KHƠI DẬY LÒNG YÊU NƯỚC THÔNG QUA CHỌN HÀNG VIỆT

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bước sang năm thứ 5 và khẳng định sức lan tỏa rộng khắp trong đời sống xã hội.

         

Đó cũng là những đánh giá cơ bản của các đại biểu, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014, ngày 18/2, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.“Cuộc vận động khuyến khích lòng yêu nước của mỗi người dân... Mỗi mặt hàng Việt Nam bán được thì đồng nghĩa có thêm một việc làm cho người Việt Nam. Thông điệp đó rất quan trọng. Mua hàng Việt Nam thì nhà máy giữ được sản phẩm, giữ được người nhưng nếu mua hàng nước ngoài thì người Việt Nam sẽ mất việc. Lòng yêu nước thể hiện ở chỗ đó”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bên cạnh việc khơi dậy lòng yêu nước, cuộc vận động còn khuyến khích sản xuất hàng rẻ, hàng tốt và cung cấp các nơi. Theo đó, cần truyền thông cho thấu đáo, đúng đối tượng, đúng mục tiêu, mục đích và cuối cùng là phát huy sức mạnh tổng hợp. Đây chính là kinh nghiệm được rút ra trong năm 2013, sau khi Ban Chỉ đạo đi khảo sát tại một số bộ, ngành và 9 địa phương. 
Đánh giá một cách toàn diện, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nhất trí cho rằng, năm 2013, lợi ích từ cuộc vận động không chỉ nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc ưu tiên, tăng cường tiêu dùng hàng hóa trong nước mà trên thực tế đã có sự chuyển động thực sự trong thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. 
Nhờ đó, cuộc vận động đã kích thích nền kinh tế đất nước có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ lực lượng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường 200 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Trong đó, những sản phẩm “made in Vietnam” có giá trị xuất khẩu lớn và được thị trường thế giới ưa chuộng là may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông sản… 
Tuy nhiên, việc thực hiện cuộc vận động ở một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương còn lúng túng bị động, đối phó, chưa gắn cuộc vận động với chức năng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt việc ngăn chặn đấu tranh với hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh yếu kém, vẫn tiếp tục gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất trong nước. 
Do vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh, năm 2014 cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Cuộc vận động này để góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế, về lâu dài, nhất là khi Việt Nam tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015 và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP). 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động mà Bộ Công Thương đã trình. Cũng trong năm 2014, cần phải quán triệt việc mua sắm Nhà nước là mua hàng Việt, trong đó các bộ phải làm gương. Đồng thời phải vận động đội ngũ công chức sử dụng hàng Việt Nam. Tuyên truyền là phải làm ngay từ đội ngũ công chức của mình. Từ đó, theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, mỗi bộ nên chọn một việc làm gắn với việc quảng bá và tiêu dùng hàng Việt. 
Tại các địa phương, việc truyền thông cũng cần làm ngay tại chỗ. Tuyên truyền để người tiêu dùng, doanh nghiệp hiểu. Cùng với đó là cung cấp hàng chất lượng cao ngay tại chỗ; hỗ trợ doanh nghiệp tại chỗ. “Các tỉnh có làm được như vậy thì Ban Chỉ đạo Trung ương mới đánh giá được theo hệ thống mang tính quốc gia”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.  
Nhấn mạnh tới vai trò của truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ nêu rõ: Để cuộc vận động thực sự có sức sống trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trong thời gian tới cần xây dựng đề án về truyền thông cụ thể cho cuộc vận động này.  
Kết quả điều tra xã hội học gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: 59% người tiêu dùng luôn "tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 38% người tiêu dùng "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam"; 36% người tiêu dùng cho rằng "trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất sứ ở nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc ít mua hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam".

                                                                                                                                                 Theo chinhphu.vn