CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA HỘI NÔNG DÂN VÀ NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP- PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HUYỆN THUẬN NAM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 41 CỦA CHÍNH PHỦ

Hội Nông dân huyện Thuận Nam và Ngân hàng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn huyện vừa tổ chức Hội nghị ký kết thỏa thuận liên ngành theo Nghị định 41/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn vào ngày 19/09/2012 có sự chứng kiến của đồng chí Hồ Nam- Phó giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh và đồng chí Võ Văn Tiến- Chủ tịch UBND huyện.

 
            
Để thực hiện tốt mục tiêu tăng hộ giầu, giảm hộ nghèo, nâng cao đời sống nông dân theo Nghị quyết Trung ương 7, khóa X “về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, góp phần vào nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Để phong trào có bước phát triển mới về chất, nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế thế giới. trong đó phải nói đến sự đóng góp không nhỏ của Ngân hàng NN&PTNT huyện giúp vốn cho nông dân phát triển sản xuất.  

            Thuận Nam là huyện mới được tái lập, có tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn cao, chiếm trên 80% dân số trong độ tuổi lao động. Nghị định 41 của thủ tướng Chính phủ ra đời tạo điều kiện cho tổ chức Hội nông dân tín chấp cho hội viên nông dân vay nguồn vốn cao hơn để đầu tư vào sản xuất tăng thu nhận cho bà con nông dân. Trong thời gian qua Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã tập trung chỉ đạo Ngân hàng NN&PTNThuyện phối hợp với Hội Nông dân, các ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện Nghị định 41 một cách có hiệu quả. Nghị định 41 đã quy định: Các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có thể được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Đây chính là điều kiện tốt với nông dân, giúp họ thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp cùng Ngân hàng NN- PTNT huyện triển khai đến Hội Nông dân các xã, thực hiện cũng cố lại các tổ vay vốn theo văn bản 5322/NHN0 –TDH0 ; ký kết lại các hợp đồng dịch vụ với các tổ vay vốn theo đúng quy định và ủy nhiệm rõ ràng theo nhiệm vụ đã thỏa thuận trên hợp đồng dịch vụ. Tổ chức tuyên truyền niêm yết công khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Thông tư 14, Quyết định 881, lãi suất cho vay áp dụng cho các đối tượng thuộc NĐ 41 đến tất cả các xã, các tổ vay vốn và từng cá nhân tổ viên vay vốn trên địa bàn

Qua 2 năm thực hiện theo NĐ 41 của Chính phủ; dư nợ khu vực nông thôn tăng cả về số lượng khách hàng, trong đó có khách hàng của tổ vay vốn. Nếu như những năm trước đây  thành viên của tổ từ 10-25 tổ viên/ tổ thì nay tăng lên 20-50 tổ viên/ tổ vay vốn, bên cạnh đó chất lượng hoạt động của tổ ngày càng tốt hơn.

Từ mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn, hoạt động tín dụng của ngân hàng phát triển nông nghiệp ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, hội viên nông dân ngày càng gắn bó với tổ chức Hội hơn. tính đến ngày 31/08/2012 Hội Nông dân huyện Thuận Nam đã phối hợp với ngân ngàng thành lập được 31 tổ nông dân vay vốn, với 2.323 thành viên tham gia vào tổ, với số dư nợ là 41 tỷ đồng, chiếm 3,3% trong tổng dư nợ toàn huyện; suất đầu tư bình quân trên 01 hộ vay vốn 21 triệu đồng/ hộ; nợ xấu giảm đáng kể. Cụ thể Hội Nông dân Phước Minh 01 tổ, có số dư nợ 2, 259 triệu đồng/123 hộ vay; Nhị Hà 03 tổ, số dư nợ 3,980 triệu đồng/ 201 hộ vay; Phước Nam 09 tổ, dư nợ 11,085 triệu đồng/ 684 hộ vay; Phước Ninh 05 tổ, dư nợ 5,126 triệu đồng/ 308 hộ vay; Phước Dinh 05 tổ, dư nợ 6,266 triệu đồng/ 240 hộ vay; Cà Ná 04 tổ, dư nợ 8,475 triệu đồng/ 449 hộ vay và Phước Diêm 04 tổ, dư nợ 8,371 triệu đồng/ 318 hộ vay.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 41 trên địa bàn huyện Thuận Nam vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn nhất định. Do nhu cầu sản xuất bà con nông dân trên địa bàn cần nguồn vốn vay rất lớn. Mặc dù thời gian qua, Nghị định 41 ra đời là để giúp cho người dân vay vốn đầu sản xuất phát triển kinh tế nhưng nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định. Bởi các đối tượng vay tuy không phải thế chấp tài sản nhưng phải nộp kèm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực chất cũng là thế chấp tài sản. Do đó, các hộ dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ, nuôi trồng thủy sản từ cấy lúa kém hiệu quả, chủ trang trại thuê đất sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nên không  thể  tiếp  cận  được  nguồn vốn vay.

          Vì vậy, để triển khai Nghị định 41 hiệu quả hơn, thời gian tới, Hội Nông dân Thuận Nam cùng với Chi nhánh ngân hàng NN-PTNT huyện cùng phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân cơ sở trong việc kiểm tra năng lực sản xuất kinh doanh của người vay, cũng như cương quyết hơn trong xử lý thu hồi nợ quá hạn để tái tạo nguồn vốn vay. Chi nhánh ngân hàng cũng nên thường xuyên tổ chức tập huấn cho các tổ vay vốn, tuyên truyền và mở rộng qua các tổ vay vốn nhiều hơn.

          Về phía Hội nông dân huyện tăng cường chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở phối hợp chặt chẽ với cán bộ tín dụng địa bàn thường xuyên kiểm tra các tổ vay vốn,  đôn đốc duy trì sinh hoạt tổ, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, kịp thời thu lãi và vốn đúng hạn.