội thi tìm hiểu về Luật môi trường; áp dụng các công nghệ sản xuất sản phẩm sạch gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng các mô hình tự quản thu gom rác thải trong nông thôn.

4. Phối hợp tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình đề án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn giai đoạn 2011 – 2020.

5. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp Hội và cán bộ hội viên nông dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường, phát hiện, kiến nghị, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Đề xuất, kiến nghị với Đảng và nhà nước sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

6. Động viên khen thưởng kịp thời các gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, các sáng tạo trong khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, để tạo ra sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

7. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/TTg và văn bản số 1502/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp với Hội nông dân để giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

1. Hội Nông dân tỉnh

a. Chỉ đạo, hướng dẫn huyện, thành Hội phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện nôi dung Chương trình này; vận động hội viên nông dân có ý thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phổ biến kiến thức các giống cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.

b. Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động hàng năm, xây dựng kế hoạch mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tham gia giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, gây ô nhiễm môi trường có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường các huyện, thành phố phối hợp với Hội Nông dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình này bằng các hoạt động cụ thể, tạo điều kiện để các cấp Hội tham gia thực hiện việc bảo vệ môi trường.

            b. Chủ trì phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên và môi trường, các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội liên quan đến nông nghiệp, nông thôn gắn vào bảo vệ môi trường.

            c. Phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức cho hội viên nông dân về bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin, tài liệu, hỗ trợ kỹ thuật giúp Hội Nông dân trong các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường ở nông thôn. Có cơ chế chính sách động viên khen thưởng các gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong bảo vệ tài nguyên môi trường.

            d. Phối hợp và tạo điều kiện để các cấp Hội tham gia kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại của hội viên nông dân về vấn đề môi trường, các khiếu nại tranh chấp đất đai có liên quan đến vấn đề môi trường.

            VI. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

            1. Chế độ làm việc

            - Hàng năm hai ngành phối hợp đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp đồng thời xây dựng phương hướng hoạt động của năm tiếp theo. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành mình tổ chức thực hiện tốt chương trình phối hợp này và báo cáo kết quả đạt được về Hội Nông dân tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để theo dõi chỉ đạo.

            - Hai ngành phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo và sơ, tổng kết các lĩnh vực có liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương những vấn đề mới nảy sinh nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và các giải pháp thiết thực để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

            2. Đầu mối quan hệ phối hợp

             Hội Nông dân tỉnh giao Ban Tổ chức - Kiểm tra, Sở Tài nguyên Môi trường giao cho Văn phòng Sở, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường làm đầu mối quan hệ phối hợp giúp lãnh đạo hai bên tổ chức thực hiện chương trình phối hợp này.

            3. Tổ chức thực hiện

            - Căn cứ Chương trình phối hợp này, Hội Nông dân các cấp, các cơ quan chức năng của ngành Tài nguyên Môi trường cụ thể hóa việc thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời phản ánh về Hội Nông dân tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường xem xét, giải quyết.

            - Chương trình phối hợp này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Kế hoạch liên tịch số 03/KH-HND-STN-MT ngày 08/9/2005 giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường về việc phối hợp thực hiện công tác bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng đất đai.

 

            SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG                      HỘI NÔNG DÂN TỈNH

                             P. GIÁM ĐỐC                                                  P. CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)                                                                        (Đã ký)  

 

      Lê Ngọc Thạch                                                     Phạm Văn Nhân

 

 

                          

Nơi nhận:

-Trung ương Hội Nông dân VN;

-Bộ Tài nguyên & Môi trường;

-Tỉnh ủy (để báo cáo);

-Ban Dân Vận (để báo cáo);

- TT tỉnh Hội; Giám đốc, phó giám đốc Sở TNMT tỉnh;

-Các đơn vị thuộc Sở TN&MT; và các Ban thuộc tỉnh Hội;

-HND các huyện, thành phố;

-Lưu VP HND, Sở TNMT tỉnh.