An toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp Hồi chuông cảnh báo cần được quan tâm đúng mức

Để nông dân tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng trong đó có Hội Nông dân các cấp cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho người nông dân. “Trong nhiều năm qua công tác đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ. Gần đây nhận thức của người dân đã dần thay đổi. Sở LĐ, TB&XH đã phối hợp với các Hội, Liên minh HTX tuyên truyền, mở các lớp tập huấn kiến thức về đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng kinh phí hoạt động ít nên hiệu quả chưa cao về lâu dài cần phải có cách nhìn nhận đúng, đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi, tránh được những rủi ro cho người lao động”

                Dân số Ninh Thuận trong độ tuổi lao động có 365.700 người, chiếm khoảng 64%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 40%. Cơ cấu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm 51,99%, công nghiệp xây dựng chiếm 15%, khu vực dịch vụ chiếm 33,01%.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đã góp phần đem lại năng suất cao, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, vấn đề (ATVSLĐ) an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất chưa được coi trọng, gây ra nhiều hiểm họa khó lường. Theo đánh giá của các ngành chức năng thì nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, chỉ đứng sau các ngành như: xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ. Đặc biệt, tai nạn lao động trong ngành nông nghiệp luôn tiềm ẩn nguy hiểm ở mọi nơi, mọi lúc. Từ thực tế tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Người bị tai nạn nhẹ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, nặng sẽ mất đi khả năng lao động. Vì vậy, việc đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp cần phải được chú trọng nhiều hơn nữa. Chỉ đơn giản như việc phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật mà người nông dân không sử dụng bảo hộ lao động sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh ngoài da, ung thư, thậm chí là tử vong.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, đa phần người dân còn rất chủ quan trong lúc lao động, sản xuất. Qua thực tế trên cho thấy, hiện nay phần lớn người lao động  nông nghiệp thường làm việc theo những kinh nghiệm hết sức đơn giản này, nên nguy cơ tai nạn lao động trong quá trình sản xuất luôn tiềm ẩn, khó lường. Mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức nào về tình trạng tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhưng chắc chắn không phải là ít. Nguyên nhân một phần là do phần lớn lao động  trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tham gia các lớp đào tạo nghề, chưa nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc nông nghiệp. Rất nhiều nông dân sau khi mua máy móc về rồi mới tự mày mò, tự làm mà không được học tập một cách bài bản. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức. Trong khi công tác quản lý nhà nước, việc thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ trong nông nghiệp còn buông lỏng, bỏ ngỏ. Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh ATVSLĐ trong ngành nông nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến việc hình thành những cách hiểu chủ quan, mơ hồ trong  nông dân.

Có thể nói, khi người lao động không may bị tai nạn sẽ mất đi khả năng lao động, mất thu nhập, gia đình sẽ gặp không ít khó khăn về mặt kinh tế. Vì vậy, vấn đề ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp cũng cần được quan tâm đúng mức. Để nông dân tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng trong đó có Hội Nông dân các cấp cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho người nông dân. “Trong nhiều năm qua công tác đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ. Gần đây nhận thức của người dân đã dần thay đổi. Sở LĐ, TB&XH đã phối hợp với các Hội, Liên minh HTX tuyên truyền, mở các lớp tập huấn kiến thức về đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng kinh phí hoạt động ít nên hiệu quả chưa cao về lâu dài cần phải có cách nhìn nhận đúng, đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi, tránh được những rủi ro cho người lao động”

           Trên thực tế, tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp mà bà con nông dân gặp phải thường bắt nguồn từ việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp như hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu... một cách thiếu khoa học, gây tổn hại đến sức khỏe hoặc những tổn thương do sử dụng điện và máy móc chưa đúng cách. Trong khi đó, phần lớn lao động nông nghiệp lại chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp, mua máy về tự học, tự làm mà không có người giảng dạy, hướng dẫn bài bản, do vậy dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, do nhận thức yếu kém và để chạy theo lợi nhuận kinh tế, một số hộ nông dân sẵn sàng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không theo hướng dẫn, không tuân thủ thời gian cách ly…để tăng năng suất cây trồng, vô hình chung đã làm cho tình trạng mất ATVSLĐ ngày càng tăng mạnh. Về lâu dài, chính người nông dân sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc thiếu an toàn này. Như vậy, với nhận thức yếu kém, với tình trạng tai nạn lao động ngày càng cao trong ngành nông nghiệp như hiện này thì câu hỏi bao giờ tai nạn lao động trong nông nghiệp mới giảm, vẫn chưa có hồi kết. 

Những năm qua, Hội Nông dân các cấp được đánh giá là đơn vị tích cực trong việc hưởng ứng các chương trình quốc gia về ATVSLĐ. Tuy nhiên, nhận thức về công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân vẫn còn hạn chế, chưa thấy hết tác hại, sự nguy hiểm của việc không đảm bảo ATVSLĐ đến sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng. Để nâng cao nhận thức cho bà con, trong những năm qua Hội Nông dân đã đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân theo phương pháp giáo dục hành động (WIND), cụ thể năm 2014 Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ngành Lao động tỉnh đã tổ chức được 01 lớp TOT cho 15 cán bộ HND tỉnh và huyện trong thời gian 03 ngày và 02 lớp cho 140 tình nguyện viên nông dân. Các đối tượng được tập huấn theo phương pháp này là những cán bộ chi hội, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, người lao động trực tiếp làm việc có sử dụng nhiều máy móc thiết bị trong quá trình lao động sản xuất, thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất có nguy cơ tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp cao. Nông dân sau khi tham gia tập huấn đã từng bước nâng cao nhận thức về ATVSLĐ trong nông nghiệp như: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trang bị phương tiện bảo hộ trong quá trình sản xuất, phun thuốc đúng liều lượng, đúng quy trình, không vứt bỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ngoài đồng ruộng, bao che cho những bộ phận chuyển động nguy hiểm của máy để phòng tránh tai nạn…sau các khóa tập huấn, cán bộ, hội viên nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm ATVSLĐ trong nông nghiệp đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, trở thành những tình nguyện viên năng nổ, nhiệt tình trong công tác tuyên truyền về ATVSLĐ ở cơ sở. Với những kiến thức đã được trang bị tại lớp tập huấn, đội ngũ tuyên truyền viên đã về gia đình áp dụng, cụ thể mỗi người đã thực hiện được từ 1-3 cải thiện trong đó có các cải thiện ngắn hạn từ 1-2 tháng như sắp xếp lại khu vực để đồ dùng ngang tầm tay, ghi nhãn mác và cách sử dụng lên các dụng cụ đựng thực phẩm; tự trang bị đồ bảo hộ lao động khi lao động, làm vệ sinh môi trường trong khu vực nhà ở, các công trình vệ sinh và tham gia bảo vệ môi trường trong thôn xóm, sửa chữa các ổ cắm điện cho an toàn, xa tầm tay trẻ em và các cải thiện dài 2-3 tháng như: cải thiện bể lọc, chứa nước; sửa chữa lại đường đi vào nhà cho bằng phẳng hơn, sử dụng bếp ga thay bếp củi, lắp đặt hệ thống điện mới trong nhà cho gọn gàng, bảo đảm an toàn, chiếu sáng khoa học, tiết kiệm, hiệu quả…nhằm từng bước giảm tai nạn rủi ro trong lao động sản xuất và trong đời sống, sinh hoạt của nông dân. Tuy nhiên do thời gian triển khai chưa nhiều, kinh phí triển khai còn khó khăn, nên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Việc người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hướng dẫn; không có dụng cụ bảo hộ khi lao động sản xuất; sử dụng điện, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chưa theo quy trình hướng dẫn, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao... không phải là hiếm.

 

Thiết nghĩ, để người nông dân tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất nông nghiệp, các ban, ngành, địa phương, cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong việc vận hành máy móc cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng và thời gian quy định...Theo các chuyên gia về an toàn lao động, để người nông dân tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất, trước hết phải tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho những nông dân có máy móc để họ có thể vận hành thành thạo, ý thức được tác hại của việc lạm dụng quá đà thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng... Ngoài ra, các tổ hợp tác, các hợp tác xã cũng cần vận động bà con mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vì lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khoẻ người dân, Nhà nước cần triển khai những biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn đủ để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất. Hàng năm cần có chương trình khám sức khoẻ định kỳ cho nông dân, giúp họ phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.