Nuôi trồng Thủy sản


 

Khi nuôi tôm, cần lưu ý:

            Rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét kỹ trước khi nuôi tôm như nguồn nước, độ mặn và thời gian nhiễm mặn hay ngọt, độ phèn của nước và đất, nguồn tôm giống và khả năng có được giống, khả năng có được thức ăn cho tôm…

            Tuỳ hình thức ương nuôi mà nên có kích cỡ, vuông khác nhau. Ao ương tôm nên có hình chữ nhật, diện tích 500 - 1.000 m2, sâu 0,6 - 0,8 m. Nên có một đầu cạn và một đầu sâu về cống. Có thể ương trong bể xi măng 5 - 20 m2.

            Ao nuôi tôm thịt dạng bán thâm canh hay thâm canh nên có kích cỡ 0,5 - 1 ha. Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với rừng nên có diện tích 3 - 5 ha. Ao sâu 1 - 1,2 m.

 

            Không nên làm ao quá sâu hay quá cạn để nuôi tôm:

            Ao quá sâu sẽ làm nước quá lạnh ở đáy ao, tôm chậm lớn. Ao sâu sẽ khó gây màu nước tốt. Ao ít thức ăn tự nhiên. Đáy ao có thể bị thiếu Oxy, mùn bã tích luỹ nhiều và khó phân huỷ, khi phân huỷ sẽ gây độc cho tôm. Tôm dễ bị bệnh đen mang.

            Ao quá cạn sẽ dễ làm môi trường nước thay đổi đột ngột. Nhiệt độ ban ngày quá nóng, ban đêm quá lạnh; độ mặn tăng nhanh vào những ngày nắng cũng như sẽ giảm đột ngột khi mưa to. Tảo sẽ phát triển rất nhanh và có thể gây ra hiện tượng “nở hoa” do tảo dày đặc, gây chết tôm nhất là lúc sáng sớm.

            Nếu tảo không phát triển thì rong nhớt sẽ phát triển dày đặc, rất nguy hiểm cho tôm vào sáng sớm hay khi rong chết. Ao quá cạn, tôm dễ bị một số bệnh như đóng rong, gù lưng và những bệnh môi trường khác.

 

             Ích lợi của các mô hình nuôi tôm kết hợp (như Tôm - rừng, tôm lúa):

            Nuôi tôm kết hợp với rừng ngập mặn sẽ giúp có được nhiều sản phẩm là tôm, cây rừng và rất nhiều cây, con sống trong rừng. Ngoài ra, quan trọng nữa là sẽ giúp bảo vệ và điều hoà môi trường nước, đất, không khí và sinh vật sống trong rừng. Rừng cũng cấp nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm, cá và là nơi cư trú rất lý tưởng của tôm, cá giúp cho nghề nuôi tôm được phát triển lâu bền. Rừng bị phá hoại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nghề nuôi tôm và cả cuộc sống chúng ta.

            Ngoài kết hợp với rừng, nuôi tôm kết hợp trong ruộng lúa cũng rất tốt nhằm tận dụng mặt nước mặn vào mùa nắng. Mùn bã trên ruộng tạo ra nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm. Sự thay đổi nước mặn - ngọt theo mùa cũng làm môi trường tốt hơn.

 

            Không nên dùng thuốc trừ sâu để diệt cá tạp trước khi nuôi tôm:

            - Thật nguy hiểm nếu dùng thuốc trừ sâu để diệt cá tạp trước khi nuôi tôm vì thuốc trừ sâu có thể còn lưu tồn trong nước và đất và sẽ ảnh hưởng đến tôm. Nếu như nồng độ thấp chưa gây chết tôm ngay thì cũng có thể gây bệnh tôm sau này.

            - Tuỳ theo ương hay nuôi thịt và mô hình nuôi mà giữ mức nước thích hợp. Ương tôm giống nên giữ mức nước 0,6 – 0,8 m, nuôi thịt nên giữ mức 1 - 1,2 m ở mương và 0,6 - 0,8 m trên trảng (nếu có).

 

            Cách nhận biết giống tôm tốt hay xấu và cách thả tôm:

            - Tôm giống tốt nên có kích cỡ từ 1,2 - 1,5 cm. Cơ thể thon dài, màu sáng. Đuôi xoà, râu khép lại. Tôm có tính bám thành và đi ngược dòng nước (dùng thau nước, cho tôm vào, dùng tay quay tròn dòng nước và quan sát; nếu đã đóng bao xong thì để ngược đầu bao xuống, đáy bao lên cao. Xoay tròn nhẹ bao và quan sát).

            - Ngoài ra, nên kiểm tra tôm bằng cách gây sốc độ mặn hay Formaline, nhưng phương pháp gây sốc độ mặn là dễ nhất. Dùng ly (cốc) lấy nửa ly nước ở bể ương. Cho thêm vào nửa ly nước ngọt cho đầy ly. Cho 10 con tôm vào ly. Sau 1 giờ, nếu không có con tôm nào chết hay chỉ có 1 - 2 con con chết là tôm khoẻ.

            - Nên chuyển tôm vào lúc sáng sớm hay chiều mát và thả cũng ở khoảng thời gian đó. Trước khi thả tôm cần phải thuần hoá tôm bằng cách ngâm bao vào ao 15 phút, sau đó cho nước ao vào bao từ từ rồi mới thả. Cũng có thể cho tôm vào thau, sau đó cho nước ao vào thau từ từ trong khoảng 15 phút trước khi thả.

 

 

            Nguyên nhân và cách khắc phục trong quá trình nuôi tôm sú, khi mưa to, tôm thường chết hàng loạt:

            - Những ngày mưa to, nước ao có thể bị thay đổi đột ngột như thiếu Oxy, nước lạt đột ngột, nhiệt độ lạnh đột ngột, nước có thể bị phèn do nước trên bờ đổ xuống. Vì thế làm tôm bị sốc và chết hàng loạt.

            - Để tránh tình trạng này, nên làm ao sâu thích hợp, nên bón vôi trên bờ, vuông trước khi mưa to. Bờ ao có thể làm gờ để tránh nước trên bờ đổ xuống. Không nên dùng muối hột để rải xuống ao vì rất lãng phí nhưng lại kém hiệu quả.

 

            Một số cách tránh và phòng trị khi tôm nuôi thường bị đóng rong hay cáu bẩn trên thân và bệnh đen mang:

            - Thông thường nếu môi trường nuôi bị dơ bẩn, giàu chất hữu cơ, nước cạn, nhiều rong nhớt thì tôm nuôi dễ bị mắc các bệnh này. Vì thế, cần chăm sóc tôm thật tốt trong quá trình nuôi. Khi tôm bệnh, nên thay nước tốt và có thể dùng Formaline trị với nồng độ 10 - 25 g/m3.

            - Bệnh đen mang thường xảy ra khi đáy ao quá dơ bẩn, ao thiếu Oxy, nhiều khí thối. Để phòng bệnh, cần cải tạo ao kỹ trước khi nuôi, thay nước tốt, cho ăn vừa phải, không dư thừa. Khi tôm bệnh nên thay nhiều nước, có thể dùng kháng sinh trị như khi bị bệnh đốm đen.

 

           

 

            Nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:

            - Nguồn lợi thuỷ sản bao gồm mọi sinh vật có giá trị kinh tế, khoa học sống ở các vùng nước nội địa, vùng biển... gồm các loài cá, nhóm nhuyễn thể, nhóm giáp xác, nhóm thực vật, san hô...

            - Nguồn lợi thuỷ sản rất phong phú nhưng không phải là vô hạn, nếu chúng ta không có kế hoạch tổ chức khai thác một cách hợp lý thì nguồn lợi thuỷ sản ngày càng suy giảm dẫn đến cạn kiệt, thậm chí có loài thuỷ sản bị tuyệt chủng làm mất khả năng tái tạo nguồn lợi, năng suất, hiệu quả khai thác ngày càng thấp ảnh hưởng xấu đến đời sống chúng ta hiện nay và cho những thế hệ mai sau.

            Chính vì vậy, Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản nước ta đã nêu rõ: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài, là trách nhiệm của toàn dân, của các ngành, các cấp và lực lượng vũ trang nhân dân.

           

 

 

 

            Trong khai thác thuỷ sản, cần lưu ý:

            Trong khai thác thuỷ sản:

            - Các nghề bị cấm là:

            + Nghề sử dụng các tác nhân vật lý, hoá học làm chết, tê liệt hàng loạt thuỷ sản như chất nổ, xung điện, chất độc, nghề khai thác có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định: Nghề khai thác các đối tượng cấm khai thác theo quy định như nghề khai thác trai ngọc, cá mòi, cá chình mun.

 

- Các nghề hạn chế là:

+ Nghề kết hợp ánh sáng ở vùng nghề này có mật độ lớn, các nghề ven biển, cửa sông như: Te, xiệp, đáy sông, đáy biển, hàng cạn.