Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ mới

Có 485 đại biểu đồng ý chọn bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV (tương đương 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội). Chỉ 4 phiếu không đồng ý. Như vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục cương vị là người đứng đầu Chính phủ trong 5 năm nữa. Dự thảo Nghị quyết công nhận kết quả bầu Thủ tướng cũng được Quốc hội thông qua với đại đa số phiếu tán thành: 482 đại biểu trên tổng số 483 đại biểu có mặt tán thành (bằng 97,57% tổng số đại biểu Quốc hội).

    Với kết quả bỏ phiếu kín để bầu Thủ tướng chiều nay, 26/7, vừa kết thúc với 489 đại biểu (trên tổng số 494 đại biểu) tham gia bỏ phiếu.

      Nghi thức tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được tiến hành liền sau đó. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu đội nghi thức vào vị trí. Cờ Tổ quốc được các tiêu binh rước vào lễ đài, sau đó là đội rước Hiến pháp trong tiếng quân nhạc cất lên.

     Tất cả các đại biểu Quốc hội có mặt trong phòng họp đứng dậy nghiêm trang. Đoàn Chủ tịch kỳ họp gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng rời vị trí, xuống dưới lễ đài để chứng kiến lễ tuyên thệ của Thủ tướng.

     Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước ra lễ đài, cúi chào trước cờ Tổ quốc và bước lên bục tuyên thệ, đặt tay phải trên Hiến pháp, tay trái giơ cao ngang đầu. “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi – Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam - xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHXN Việt Nam, nỗ lực công tác tốt để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó” - Thủ tướng tuyên thệ.

     Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố Quốc hội ghi nhận lời tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Người đứng đầu cơ quan hành pháp của nhà nước có ít phút phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.

     Thủ tướng nhấn mạnh, được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, ông nhận thức trách nhiệm nặng nề mà Đảng, nhà nước, nhân dân giao phó. Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định bản thân nguyện sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

     “Đất nước ta đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức. Việt Nam phải tận dụng cơ hội để xây dựng đất nước giàu mạnh, có vị thế cao hơn trên trường quốc tế. Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng kinh tế chỉ đứng thứ 48. Chúng ta phải phấn đấu rất nhiều để có vị thế tương xứng với tiềm năng” – Thủ tướng nói.

     Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế nhanh hơn là yêu cầu nhất thiết với Việt Nam để đất nước không rơi vào vào tình tạng “chưa giàu đã già” khi cơ cấu dân số vàng sẽ qua nhanh trong 10 năm nữa.

     Về phía Chính phủ, Thủ tướng nêu mục tiêu phải tinh giản bộ máy, tiết kiệm tài sản công, xe công, giảm thiểu việc đi công tác nước ngoài. “Chúng ta phải sử dụng có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.

     Để phát triển nhanh và bền vững, tăng năng suất lao động, tăng đầu tư xã hội, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải tích cực đổi mới, chấn hưng giáo dục và đặc biệt là phải bảo vệ môi trường, quyết không vì phát triển kinh tế mà hi sinh môi trường sống của người dân. Thủ tướng nhắc lại thực tế, tình trạng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn gây hậu quả nặng nề vừa qua cho thấy cảnh báo đáng báo động về việc biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên, theo đó, ngày càng phải được sử dụng hiệu quả, không để rơi vào tay những nhóm lợi ích.

     Thủ tướng nhắc lại lời dạy của tiền nhân: “hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí có mạnh, quốc gia mới vững”.

     Theo người đứng đầu Chính phủ, nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở trong và ngoài nước không thiếu, phải tranh thủ nhân tài để thúc đẩy sự phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, cần thúc đẩy thể thệ trẻ, cần đầu tư để cải thiện trường học, nhà trẻ, nhà vệ sinh, phải hỗ trợ hơn nữa trẻ em ở vùng sâu xa để xã hội xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài. Thủ tướng khoá mới cũng đặt mục tiêu, làm sao để con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số phải có cơ hội công bằng để học tập, thành tài và thành những nhà lãnh đạo đất nước trong tương lai.

     “Formosa là bài học sâu sắc về thu hút, tiếp nhận đầu tư nước ngoài mà chúng ta quyết không để tái diễn hiện tượng tương tự” – Thủ tướng nhấn mạnh. Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng nêu thực trạng, khu vực kinh tế trong nước còn yếu. Thời gian tới, cần khắc phục, cải thiện tình trạng này, liên kết 2 khu vực trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất, thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn, khuyến khích khởi nghiệp, làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

     Tiếp tục nhắc lại lịch sử, với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đã khởi động cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam, Thủ tướng cũng nhắc lại lời dạy của lãnh đạo Nguyễn Ái Quốc về tinh thần thượng tôn pháp luật. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, thông điệp đó cho đến ngày hôm nay vẫn đúng đắn. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ phải xây dựng pháp luật và cũng phải tuân thủ nghiêm túc pháp luật, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động, quyết liệt phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

     “Bác Hồ kính yêu đã dạy: "các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Chúng ta phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đồng thời tạo môi trường hoà bình và thuận lợi cho phát triển đất nước” – Thủ tướng nói ý tiếp theo trong bài phát biểu.

     Thủ tướng cam kết trước Quốc hội sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình.

     Lời hứa sau cùng, Thủ tướng khẳng định: “Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển,liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn”.