GIẢM NGHÈO LÀ KHUYẾN KHÍCH DÂN THOÁT NGHÈO

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh đến mục tiêu của công tác giảm nghèo là phải bền vững, tức là các chính sách cần khuyến khích người nghèo có ý thức, động lực làm ăn để thoát nghèo.

         

                                             Chiều 20/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, chủ trì cuộc họp triển khai công tác năm 2014.Ngoài việc thảo luận thực hiện chính sách giảm nghèo trong năm nay, Ban Chỉ đạo còn cho ý  kiến đánh giá về công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2005-2012 phục vụ báo cáo Quốc hội trong thời gian tới.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng công tác giảm nghèo được thực hiện ngày một hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào nghèo ở các vùng, địa phương trên cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% xuống còn 7,8% trong 8 năm qua, đáp ứng được đời sống thiết yếu về giáo dục, y tế, văn hóa của người nghèo.
Tuy nhiên, do có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm nghèo (16 Chương trình) nên nguồn lực thực hiện không đảm bảo.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: Nhiều chương trình quá nên mức vay của dân thấp, nhiều khi không làm được việc gì trọn vẹn. Nên gộp các chính sách để có nguồn lực hỗ trợ và cho dân vay nhiều hơn, giúp người dân chủ động làm ăn.
Để tạo thêm động lực thoát nghèo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ xây nhà chống lũ ở miền Trung và cho rằng cần có 3 loại “tiền hỗ trợ”. Thứ nhất là tiền Nhà nước hỗ trợ “vốn mồi” cho bà con làm nghề, khoản thứ hai là tiền đối ứng để Nhà nước cho vay, khoản thứ ba là vay ưu đãi tín dụng 3%/năm trong thời gian từ 5-10 năm.
Ngoài ra chính sách giảm nghèo cần mở rộng sang các đối tượng  “cận nghèo”, “mới thoát nghèo” để tiếp tục hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.
Đồng tình với những kiến nghị của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu trong rà soát, xây dựng chính sách giảm nghèo sắp tới cần quán triệt các quan điểm giảm nghèo bền vững, lồng ghép chính sách để tránh chồng lấn, xây dựng vốn kế hoạch trung hạn trên cơ sở nắm chắc số đối tượng thực hiện, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội vào công tác giảm nghèo.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phân biệt các đối tượng người nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo để có cơ chế hỗ trợ phù hợp, trên cơ sở ưu tiên nhiều cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên ít hơn (về vốn, lãi suất khi hỗ  trợ hoặc cho vay), tập trung hỗ trợ vùng có  đông người nghèo. Đồng thời, cần sớm xác định và đưa các đối tượng yếu thế ra khỏi diện nghèo để chuyển sang diện bảo trợ xã hội, có thêm điều kiện hỗ trợ các đối tượng nghèo.
                                                                                                                                        Theo chinhphu.vn