Hội nghị BCH Hội NDVN lần thứ 4 (khóa VI): Cần thêm nhiều chính sách vì nông dân

Hội nghị lần này tập trung thảo luận Dự thảo Báo cáo công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014; Dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện NQ Hội nghị lần thứ 3 của BCH TƯ Hội (khóa III) về công tác tư tưởng văn hóa; Dự thảo NQ Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Hội (khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới; Dự thảo NQ Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Hội (khóa VI) về nâng cao trách nhiệm của Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020.

 

Hội nghị BCH Hội NDVN lần thứ 4 (khóa VI): Cần thêm nhiều chính sách vì nông dân

(Website Hội NDVN)- Trong 2 ngày (16,17/7), Ủy viên BCH TƯ Đảng,  Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường chủ trì Hội nghị BCH Hội NDVN lần thứ 4 (khóa VI) tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng.

Nhiệm vụ mới, có ý nghĩa lớn

 Hội nghị lần này tập trung thảo luận  Dự thảo Báo cáo công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014; Dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện NQ Hội nghị lần thứ 3 của BCH TƯ Hội (khóa III) về công tác tư tưởng văn hóa; Dự thảo NQ Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Hội (khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới; Dự thảo NQ Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Hội (khóa VI) về nâng cao trách nhiệm của Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020.

Các đại biểu cũng được quán triệt Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; Quyết định số 218 -QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống Hội; Quy định về việc Hội NDVN tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là nhiệm vụ mới, có ý nghĩa lớn đối với hoạt động của Hội thực hiện nhiệm vụ Bộ chính trị giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội.

 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: "Những nội dung trình Hội nghị lần này đều là những vấn đề quan trọng đối với công tác Hội và phong trào nông dân, không chỉ trong năm 2014 và trong nhiệm kỳ này mà cho cả các nhiệm kỳ tiếp theo".

 Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ

Chủ tịch cũng đánh giá, 6 tháng đầu năm 2014 vừa qua, mặc dù kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém nội tại của nền kinh tế đất nước, những yếu tố bất ổn về chính trị và suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta nhưng các cấp Hội đã tích cực khắc phục khó khăn thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

 Đến nay đã có 28 tỉnh, thành Hội xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân theo Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 14 dự án năm 2012, 11 dự án 2013 và 3 dự án năm 2014. Đã có 33 tỉnh vận động ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân từ các nguồn xã hội hóa được 12,9 tỷ đồng; điển hình là các tỉnh: Bắc Giang 1,7 tỷ; Đồng Nai 1,2 tỷ; Lạng Sơn 1,1 tỷ; Hải Dương 780 triệu, Thanh Hóa 650 triệu…; có 36 tỉnh, thành phố cấp ngân sách địa phương năm 2014 cho Quỹ theo Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 128,6 tỷ đồng. Đến 30/6/2014, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đạt trên 1.606,9 tỷ đồng, tăng 133,07 tỷ đồng so với 31/12/2013. Hiện tại, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đang giúp cho hơn 97.481 hộ vay sản xuất, kinh doanh.

 Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn khuyến nông được trên 2,8 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng hàng ngàn mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình kinh tế tập thể; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho trên 2.000 cán bộ hợp tác xã và tổ hợp tác. Hỗ trợ xây dựng mới gần 1300 mô hình kinh tế tập thể, đạt 65% kế hoạch năm; xu thế liên kết, hợp tác phát triển các mô hình kinh tế tập thể đang được phổ biến, nhân rộng.

 Đồng thời Hội còn tổ chức dạy nghề và phối hợp dạy nghề cho trên 160 ngàn lượt hội viên, đạt 72,7% kế hoạch năm; phối hợp tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 350 ngàn lượt hội viên, nông dân....

Các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân đóng góp ủng hộ Quỹ “Ngày vì người nghèo” và tương trợ, giúp đỡ được gần 75.000 lượt hộ nông dân nghèo, khó khăn, với số tiền hơn ba trăm tỷ đồng, hơn hai triệu ngày công và nhiều vật tư nông nghiệp khác trị giá hàng tỷ đồng.

 Để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc; phát động Cuộc vận động “Nông dân với Trường Sa” và tổ chức Đoàn cán bộ Trung ương Hội và một số tỉnh, thành Hội đi thăm, động viên, tặng quà chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, ủng hộ hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra còn một số tỉnh Hội như Vĩnh Phúc, Nghệ An... vận động cán bộ, hội viên ủng hộ thêm cho các chiến sỹ cảnh sát biển, kiểm ngư  ngày đêm vất vả bảo vệ chủ quyền đất nước ở quần đảo Hoàng Sa từ 300-400 triệu đồng mỗi tỉnh. 

Nông thôn vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro nhất, như vấn đề tiêu thụ, thu mua nông sản, bảo quản sau thu hoạch, dự án thu hồi đất nông nghiệp nhưng lại bỏ hoang, tình trạng thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu khoa học kỹ thuật, hổng về luật pháp… khiến người nông dân khó thoát nghèo.

 Hội cần phải lên tiếng và có quyền ra bài toán cho các nhà khoa học, quản lý để họ phục vụ nông dân tốt hơn nữa, bởi đó là trách nhiệm của họ. Những đề nghị của Hội đối với Chính phủ, các ngành phải được trả lời, đó cũng chính là thực hiện vai trò giám sát, phản biện.  Hội phải mạnh mẽ như "Đinh La Thăng", câu nói vui của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nhận được sự tán thưởng của nhiều người.

 Đúng là nếu không mạnh mẽ, quyết liệt chắc chắn Cánh Đồng Mẫu Lớn (CĐML) sẽ không thành công như mô hình hiện nay của An Giang. Chủ tịch Hội ND An Giang, Lê Thanh Phong cho biết, CĐML được như hôm nay là nhờ sự liên kết chặt chẽ của nông dân với doanh nghiệp. Nông dân sản xuất, doanh nghiệp hướng dẫn, bao tiêu sản phẩm. Liên kết này đặc biệt coi trọng sự  "thủy chung" của cả hai bên. Mặc dù mới chỉ có 47% hợp đồng có sự gắn kết từ đầu chí cuối nhưng có thể thấy ánh sáng từ sự sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần dần sẽ được thay thế bằng sản xuất khoa học, quy mô.

 Một số nội dung "nóng" được nhiều đại biểu quan tâm là chỉ tiêu bộ máy hành chính, nhân sự quy định cho Hội ND tỉnh quá thấp, không đủ đáp ứng nhiệm vụ ngày càng nhiều của Hội. Đại biểu Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch HộiND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với mật độ công việc hiện nay, tỉnh Hội cần từ 28-30 cán bộ. Đồng quan điểm, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị TƯ Hội có ý kiến xin tăng thêm nhân sự cho các địa phương. Vấn đề xây dựng Quỹ HTND, dạy nghề cho nông dân được nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm. Hiện tượng nông dân theo đạo "lạ",  cũng được cảnh báo tại Hội nghị.

  Lam Anh