Nông dân Ninh Thuận bàn giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Ngày 23/3/2016 Hội Nông dân tỉnh phối hợp với tổ chức iDE Việt Nam tổ chức hội nghị bàn giải pháp nông dân Ninh Thuận ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn bằng việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên cây trồng có hiệu quả. Tham gia hội nghị có 70 đại biểu đến từ các sở, ngành, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh dưới sự chủ trì của các đồng chí thường trực Hội Nông dân tỉnh.

 

Toàn cảnh hội nghị

          Đứng trước tình trạng nắng hạn kéo dài từ cuối năm 2015 cho đến nay và ngày càng trở nên khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của cán bộ, hội viên nông dân, trong đó có 35/65 cơ sở Hội nằm trong trung tâm vùng hạn hán và xâm nhập mặn được Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố tình trạng hạn hán từ ngày 01/3 cho đến hết mùa khô năm 2016. Tại hội nghị các đại biểu đã đánh giá, phân tích toàn cảnh bức tranh về sự ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn đối với người dân, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để giúp người nông dân ứng phó do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Về sản xuất trong vụ Đông-Xuân năm 2015-2016 nông dân đã phải dừng sản xuất 5.775ha cây trồng các loại, xuống giống, chăm sóc cây trồng với diện tích là 22.979 ha đạt 87% diện tích sản xuất nông nghiệp. Về nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất lượng nước dự trữ của 20 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện có 54,27 triệu m3 đạt trên 27% dung tích thiết kế. Theo đó nông dân đã phải chuyển đổi 1.267 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây chịu hạn sử dụng ít nước tưới như: cây bắp lai, đậu xanh, cỏ chăn nuôi, các loại cây đậu.

            Nhằm giúp hội viên nông dân giảm thiệt hại đến thấp nhất do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra vào thời điểm hiện nay. Thay mặt cho lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đồng chí Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, yêu cầu các huyện, thành Hội, các cơ sở Hội, nhất là 35 xã nằm trong vùng trung tâm hạn hán phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, hội viên nông dân sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả trong sản xuất chăm sóc cây trồng, sinh hoạt đời sống của người dân. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, khuyến cáo của các nhà chuyên môn.  Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện các chương trình liên tịch đã ký kết để hỗ trợ, tạo các nguồn lực giúp người nông dân phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.