Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị

Ngày 16/5/2017, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội từ năm 2014 đến nay.

               Dự và chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Dự tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Chủ  tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tham dự.

Tại điểm cầu Ninh Thuận

Thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức thành viên đã tổ chức thực hiện 10 chương trình giám sát; 63 tỉnh, thành đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức trên 6.400 cuộc, cấp xã tổ chức hơn 49.500 cuộc giám sát. Các hoạt động giám sát tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: Chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về lĩnh vực thuế, hải quan; an toàn thực phẩm; xác định sự hài lòng của nhân dân đối với các dịch vụ hành chính công; thực hiện Luật Khoa học, công nghệ; Luật Hợp tác xã…

Công tác phản biện xã hội cũng được triển khai thực chất, sâu rộng và hiệu quả. MTTQ cấp tỉnh đã tổ chức được 784 cuộc phản biện xã hội; cấp huyện chủ trì phản biện xã hội được trên 4.000 cuộc; cấp xã chủ trì phản biện được hơn 25.800 cuộc. Qua giám sát, phản biện xã hội Ủy ban MTTQ các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Các ý kiến, kiến nghị được nhân dân và cử tri cả nước hoan nghênh, đánh giá cao. Công tác giám sát, phản biện xã hội đã góp phần tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên MTTQ, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là ở cơ sở; đảm bảo và tăng cường an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhìn chung chưa sâu rộng, công tác phối hợp chưa đồng bộ, chưa có cơ chế và quy trình thống nhất thể hiện quan hệ của 4 bên: MTTQ và các tổ chức thành viên, các cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng được giám sát và cấp ủy các cấp. Nhiều đề xuất, kiến nghị trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết, phản hồi thỏa đáng; sức lan tỏa, hiệu quả mang tính chiều sâu trong thực hiện Quyết định 217, 218 chưa được như mong đợi. Còn hiện tượng né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội trong các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý. Đồng chí yêu cầu các thành viên làm công tác Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội coi giám sát, phản biện xã hội là việc làm thường xuyên, làm từng bước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đồng thời chuyển giao kết quả sau giám sát cho cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương. Cần phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, theo dõi những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc sau khi giám sát. Công tác giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm và phải tạo sự đồng thuận của nhân dân; cần có sự thống nhất giữa 3 bên: Ban Dân vận, MTTQ và chính quyền địa phương.

Nhằm giúp cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện và thực tế về công tác giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Dân vận Trung ương xây dựng, phát hành cuốn “Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam”. Đồng thời, phối hợp hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống MTTQ và hệ thống Đảng các cấp. Hằng năm, phối hợp sơ kết công tác giám sát, phản biện xã hội để các hoạt động này đi vào nề nếp, có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh và phát huy tác dụng xã hội ngày càng hiệu quả hơn.