Hội thảo phát triển nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”

Chiều ngày 14/12/2015 tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Ban điều phối dự án hỗ trợ tam nông tỉnh tổ chức Hội thảo Dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận” và “Dự án xây dựng bộ nhận diện “Táo Ninh Thuận”.

 

Đ/c Đỗ Hồng Kỳ, Phó CT Thường trực Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội thảo

          Tham dự Hội thảo có 35 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, các chủ cơ sở sản xuất thu mua táo trên địa bàn tỉnh, thường trực Hội Nông dân huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, các ban Hội Nông dân tỉnh dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Hồng Kỳ, Phó chủ tịch thường trực, chủ nhiệm đề tài và đơn vị tư vấn Tín Việt.

             Với mục tiêu chung của dự án là xây dựng các văn bản, các quy định vận hành được hệ thống quản lý khai thác nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm táo Ninh Thuận với tiềm năng và lợi thế hiện có của tỉnh. Với diện tích trồng táo trên địa bàn tỉnh phát triển trên 1.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 40.000 tấn/năm để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Dự án triển khai thí điểm mô hình quản lý hệ thống nhãn hiệu tập thể cho 03 chủ cơ sở thu mua táo của địa phương để quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể như thiết kế mẫu mã bao bì, nhãn mác, giới thiệu, quảng bá sản phẩm táo bằng nhiều hình thức khác nhau đến thị trường tiêu thụ. Tập trung vào các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng …chung cho sản phẩm táo đã được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ quản lý sản phẩm.

Dự án có hiệu quả sẽ tác động đến việc nâng cao nhận thức người trồng táo của tỉnh phát triển theo hướng sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người quyền lợi người tiêu dùng và người nông dân trồng táo; là người được hưởng lợi từ đầu ra sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và điểm xuất xứ sản phẩm là táo Ninh Thuận để phát triển kinh tế.

Từ đó các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân trồng táo dần dần hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã liên kết sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm táo. Phát huy vai trò của các chủ cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm táo tìm thị trường tiêu thụ táo cho người nông dân, để người nông dân phát triển trồng táo tuân theo quy hoạch vùng của tỉnh. Góp phần đảm bảo đời sống cho người nông dân trồng táo, phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với địa phương.