Các văn bản của Chính phủ về việc: Hoán đổi ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các dịp lễ 2014

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần trong dịp nghỉ lễ, tết năm 2014 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Các văn bản của chính phủ:

   Hoán đổi ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các dịp lễ 2014

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần trong dịp nghỉ lễ, tết năm 2014 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, trong dịp Tết Âm lịch, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ từ ngày 28/1/2014 (tức ngày 28 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2/2014 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch) và đi làm bù vào thứ Bảy ngày 25/1/2014 và thứ Bảy, ngày 8/2/2014. Như vậy, cán bộ công chức, viên chức được nghỉ liền 9 ngày liên tục từ ngày 28/1/2014 (tức ngày 28 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày 5/2/2014 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch).

Dịp nghỉ Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5, cán bộ công chức, viên chức thực hiện nghỉ vào thứ Sáu, ngày 2/5/2014 và đi làm bù vào thứ Bảy, ngày 26/4/2013. Tức là dịp nghỉ lễ này, công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ thứ Tư, ngày 30/4/2014 đến hết Chủ nhật, ngày 4/5/2014. Tổng số ngày nghỉ của dịp này sẽ là 5 ngày liên tục.

Dịp nghỉ Ngày Quốc khánh 2/9, cán bộ công chức, viên chức thực hiện nghỉ vào thứ Hai, ngày 1/9/2014 và đi làm bù vào thứ Bảy, ngày 6/9/2014. Tức là dịp này, cán bộ công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ thứ Bảy, ngày 30/8/2014 đến hết ngày thứ Ba, 2/9/2014. Tổng số ngày nghỉ của dịp này là 4 ngày liên tục.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong các dịp nghỉ lễ, tết này đều có ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Vì vậy, việc hoán đổi ngày nghỉ như trên sẽ đảm bảo làm việc liền mạch vào tuần kế tiếp.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông báo việc thực hiện hoán đổi ngày nghỉ lễ, tết năm 2014.

Đồng thời, lưu ý, đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Theo: Chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ

 nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp cho các đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân. Trong Quyết định này có hai nhóm chính sách được hỗ trợ, bao gồm:

Nhóm thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 02 năm đầu và 50% trong năm thứ ba, với mức vay tối đa là 100% giá trị của 07 nhóm loại máy móc, thiết bị, gồm (1) Các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy nông sản, thủy sản; máy, thiết bị sản xuất muối sạch; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi. (2) Hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. (3) Máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản. (4) Các loại máy, thiết bị dò cá, thu, thả lưới câu, thông tin liên lạc, hầm (buồng) cấp đông, thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, sản xuất nước đá, lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ. (5) Máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản. (6) Kho, thiết bị sử dụng chứa, bảo quản thóc, ngô quy mô hộ gia đình. (7) Các loại máy kéo, động cơ Diezen sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản

Để được hưởng chính sách theo nhóm thứ nhất các đối tượng trên cần phải đạt 03 điều kiện sau: (1) Phải được UBND cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ cơ giới nông nghiệp. (2) Phải có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân. (3) 07 nhóm loại máy, thiết bị của nhóm thứ nhất này phải là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nhóm thứ hai, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại với các khoản vay dài hạn, trung hạn và lãi suất tín dụng đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp, gồm 06 danh mục dự án đầu tư: (1) Kho silô dự trữ lúa, ngô; hệ thống sấy nông sản, dây chuyền máy, thiết bị xay xát, đánh bóng, phân loại gạo. (2) Hệ thống nhà kính, nhà lưới phục vụ sàn xuất; máy, thiết bị bảo quản, chế biến rau, hoa, quả. (3) Dây chuyền máy, thiết bị bảo quản, giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, chế biến thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông, sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy…). (4) Dây chuyền máy, thiết bị chế biến cà phê, chè, nhân điều, hồ tiêu. (5) Dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối. (6) Các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Để được hưởng chính sách của nhóm 2 thì các tổ chức, cá nhân ngoài việc phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì các dự án đầu tư trên chưa được hỗ trợ từ các chính sách khác. Mức vay tối đa của nhóm chính sách này bằng 70% giá trị của dự án. Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm và ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản khách hàng trả nợ đúng hạn và đối với các khoản vay đã ký hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng thương mại trước ngày 31/12/2010.

Hiệu lực thực hiện 02 chính sách trên bắt đầu từ ngày 01/01/2014.

-----

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------------------

Số: 68/2013/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2013

 

 

  

QUYẾT ĐỊNH

Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp,

Điều 1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp như sau:

1. Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân.

2. Nhóm danh mục máy, thiết bị gồm:

a) Các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy nông sản, thủy sản; máy, thiết bị sản xuất muối sạch; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi;

b) Hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp;

c) Máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản;

d) Các loại máy, thiết bị dò cá, thu, thả lưới câu, thông tin liên lạc, hầm (buồng) cấp đông, thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, sản xuất nước đá, lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ;

đ) Máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản;

e) Kho, thiết bị sử dụng chứa, bảo quản thóc, ngô quy mô hộ gia đình;

g) Các loại máy kéo, động cơ Diezen sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản.

3. Điều kiện được hưởng hỗ trợ:

a) Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thủy sản; dịch vụ cơ giới nông nghiệp;

b) Các doanh nghiệp có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân;

c) Các loại máy, thiết bị quy định tại Khoản 2 Điều này phải là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Mức vay, mức hỗ trợ lãi suất, thời gian hỗ trợ:

a) Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị quy định tại Khoản 2 Điều này bằng 100% giá trị hàng hóa;

b) Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.

Điều 2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp quy định như sau:

1. Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân.

2. Danh mục các dự án đầu tư gồm:

a) Kho silô dự trữ lúa, ngô; hệ thống sấy nông sản; dây chuyền máy, thiết bị xay xát, đánh bóng, phân loại gạo;

b) Hệ thống nhà kính, nhà lưới phục vụ sản xuất; máy, thiết bị bảo quản, chế biến rau, hoa, quả;

c) Dây chuyền máy, thiết bị bảo quản, giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp; chế biến thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông; sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy...);

d) Dây chuyền máy, thiết bị chế biến cà phê, chè, nhân điều, hồ tiêu;

đ) Dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối;

e) Các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

3. Điều kiện được hưởng hỗ trợ:

a) Các tổ chức, cá nhân phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Các dự án đầu tư chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác.

4. Mức vay tối đa bằng 70% giá trị của dự án.

5. Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.

Điều 3. Nguyên tắc xác định mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất, cấp bù chênh lệch lãi suất như sau:

1. Mức lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng để mua các loại máy, thiết bị là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ của ngân hàng thực hiện cho vay và được công bố công khai.

2. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản khách hàng trả nợ đúng hạn. Những khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn sẽ không được hưởng hỗ trợ kể từ thời điểm phát sinh nợ xấu.

3. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay đã ký hợp đồng vay vốn tại các ngân hàng thương mại trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương công bố chủng loại máy, thiết bị sản xuất trong nước, nhập khẩu thuộc nhóm danh mục máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định này;

b) Hướng dẫn thẩm định điều kiện kỹ thuật các loại máy, thiết bị của các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quyết định này;

c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này.

2. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất máy, thiết bị được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định này.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn và kiểm tra các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo quy định tại Quyết định này.

4. Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ lãi suất, cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vốn vay theo qui định tại Quyết định này.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp của địa phương; hướng dẫn, giám sát số lượng, chủng loại máy, thiết bị được hỗ trợ phù hợp với yêu cầu thực tế của từng lĩnh vực, từng địa bàn để phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ.

b) Căn cứ nhu cầu thực tế về đầu tư máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố nghiên cứu xem xét có chính sách hỗ trợ bổ sung ngoài chính sách quy định tại Quyết định này;

c) Hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 và thay thế Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

2. Các tổ chức, cá nhân đang thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ đó.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng