THAM GIA GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP LÀ TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỖI NGƯỜI DÂN VỚI VẬN MỆNH CỦA TỔ QUỐC

Bắt đầu từ ngày (2-1), thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, QH khoá XIII, cả nước đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thời gian lấy ý kiến sẽ kéo dài đến hết quý I của năm 2013. Trước đó, vào những ngày cuối cùng của năm 2012, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị về việc tổ chức tốt công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ triển khai công tác đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu trên.

           Những sự kiện chính trị dồn dập diễn ra trong mấy ngày qua, liên quan đến đợt sinh hoạt chính trị hệ trọng này của đất nước cho thấy, Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam hết sức đề cao và mong muốn phát huy được cao nhất trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đối với việc sửa đổi, thi hành Hiến pháp.

 Theo nhận định của TS.Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thì, sửa đổi Hiến pháp là công việc tối quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Đó là nói chung, còn với Việt Nam việc sửa đổi Hiến pháp lần này ngoài điểm chung cũng có những đặc trưng riêng. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy:  Lịch sử lập hiến của nước ta cũng trùng khớp với lịch sử của 82 năm Đảng ta kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng một Hiến pháp theo tư tưởng dân quyền và pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà, ở đó, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của một nước độc lập-Hiến pháp 1946- tinh thần độc lập dân tộc và tự do dân chủ đã được thể hiện như khát vọng của nhân dân đồng thời là mục tiêu cao nhất của Đảng ta, của công cuộc cách mạng của toàn thể dân ta. Đó là, tất cả quyền lực thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Dân là gốc và nhân dân phải là người quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước. Cũng vì lý do này và vì mục tiêu cao nhất này mà ngay trên diễn đàn của kỳ họp thứ 4 QH khoá XIII, 72 ý kiến đóng góp của ĐBQH trong hơn một ngày làm việc không chỉ đơn thuần là 72 góc nhìn; mà đó là 72 ý kiến chắt lọc từ hàng trăm ngàn thậm chí là hàng triệu ý kiến của cử tri, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân được thể hiện qua người đại diện của mình. Có thể có nhiều ý kiến cụ thể, đóng góp về những chương, điều cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhưng có một ý kiến chung nhất đã được các ĐBQH nêu lên, chính là: Xem xét, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 là một tất yếu khách quan, là sự thể chế hóa cương lĩnh, đường lối của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn đời sống hiện nay. Cũng vì lý do này, không chỉ các ĐBQH mà ngay cả những người dân bình thường đều bày tỏ mong muốn, Hiến pháp sửa đổi bổ sung lần này phải thể hiện rõ nét ý chí của chủ thể Hiến pháp; phải là sự kết tinh cao nhất tinh thần của cả dân tộc đã được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Và phải làm sao để bản Hiến pháp sửa đổi lần này trờ thành một làn gió mới hội tụ sức mạnh dân tộc thời đại góp phần đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập phát triển. Từng ấy đòi hỏi cũng là từng ấy sự kỳ vọng vào quá trình sửa đổi bản đạo luật gốc của cả đất nước. 

           Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, có một yêu cầu đặt ra là phải làm sao để Hiến pháp đảm bảo được tính ổn định lâu dài. Vì thế, lần sửa đổi bổ sung này có một sứ mệnh lịch sử hết sức to lớn với một tầm nhìn dài hạn, định hướng cho chiến lược phát triển đất nước phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (đã được bổ sung, phát triển năm 2011). Điều đó cũng  có nghĩa là ngoài vai trò tạo nền tảng dân chủ và pháp lý vững chắc thì Hiến pháp còn là một bản tuyên ngôn về sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hiến pháp cần định hướng cho được quá trình phát triển của đất nước trên cơ sở đảm bảo và hoàn chỉnh các chế định pháp lý, tạo khuôn khổ cho toàn bộ hệ thống pháp lý phát triển một cách thuận lợi trong một thể thống nhất. 

            Trong suốt thời gian qua, Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã phải làm việc không ngừng nghỉ với mong muốn đưa ra được một bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp công phu và khá hoàn chỉnh để trình QH khoá XIII tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11-2012). Ngay sau kỳ họp, chỉ trong vòng 1 tháng, những góp ý xác đáng của các ĐBQH từ những nội dung chi tiết cho đến những vấn đề thuần tuý mang tính kỹ thuật đã được Ban Biên tập và Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý để có được một bản dự thảo tương đối hoàn chỉnh để đưa ra lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ hôm qua. Và, cũng chắc rằng, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Ban Biên tập cũng như Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến  pháp sẽ tiếp thu được rất, rất nhiều ý kiến hay và tâm huyết nữa. Đấy là mong muốn cao nhất của những người được giao trọng trách soạn thảo. Mong muốn ấy giờ đây rất cần nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân; không phải chỉ để cho bản Hiến pháp được hoàn thiện ở mức cao nhất mà hơn tất cả đó là nó phải thể hiện được ở mức cao nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân. 

             Nhằm đảm bảo cho được yêu cầu này, Bộ Chính trị đã đề nghị các cấp uỷ, tổ chức Đảng phải coi đây là một nội dung sinh hoạt quan trọng bậc nhất để từ đó quán triệt đến quần chúng, nhân dân. Sau quá trình 3 tháng xin ý kiến nhân dân, mỗi cấp, ngành từ góc độ của mình xây dựng Báo cáo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân để Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ấy chỉnh lý, hoàn thiện và trình QH xem xét, quyết định. Vậy là, quy trình soạn thảo và quy trình lấy ý kiến nhân dân đã được đề ra khá cụ thể, chi tiết, chặt chẽ. Bây giờ là lúc mỗi người trong chúng ta cần phát huy tinh thần trách nhiệm trước quốc gia, dân tộc; đóng góp những ý kiến tâm huyết, xây dựng để góp sức hoàn thiện hơn nữa bản Hiến pháp được sửa đổi lần này và cũng là cách để đóng góp hiệu quả đưa đất nước thật sự phát triển với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.