QUY ĐỊNH Về việc thu, nộp, quản lý, sử dụng hội phí và xây dựng, quản lý, sử dụng quỹ Hội

Căn cứ Điều lệ Hội, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng hội phí và xây dựng, quản lý, sử dụng quỹ Hội trong các cấp Hội như sau:

 

        HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

     BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG                                      Hà Nội, ngày 25  tháng 12  năm 2013

                         *

             Số 1181 - QĐ/HNDTW

                        

 QUY ĐỊNH

Về việc thu, nộp, quản lý, sử dụng hội phí

và xây dựng, quản lý, sử dụng quỹ Hội

--------------------

 

Căn cứ Điều lệ Hội, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng hội phí và xây dựng, quản lý, sử dụng quỹ Hội trong các cấp Hội như sau:

 

PHẦN THỨ NHẤT

 HỘI PHÍ

 I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đóng hội phí hàng tháng là nhiệm vụ của hội viên theo quy định của Điều lệ Hội. Là vấn đề có tính nguyên tắc và có ý nghĩa chính trị quan trọng.

2. Tiền thu từ hội phí được sử dụng cho hoạt động công tác Hội ở cơ sở là chủ yếu.

3. Quy định về thu, nộp, quản lý và sử dụng hội phí được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống Hội.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng và mức đóng hội phí hàng tháng của hội viên

1.1-  Đối tượng: Là hội viên Hội Nông dân Việt Nam đều có trách nhiệm đóng hội phí theo quy định của Hội.

- Những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, bệnh tật chi Hội xem xét và báo cáo lên Hội cấp cơ sở để được miễn hoặc giảm mức đóng hội phí trong một thời gian nhất định nhưng không quá 01 năm. Ban chấp hành cơ sở Hội căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định.

- Hội viên đóng hội phí trực tiếp cho chi Hội hoặc tổ Hội vào các kỳ sinh hoạt.

- Hội viên là ủy viên ban chấp hành cấp cơ sở nộp hội phí tại chi Hội nơi tham gia sinh hoạt; hội viên là ủy viên ban chấp hành cấp huyện trở lên nộp hội phí tại cơ quan Hội Nông dân cấp mình tham gia ban chấp hành vào các kỳ họp ban chấp hành. Trong trường hợp nếu tham gia ban chấp hành nhiều cấp thì chỉ nộp hội phí tại cấp mình trực tiếp công tác.

1.2- Mức đóng hội phí

Mức đóng hội phí đối với hội viên là 1.000đ/hội viên/ tháng (một nghìn đồng) được áp dụng thống nhất trên toàn quốc từ tháng 01/2014. Căn cứ vào tình hình thực tế Ban Thường vụ Trung ương Hội sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng hội phí cho hợp lý với từng thời kỳ.

2. Quản lý và sử dụng hội phí

2.1- Trích nộp hội phí:

- Tổng nguồn hội phí được phân bổ theo tỷ lệ như sau:

+ Chi hội: 60%

+ Cấp cơ sở: 25%

+ Cấp huyện: 10%

+ Cấp tỉnh: 4%

+ Cấp trung ương: 1%

- Các cấp Hội đều phải trích nộp hội phí lên Hội cấp trên. Cụ thể như sau:

+ Các chi Hội được trích để lại 60%, nộp 40% lên cơ sở Hội hoặc Hội cấp trên trực tiếp.

+ Cơ sở Hội trích lại 62,5%, nộp 37,5% lên cấp huyện trong tổng số 40% chi Hội nộp lên.

+ Cấp huyện trích lại 66,6%, nộp 33,4% lên cấp tỉnh trong tổng số hội phí cơ sở nộp lên.

+ Cấp tỉnh trích lại 80%, nộp 20% lên Trung ương trong tổng số hội phí cấp huyện nộp lên.

* Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì hội phí thu được để lại cho cơ sở và cấp huyện, không phải trích nộp lên cấp tỉnh và Trung ương. Nguồn hội phí thu được phân bổ như sau: chi Hội 60%, cơ sở Hội 30%, huyện Hội 10%.

* Đối với các chi Hội có tổ Hội, việc trích tỉ lệ hội phí để lại cho tổ Hội trong nguồn hội phí được phân bổ của chi Hội do ban thường vụ Hội Nông dân cấp cơ sở quyết định.

- Thời gian trích nộp:

+ Chi Hội trích nộp hội phí lên cơ sở Hội 03 tháng 01 lần. Nơi nào không có cơ sở thì nộp lên Hội cấp trên trực tiếp.

+ Cơ sở Hội, Hội cấp huyện trích nộp hội phí lên Hội cấp tỉnh 6 tháng 01 lần.

+ Tỉnh, thành Hội trích nộp hội phí lên Trung ương Hội 01 năm từ 1 đến 2 lần, thời hạn nộp cuối cùng là ngày 20 tháng 12 hàng năm.

2.2- Quản lý, sử dụng hội phí:

Hội phí được trích để lại ở cấp nào được sử dụng cân đối vào nguồn kinh phí hoạt động công tác Hội ở cấp đó. Số kinh phí còn lại cuối năm (nếu có) được chuyển sang chi cho năm sau.

a) Nguồn thu từ hội phí được chi cho các nội dung sau:

Trong điều kiện kinh phí hoạt động của tổ chức cơ sở Hội còn khó khăn, số hội phí được trích lại ở các cấp cần được ưu tiên cho các khoản chi phục vụ công tác xây dựng Hội như:

- Mua sách, báo, tạp chí, tài liệu học tập của Hội;

- Văn phòng phẩm, in ấn, photo tài liệu, thẻ hội viên…;

- Chi học tập triển khai nghị quyết các cấp;

- Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác Hội;

- Chi bồi dưỡng báo cáo viên, phục vụ hội trường, nước uống cho người dự trong các buổi sinh hoạt, hội họp.

- Chi công tác thi đua, khen thưởng: Chi tổ chức các phong trào thi đua như chi tổ chức các buổi phát động, sơ kết, tổng kết, khen thưởng.

- Hỗ trợ thù lao cho cán bộ cơ sở: chi hội trưởng, tổ trưởng….

b) Mức chi: Mức chi cụ thể do ban thường vụ Hội Nông dân từng cấp căn cứ vào khả năng kinh phí của đơn vị mình và tình hình giá cả tại thời điểm phải chi để quyết định mức chi.

c) Quản lý thu - chi hội phí:

- Việc thu, chi hội phí phải có đầy đủ sổ sách, chứng từ. Định kỳ hàng năm, báo cáo công khai việc thu - chi hội phí tại cuộc họp tổng kết của chi, tổ Hội và ban chấp hành Hội các cấp.

- Hội phí thu của hội viên là ủy viên ban chấp hành ở cấp nào thì đưa vào nguồn thu hội phí của cấp đó.

PHẦN THỨ HAI

QUỸ HỘI

1. Mục đích

Tăng cường, bổ sung nguồn tài chính nhằm chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên; tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội và góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

2. Nguyên tắc

- Xây dựng, sử dụng và quản lý quỹ Hội đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.

- Thực hiện đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

- Quỹ phải được sử đụng đúng mục đích. Quỹ của cấp Hội nào thì do cấp đó quản lý và sử dụng theo thẩm quyền.

- Các cấp Hội phải xây dựng quy chế về sử dụng và quản lý quỹ Hội và thực hiện theo quy chế của từng đơn vị trên cơ sở quy định về chế độ quản lý tài chính của Nhà nước và của Điều lệ Hội.

3. Xây dựng, sử dụng quỹ Hội

- Quỹ Hội được xây dựng từ các nguồn sau:

+ Nguồn do cán bộ Hội, hội viên đóng góp hoặc lao động gây quỹ.

+ Nguồn thu hợp pháp khác: Từ các đề tài, chương trình được trích phí quản lý; từ hỗ trợ của cá nhân, tổ chức và các hoạt động dịch vụ khác.

- Nội dung chi của quỹ Hội, bao gồm:

+ Chi cho hoạt động phong trào: phát động thi đua, sơ kết, tổng kết.

+ Chi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

+ Chi thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ đối với hội viên; hỗ trợ hội viên gặp khó khăn, thiên tai, hoạn nạn.

+ Chi khen thưởng: In giấy chứng nhận khen thưởng, làm khung, thuê đánh máy (hoặc viết) giấy chứng nhận khen thưởng, chi tiền thưởng kèm theo (không vượt quá mức quy định của Nhà nước).

4. Bộ máy quản lý quỹ: Gồm 3 người (hoạt động kiêm nhiệm): 01 lãnh đạo phụ trách, 01 kế toán và 01 thủ quỹ.

5. Hệ thống sổ sách theo dõi

- Sổ kế toán: Sổ theo dõi thu, chi quỹ Hội.

- Sổ thủ quỹ: Sổ theo dõi các khoản thu, chi tiền mặt của quỹ Hội.

6. Quy định về việc thu, chi quỹ

- Các khoản thu, chi đều phải có đầy đủ sổ sách, chứng từ liên quan theo quy định về quản lý tài chính.

- Ít nhất 6 tháng một lần đối chiếu sổ sách, 01 năm 01 lần báo cáo ban thường vụ Hội trực tiếp về tình hình tài chính của quỹ Hội.

- Chứng từ thu, chi được lưu trữ theo trình tự thời gian.

7. Chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết hoạt động

Định kỳ hàng năm và nhiệm kỳ, các cấp Hội tổ chức sơ kết, đánh giá hoạt động xây dựng, sử dụng và quản lý quỹ Hội và đưa vào báo cáo chung về công tác Hội và phong trào nông dân của mỗi cấp.

 

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

2. Hội cấp trên và Ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

3. Giao Ban Tổ chức và Văn phòng Trung ương Hội chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo Ban Thường vụ Trung ương Hội việc thực hiện Quy định.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần bổ sung, sửa đổi, Ban Thường vụ Trung ương Hội sẽ xem xét, quyết định.

5. Quy định này được phổ biến đến các cấp Hội và toàn thể hội viên.

6. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Hướng dẫn số 345-HD/HND ngày 07/5/2009 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về chế độ sinh hoạt Hội, thu và sử dụng hội phí.

                  T/M BAN THƯỜNG VỤ  

                                                                         PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

   Nơi nhận:                              

- Các đ/c Uỷ viên BCH TW Hội;

- Các tỉnh, thành Hội;                                                     

- Các ban, đơn vị TW Hội;                                                                                                         Đã ký

- Lưu VP, BTC.                                                                                                                Nguyễn Duy Lượng