VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

Nhằm giúp cho cán bộ Hội năm được những văn bản chỉ đạo của TW Hội NDVN, Ban biên tập xin giới thiệu một số văn bản chỉ đạo của TW về Tiêu chuẩn hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp giai đoạn 2011-2016; về việc thu nộp Hội phí và xây dựng quản lý, sử dụng quỹ Hôi.

 

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

-*-

SỐ: 18 -QĐ/HNDTW

 

 

Hà Nội, ngày 12 tháng  01 năm 2011

 

 

 

 QUY ĐỊNH

Tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các   cấp

Giai đoạn 2011- 2016

      Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi , đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu; phấn đấu đưa phong trào có bước phát triển mới về chất, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với các tố chất mới, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hoá trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau cùng làm giàu; tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp –nông thôn. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quy định tiêu chuẩn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2011-2016 như sau:

 

I. Đối tượng: Là hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ , đã đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân các cấp phát động.

 

II.Tiêu chuẩn:

1.Tiêu chuẩn chung:

1.1. Là hộ nông dân gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Điều lệ , nghị quyết của Hội , tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động .

1.2. Năng động, sáng tạo, trong cơ chế thị trường ; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai…

1.3. Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá ; đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện.

1.4. Tích cực hướng dẫn , phổ biến kinh nghiệm sản xuất , áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

1.5.Hăng hái tham gia các họat động xã hội , có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên.

1.6. Có ý thức xây dựng tổ chức Hội ; tích cực đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân , Quỹ xây dựng Hội ; mua, đọc và tuyên truyền những nội dung do Báo Nông thôn ngày nay, tạp chí Nông thôn mới và các bản tin khác của Hội phát hành . Tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện vào tổ chức Hội, được công nhận là gia đình văn hoá.

2. Tiêu chuẩn cụ thể: Ngoài các tiêu chuẩn chung, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phải đạt các tiêu chí cụ thể theo từng đối tượng:

- Đối tượng  I  : là những hộ nông dân ở các thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đối tượng II: là những hộ nông dân ở khu vực đồng bằng, trung du.

- Đối tượng III:là những hộ nông dân ở khu vực miền núi, vùng cao.

 Tiêu chuẩn đối với từng cấp như sau:

2.1. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở:

- Tích cực hướng dẫn phổ biến kinh nghiệm sản xuất , áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm việc làm mới có tác dụng tốt đối với hội viên nông dân,  hàng năm phổ biến kiến thức và kinh nghiệm làm ăn cho ít nhất 10 lao động trở lên.

- Hàng năm giúp 1 hộ nghèo , hộ khó khăn trở lên về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để phát triển sản xuất .

- Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

+ Đối tượng I: 1.400.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (một triệu bốn trăm ngàn đồng).

+ Đối tượng II: 1.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (một triệu đồng).

+ Đối tượng III:  800.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (tám trăm ngàn đồng).

2.2. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thị, quận, thành phố trực thuộc tỉnh:

Lựa chọn trong số những hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở từ 3 năm liên tục trở lên và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn ( khi có yêu cầu ).

- Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho ít nhất 20 lao động trở lên.

- Mỗi năm giúp đỡ cho ít nhất 7 lao động có việc làm và giúp đỡ 3 lượt hộ nghèo , hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất .

- Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

Đối tượng I: từ 2.600.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Hai triệu, sáu trăm ngàn đồng).

Đối tượng II: từ 2.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Hai triệu đồng).

Đối tượng III: từ 1.400.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Một triệu, bốn trăm ngàn đồng).

2.3. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Lựa chọn trong số những hộ nông dân 5 năm liên tục đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở, trong đó có 3 lần trở lên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thị, quận, thành phố (thuộc tỉnh) và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn ( khi có yêu cầu ).

- Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho ít nhất 25 lao động trở lên.

- Mỗi năm giúp đỡ cho ít nhất 15 lao động có việc làm và giúp đỡ 5 lượt hộ nghèo , hộ khó khăn trở lên về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất .

- Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

Đối tượng I: từ 5.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Năm triệu đồng).

Đối tượng II: từ 3.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Ba triệu đồng).

Đối tượng III: từ 2.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Hai triệu đồng).

2.4. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương:

Lựa chọn trong số những hộ nông dân 5 năm liên tục đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, quận; trong đó có 3 lần trở lên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương); là điển hình xuất sắc nhiều mặt và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng theo hướng sản xuất lớn hiệu quả cao, sản phẩm hàng hoá có chất lượng , bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện  liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và có thị trường ổn định.

- Tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn ( khi có yêu cầu ).

- Hàng năm tạo việc làm ổn định cho 20 lao động trở lên, giúp đỡ 7 lượt  hộ nghèo , hộ khó khăn trở lên về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất .

- Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

Đối tượng I: từ 10.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Mười triệu đồng).

Đối tượng II: từ 6.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Sáu triệu đồng).

Đối tượng III:  từ 4.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Bốn triệu đồng).

 

III. Bình xét danh hiệu thi đua các cấp

Căn cứ vào văn bản hướng dẫn thi đua, khen thưởng của Ban Thường vụ Trung ương Hội ; hàng năm các cấp Hội tổ chức bình xét các danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đề nghị xét công nhận và khen thưởng theo các tiêu chí trên, như sau:

1. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, phường do Hội Nông dân xã, phường công nhận, ghi sổ vàng truyền thống và cấp giấy chứng nhận.

2. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thị do Hội Nông dân huyện, thị công nhận, ghi sổ vàng truyền thống và cấp giấy chứng nhận.

3. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thành phố do Hội Nông dân tỉnh, thành phố tặng giấy khen và cấp giấy chứng nhận.

4. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương Hội cấp giấy chứng nhận theo đề nghị của các tỉnh, thành Hội.

Ngoài việc cấp giấy chứng nhận; các cấp Hội có thể xét khen thưởng hoặc đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền hoặc Hội cấp trên khen thưởng đối với những hộ nông dân SXKD gỏi tiêu biểu xuất sắc.

Hình thức và kích thước giấy chứng nhận được thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

 

IV. Tổ chức thực hiện:

1.Căn cứ Quy định này, yêu cầu Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố báo cáo cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể tại địa phương cụ thể hoá thành các chỉ tiêu thi đua phù hợp với điều kiện thực tiễn từng nơi, từng loại hình sản xuất kinh doanh.

 2. Các cấp Hội cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn phong trào thi đua, coi trọng việc nhân rộng điển hình tiên tiến, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sâu, rộng. Khi cần thiết có thể tiến hành kiểm tra chéo, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau và đảm bảo cho việc bình xét, suy tôn danh hiệu thi đua thực sự dân chủ, khách quan, tăng cường đoàn kết trong nông thôn.

3. Hàng năm các cấp Hội tổ chức phát động, đăng ký các danh hiệu thi đua thực hiện vào đầu quý I ; Tổng kết đánh giá phong trào, bình xét suy tôn, công nhận danh hiệu thi đua vào tháng 12.

4. Về tổ chức Hội nghị  : Tổng kết và biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến xuất sắc.

4.1- Đối với cấp xã, phường mỗi năm tổ chức một lần.

4.2- Đối với cấp huyện, quận, thị xã và tỉnh ( thành phố ) 5 năm tổ chức hội nghị hai lần.

- Hội nghị lần thứ nhất , tổ chức vào quý III năm 2014.

- Hội nghị lần thứ hai , tổ chức vào quý IV năm 2016.

4.3- Cấp Trung ương 5 năm tổ chức hội nghị một lần: Hội nghị tổng kết 5 năm (2012-2017) của Trung ương Hội được tổ chức vào Quý III năm 2017.

 

V. Thực hiện chế độ báo cáo

- Yêu cầu các tỉnh, thành Hội hàng năm có kế hoạch tổ chức hội nghị, đánh giá kết quả phong trào thi đua và báo cáo danh sách các hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp về Trung ương Hội  (Qua Ban Kinh tế và Ban Tổ chức TW Hội ).

- Thời gian nộp báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 hàng năm.

Quy định này thay thế cho Quy định Số : 135 -QĐ/HND, Ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện có những vấn đề vướng mắc phát sinh, yêu cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố báo cáo với Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:

- T.trực TW Hội ;

- Các đ/c UVBCH TW Hội;

- Các Ban , Đơn vị TW Hội;

- Các Tỉnh, Thành Hội;

- Lưu VP TW Hội.

                                                                       

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ CHỦ TỊCH

 

(đã ký)

 

Nguyễn Duy Lượng

              --------------------------------------------------------------------------------------------------

 

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

     BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG              Hà Nội, ngày 25  tháng 12  năm 2013

                         *

             Số 1181 - QĐ/HNDTW

                         QUY ĐỊNH

Về việc thu, nộp, quản lý, sử dụng hội phí

và xây dựng, quản lý, sử dụng quỹ Hội

--------------------

 Căn cứ Điều lệ Hội, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng hội phí và xây dựng, quản lý, sử dụng quỹ Hội trong các cấp Hội như sau:

 PHẦN THỨ NHẤT

 HỘI PHÍ

 I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đóng hội phí hàng tháng là nhiệm vụ của hội viên theo quy định của Điều lệ Hội. Là vấn đề có tính nguyên tắc và có ý nghĩa chính trị quan trọng.

2. Tiền thu từ hội phí được sử dụng cho hoạt động công tác Hội ở cơ sở là chủ yếu.

3. Quy định về thu, nộp, quản lý và sử dụng hội phí được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống Hội.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng và mức đóng hội phí hàng tháng của hội viên

1.1-  Đối tượng: Là hội viên Hội Nông dân Việt Nam đều có trách nhiệm đóng hội phí theo quy định của Hội.

- Những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, bệnh tật chi Hội xem xét và báo cáo lên Hội cấp cơ sở để được miễn hoặc giảm mức đóng hội phí trong một thời gian nhất định nhưng không quá 01 năm. Ban chấp hành cơ sở Hội căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định.

- Hội viên đóng hội phí trực tiếp cho chi Hội hoặc tổ Hội vào các kỳ sinh hoạt.

- Hội viên là ủy viên ban chấp hành cấp cơ sở nộp hội phí tại chi Hội nơi tham gia sinh hoạt; hội viên là ủy viên ban chấp hành cấp huyện trở lên nộp hội phí tại cơ quan Hội Nông dân cấp mình tham gia ban chấp hành vào các kỳ họp ban chấp hành. Trong trường hợp nếu tham gia ban chấp hành nhiều cấp thì chỉ nộp hội phí tại cấp mình trực tiếp công tác.

1.2- Mức đóng hội phí

Mức đóng hội phí đối với hội viên là 1.000đ/hội viên/ tháng (một nghìn đồng) được áp dụng thống nhất trên toàn quốc từ tháng 01/2014. Căn cứ vào tình hình thực tế Ban Thường vụ Trung ương Hội sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng hội phí cho hợp lý với từng thời kỳ.

2. Quản lý và sử dụng hội phí

2.1- Trích nộp hội phí:

- Tổng nguồn hội phí được phân bổ theo tỷ lệ như sau:

+ Chi hội: 60%

+ Cấp cơ sở: 25%

+ Cấp huyện: 10%

+ Cấp tỉnh: 4%

+ Cấp trung ương: 1%

- Các cấp Hội đều phải trích nộp hội phí lên Hội cấp trên. Cụ thể như sau:

+ Các chi Hội được trích để lại 60%, nộp 40% lên cơ sở Hội hoặc Hội cấp trên trực tiếp.

+ Cơ sở Hội trích lại 62,5%, nộp 37,5% lên cấp huyện trong tổng số 40% chi Hội nộp lên.

+ Cấp huyện trích lại 66,6%, nộp 33,4% lên cấp tỉnh trong tổng số hội phí cơ sở nộp lên.

+ Cấp tỉnh trích lại 80%, nộp 20% lên Trung ương trong tổng số hội phí cấp huyện nộp lên.

* Đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì hội phí thu được để lại cho cơ sở và cấp huyện, không phải trích nộp lên cấp tỉnh và Trung ương. Nguồn hội phí thu được phân bổ như sau: chi Hội 60%, cơ sở Hội 30%, huyện Hội 10%.

* Đối với các chi Hội có tổ Hội, việc trích tỉ lệ hội phí để lại cho tổ Hội trong nguồn hội phí được phân bổ của chi Hội do ban thường vụ Hội Nông dân cấp cơ sở quyết định.

- Thời gian trích nộp:

+ Chi Hội trích nộp hội phí lên cơ sở Hội 03 tháng 01 lần. Nơi nào không có cơ sở thì nộp lên Hội cấp trên trực tiếp.

+ Cơ sở Hội, Hội cấp huyện trích nộp hội phí lên Hội cấp tỉnh 6 tháng 01 lần.

+ Tỉnh, thành Hội trích nộp hội phí lên Trung ương Hội 01 năm từ 1 đến 2 lần, thời hạn nộp cuối cùng là ngày 20 tháng 12 hàng năm.

2.2- Quản lý, sử dụng hội phí:

Hội phí được trích để lại ở cấp nào được sử dụng cân đối vào nguồn kinh phí hoạt động công tác Hội ở cấp đó. Số kinh phí còn lại cuối năm (nếu có) được chuyển sang chi cho năm sau.

a) Nguồn thu từ hội phí được chi cho các nội dung sau:

Trong điều kiện kinh phí hoạt động của tổ chức cơ sở Hội còn khó khăn, số hội phí được trích lại ở các cấp cần được ưu tiên cho các khoản chi phục vụ công tác xây dựng Hội như:

- Mua sách, báo, tạp chí, tài liệu học tập của Hội;

- Văn phòng phẩm, in ấn, photo tài liệu, thẻ hội viên…;

- Chi học tập triển khai nghị quyết các cấp;

- Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác Hội;

- Chi bồi dưỡng báo cáo viên, phục vụ hội trường, nước uống cho người dự trong các buổi sinh hoạt, hội họp.

- Chi công tác thi đua, khen thưởng: Chi tổ chức các phong trào thi đua như chi tổ chức các buổi phát động, sơ kết, tổng kết, khen thưởng.

- Hỗ trợ thù lao cho cán bộ cơ sở: chi hội trưởng, tổ trưởng….

b) Mức chi: Mức chi cụ thể do ban thường vụ Hội Nông dân từng cấp căn cứ vào khả năng kinh phí của đơn vị mình và tình hình giá cả tại thời điểm phải chi để quyết định mức chi.

c) Quản lý thu - chi hội phí:

- Việc thu, chi hội phí phải có đầy đủ sổ sách, chứng từ. Định kỳ hàng năm, báo cáo công khai việc thu - chi hội phí tại cuộc họp tổng kết của chi, tổ Hội và ban chấp hành Hội các cấp.

- Hội phí thu của hội viên là ủy viên ban chấp hành ở cấp nào thì đưa vào nguồn thu hội phí của cấp đó.

PHẦN THỨ HAI

QUỸ HỘI

1. Mục đích

Tăng cường, bổ sung nguồn tài chính nhằm chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên; tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội và góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

2. Nguyên tắc

- Xây dựng, sử dụng và quản lý quỹ Hội đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.

- Thực hiện đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

- Quỹ phải được sử đụng đúng mục đích. Quỹ của cấp Hội nào thì do cấp đó quản lý và sử dụng theo thẩm quyền.

- Các cấp Hội phải xây dựng quy chế về sử dụng và quản lý quỹ Hội và thực hiện theo quy chế của từng đơn vị trên cơ sở quy định về chế độ quản lý tài chính của Nhà nước và của Điều lệ Hội.

3. Xây dựng, sử dụng quỹ Hội

- Quỹ Hội được xây dựng từ các nguồn sau:

+ Nguồn do cán bộ Hội, hội viên đóng góp hoặc lao động gây quỹ.

+ Nguồn thu hợp pháp khác: Từ các đề tài, chương trình được trích phí quản lý; từ hỗ trợ của cá nhân, tổ chức và các hoạt động dịch vụ khác.

- Nội dung chi của quỹ Hội, bao gồm:

+ Chi cho hoạt động phong trào: phát động thi đua, sơ kết, tổng kết.

+ Chi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

+ Chi thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ đối với hội viên; hỗ trợ hội viên gặp khó khăn, thiên tai, hoạn nạn.

+ Chi khen thưởng: In giấy chứng nhận khen thưởng, làm khung, thuê đánh máy (hoặc viết) giấy chứng nhận khen thưởng, chi tiền thưởng kèm theo (không vượt quá mức quy định của Nhà nước).

4. Bộ máy quản lý quỹ: Gồm 3 người (hoạt động kiêm nhiệm): 01 lãnh đạo phụ trách, 01 kế toán và 01 thủ quỹ.

5. Hệ thống sổ sách theo dõi

- Sổ kế toán: Sổ theo dõi thu, chi quỹ Hội.

- Sổ thủ quỹ: Sổ theo dõi các khoản thu, chi tiền mặt của quỹ Hội.

6. Quy định về việc thu, chi quỹ

- Các khoản thu, chi đều phải có đầy đủ sổ sách, chứng từ liên quan theo quy định về quản lý tài chính.

- Ít nhất 6 tháng một lần đối chiếu sổ sách, 01 năm 01 lần báo cáo ban thường vụ Hội trực tiếp về tình hình tài chính của quỹ Hội.

- Chứng từ thu, chi được lưu trữ theo trình tự thời gian.

7. Chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết hoạt động

Định kỳ hàng năm và nhiệm kỳ, các cấp Hội tổ chức sơ kết, đánh giá hoạt động xây dựng, sử dụng và quản lý quỹ Hội và đưa vào báo cáo chung về công tác Hội và phong trào nông dân của mỗi cấp.

 

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

2. Hội cấp trên và Ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

3. Giao Ban Tổ chức và Văn phòng Trung ương Hội chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo Ban Thường vụ Trung ương Hội việc thực hiện Quy định.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần bổ sung, sửa đổi, Ban Thường vụ Trung ương Hội sẽ xem xét, quyết định.

5. Quy định này được phổ biến đến các cấp Hội và toàn thể hội viên.

6. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Hướng dẫn số 345-HD/HND ngày 07/5/2009 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về chế độ sinh hoạt Hội, thu và sử dụng hội phí.

                  T/M BAN THƯỜNG VỤ  

                                                                         PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

   Nơi nhận:                              

- Các đ/c Uỷ viên BCH TW Hội;

- Các tỉnh, thành Hội;                                                     

- Các ban, đơn vị TW Hội;                                                                                                            Đã ký

- Lưu VP, BTC.                          

                                                                                                                                         Nguyễn Duy Lượng