HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ CHO VAY VỐN QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ CHO VAY VỐN QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

 

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

*

Số: 82-HD/QHTTW

 

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2014

 

 

HƯỚNG DẪN

NGHIỆP VỤ CHO VAY VỐN QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

 

 

 

 

Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân ban hành kèm theo Quyết định số 908 – QĐ/HNDTW ngày 15/11/2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

Căn cứ Thông tư 69/2013/TT – BTC ngày 21/5/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam.

Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn hệ thống như sau:

1. Mục đích cho vay

Quỹ Hỗ trợ nông dân (sau đây gọi tắt là Quỹ HTND) cho Người vay là các hộ gia đình hội viên nông dân, Tổ hợp tác, Hợp tác xã vay vốn để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhằm mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hoá, phát triển ngành nghề; tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng tạo ra các loại nông sản hàng hoá, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần chuyển dịh cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.

2. Đối tượng áp dụng

2.1. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp.

2.2. Người vay theo quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân ban hành kèm theo Quyết định số 908 – QĐ/HNDTW ngày 15/11/2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

3. Nguyên tắc vay vốn

Người vay vốn Quỹ HTND phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

3.1. Sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay.

3.2. Hoàn trả nợ gốc và phí vốn vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thoả thuận trong Hợp đồng vay vốn.

4. Điều kiện vay vốn

4.1. Đối với hộ gia đình: chủ hộ gia đình hoặc người đại diện hộ gia đình phải là hội viên Hội Nông dân Việt Nam. Đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã phải do hội viên Hội Nông dân là sáng lập viên và có ít nhất 2/3 số thành viên hoặc xã viên là hội viên nông dân; Tổ trưởng Tổ hợp tác, Chủ nhiệm Hợp tác xã là hội viên Hội Nông dân Việt Nam.

4.2. Người vay phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật, cụ thể:

- Đối với Người vay là hộ gia đình hội viên nông dân:

Có địa chỉ cư trú hợp pháp, Chủ hộ hoặc người đại diện của hộ phải có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi Quỹ HTND cho vay xác nhận.

- Đối với Người vay là Tổ hợp tác, Hợp tác xã:

Hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật Hợp tác xã hiện hành. Đại diện Tổ hợp tác, Hợp tác xã phải có đủ năng lực pháp luật dân sự và hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.

4.3. Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.

4.4. Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.

4.5. Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi, được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận và được cấp Hội có thẩm quyền phê duyệt.

5. Lĩnh vực ngành, nghề cho vay

5.1. Sản xuát nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

5.2. Phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp.

5.3. Chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản và muối.

5.4. Kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, diêm nghiệp và đời sống nông dân.

6. Loại cho vay và thời hạn cho vay

6.1. Loại cho vay:

Quỹ Hỗ trợ nông dân áp dụng 02 loại cho vay:

- Cho vay ngắn hạn: các khoản vay có thời hạn đến 12 tháng.

- Cho vay trung hạn: các khoản vay có thời hạn từ 12 tháng đến 60 tháng.

6.2. Thời hạn cho vay được căn cứ vào:

- Mục đích sử dụng vốn vay.

- Chu kỳ kinh doanh, sản xuất.

- Nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

7. Mức phí cho vay

7.1. Mức phí cho vay do Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành từng thời kỳ và thực hiện thống nhất trong hệ thống Quỹ HTND.

Đối với nguồn vốn Quỹ HTND do tổ chức, cá nhân tài trợ, uỷ thác mà có quy định riêng về mức phí cho vay hỗ trợ nông dân, phải đảm bảo vượt không vượt quá mức phí cho vay do Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quy định.

7.2. Phí quá hạn tính bằng 130% phí khi cho vay.

8. Mức cho vay

Mức cho vay tối đa đối với Người vay được xác định trên cơ sở khả năng nguồn vốn của Quỹ, nhu cầu và khả năng hoàn trả nợ của từng Người vay, nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định từng thời kỳ.

9. Về bảo đảm tiền vay

Người vay được Quỹ HTND xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản khi được Hội Nông dân xã bảo lãnh bằng tín chấp và được UBND xã xác nhận vào dự án vay vốn.

10. Trả nợ gốc và phí

Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương quy định việc trả nợ gốc và phí tiền vay như sau:

1. Trả gốc khi hết thời hạn vay vốn. Người vay có thể trả gốc một lần khi không còn nhu cầu sử dụng vốn trong thời hạn được vay vốn.

2. Trả phí thực hiện theo kỳ, tối đa 03 tháng/kỳ.

11. Xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn

11.1. Đối với dự án nhóm hộ:

- Căn cứ nguồn vốn của Quỹ HTND cấp mình và nguồn vốn được Quỹ HTND cấp trên uỷ thác cho vay, Ban điều hành Quỹ HTND xây dựng kế hoạch sử dụng vốn trình Ban Thường vụ Hội Nông dân cùng cấp phê duyệt, có văn bản thông báo cho Hội Nông dân cấp dưới biết và triển khai thực hiện.

- Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp xã báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về việc tiếp nhận vốn; tổ chức họp Ban chấp hành Hội Nông dân cấp xã để thống nhất tiêu chí lựa chọn mô hình, địa bàn và các hộ gia đình hội viên nông dân tham gia dự án:

+ Mô hình: phù hợp lợi thế của địa phương;

+ Địa bàn thực hiện một dự án vay vốn: Không quá 3 thôn (xóm, ấp, bản, làng). Trường hợp đặc biệt do Quỹ có vốn xem xét cụ thể và quyết định;

+ Các hộ tham gia dự án cùng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ một loại sản phẩm; có đủ điều kiện vay vốn như mục 4 Hướng dẫn này;

- Các chi hội hoặc tổ hội tổ chức họp bình xét hộ đủ điều kiện tham gia dự án (số người dự họp tối thiểu từ 2/3 hội viên trở lên), lập danh sách theo mẫu 01/QHT gửi về Ban Thường vụ Hội Nông dân xã.

- Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp xã tổ chức họp các hội viên đã được các chi hội bình xét vay vốn để thành lập Ban quản lý dự án, xây dựng quy ước hoạt động, lập biên bản theo mẫu số 03/QHT. Hướng dẫn Người vay viết Giầy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn theo mẫu số 02/QHT (02 bản), yêu cầu từng Người vay tự viết vào Giấy đề nghị vay vốn (bằng một loại mực xanh hoặc đen, không dùng mực đỏ) và ký đúng chữ ký, nếu Người vay không biết chữ, có thể nhờ người khác viết hộ nhưng Người vay phải điểm chỉ vào Giấy đề nghị vay vốn (người viết hộ không được ký thay); Người thừa kế cũng phải ký tên hoặc điểm chỉ vào Giấy đề nghị vay vốn do Người vay lập.

- Căn cứ Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn của từng Người vay, Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp xã tổng hợp vào dự án vay vốn theo mẫu số 04/QHT. Trưởng Ban quản lý dự án (Chủ dự án) là Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã, Phó Ban quản lý dự án là Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã hoặc là người đại diện Nhóm hộ được các hộ tham gia dự án bầu chọn. Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp xã tập hợp hồ sơ vay vốn, lập tờ trình gửi Hội Nông dân cấp huyện bao gồm:

+ Tờ trình đề nghị vay vốn của Hội Nông dân cấp xẫ (mẫu số 08/QHT);

+ Biên bản họp các thành viên dự án vay vốn (mẫu 03/QHT);

+ Dự án đề nghị vay vốn (mẫu số 04/QHT);

+ Danh sách các hộ đề nghị vay vốn (mẫu 05/QHT);

+ 02 Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn (mẫu 02/QHT);

+ Các giấy tờ khác (nếu có).

- Số bộ hồ sơ phải lập: Ngoài Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn của hộ vay lập 02 bản chính, các loại văn bản còn lại tuỳ thuộc nguồn vốn của mỗi cấp để xác định số bản phải lập, đảm bảo lưu tại Ban quản lý dự án, Hội Nông dân cấp xã, Quỹ HTND cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương: vốn của cấp huyện lập 03 bộ, vốn của cấp tỉnh 04 bộ, vốn của Trung ương 05 bộ. Quỹ trực tiếp cho vay giữ bộ Hồ sơ gốc.

11.2. Đối với dự án của Tổ hợp tác, Hợp tác xã:

- Ban quản lý Tổ hợp tác, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã xây dựng dự án. Khi làm thủ tục vay vốn phải nộp kèm theo bản chính (hoặc bản sao có chứng thực) các loại hồ sơ pháp lý và kinh tế sau:

+ Giấy đề nghị vay vốn (mẫu 02A/QHT);

+ Dự án có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã (mẫu số 04A/QHT);

+ Hợp đồng hợp tác sản xuất, kinh doanh có chứng nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã (đối với Tổ hợp tác);

+ Quyết định thành lập;

+ Điều lệ hoặc văn bản pháp lý của cơ quan có thẩm quyền quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ chức;

+ Văn bản bổ nhiệm hoặc cử người đứng đầu tổ chức theo quy định của điều lệ tổ chức hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

+ Giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh; giấy phép/chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề theo quy định phải có);

+ Văn bản uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật (nếu có);

+ Kế hoạch sản xuất kinh doanh từng thời kỳ;

+ Báo cáo thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh kỳ gần nhất;

+ Báo cáo quyết toán tài chính 2 năm liền kề;

+ Các giấy tờ liên quan khác.

12. Thẩm định và phê duyệt cho vay

12.1. Thẩm định dự án, hồ sơ vay vốn.

-  Đối với nguồn vốn thuộc quyền quản lý của Hội Nông dân cấp huyện (bao gồm vốn Quỹ HTND cấp huyện và nguồn vốn Quỹ HTND do cấp xã vận động được): Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn của Hội Nông dân cấp xã, Hội Nông dân cấp huyện tổ chức thẩm định hoặc chỉ đạo Quỹ HTND cùng cấp (đối với các đơn vị đã thành lập Quỹ) tổ chức thẩm định tính khả thi, hiệu quả của dự án tại thực địa, kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ vay vốn, trình Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quyết định phê duyệt cho vay.

- Đối với nguồn vốn của Hội Nông dân cấp tỉnh: sau khi nhận hồ sơ do Hội Nông dân cấp xã gửi về, Hội Nông dân cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; kiểm tra, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án, tiến hành thẩm định (nếu được uỷ quyền thẩm định); ký xác nhận vào dự án, lập tờ trình đề nghị vay vốn và gửi hồ sơ về Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Trường hợp Quỹ HTND tỉnh không uỷ nhiệm thẩm định thì trước khi cho vay Quỹ HTND cấp tỉnh tổ chức thẩm định, trình Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh Quyết định phê duyệt.

- Đối với nguồn vốn do Trung ương uỷ thác, Hội Nông dân cấp tỉnh cử người trực tiếp tham gia cùng với Hội Nông dân cấp huyện thẩm định, ký xác nhận vào dự án vay vốn, lập tờ trình đề nghị và gửi đầy đủ hồ sơ vay vốn về Quỹ HTND Trung ương, bao gồm:

+ Biên bản họp các thành viên dự án vay vốn (mẫu 03/QHT);

+ Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn của từng Người vay (mẫu 02/QHT – bản phô tô đóng dấu đỏ chưa phê duyệt cho vay);

+ Dự án đề nghị vay vốn (mẫu số 04/QHT), có chữ ký của chủ dự án và chữ ký xác nhận của Uỷ ban nhân dân, Hội Nông dân cấp xã, Hội Nông dân cấp huyện và cấp tỉnh;

+ Danh sách các hộ đề nghị vay vốn (mẫu 05/QHT);

+ Tờ trình đề nghị vay vốn của Hội Nông dân cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh (mẫu số 08/QHT);

+ Biên bản thẩm định dự án (mẫu số 06/QHT);

+ Danh sách các hộ được thẩm định đủ điều kiện vay vốn (mẫu 07/QHT);

+ Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn của tỉnh, thành Hội, Quỹ HTND Trung ương có thể tổ chức tái thẩm định tại thực địa nếu thấy cần thiết.

- Đơn vị hoặc cá nhân được giao trách nhiệm thẩm định, tái thẩm định phải lập biên bản thẩm định (mẫu số 06/QHT) và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết luận thẩm định.

12.2. Phê duyệt cho vay:

- Sau khi tổ chức thẩm định Hồ sơ đề nghị vay vốn, nếu đủ điều kiện cho vay, Quỹ HTD lập tờ trình đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân cùng cấp quyết định phê duyệt cho vay. Trường hợp dự án không đủ điều kiện cho vay, chậm nhất sau thẩm định 10 ngày Quỹ HTND quản lý vốn thông báo cho đơn vị lập Hồ sơ đề nghị vay vốn biết.

- Căn cứ vào Quyết định phê duyệt dự án của Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp trên (nếu là nguồn uỷ thác) hoặc cùng cấp, trước khi tổ chức giải ngân, Trưởng ban (hoặc Giám đốc) Quỹ HTND trực tiếp cho vay phê duyệt vào 02 đơn xin vay của Người vay, 01 bản Kế toán Quỹ trực tiếp cho vay giữ, 01 bản trao lại cho Người vay.

13. Quy trình, thủ tục giải ngân

13.1. Khi nhận được thông báo về việc chấp thuận cho vay của Hội Nông dân và Quỹ HTND cấp trên, Quỹ HTND trực tiếp cho vay ký Hợp đồng uỷ nhiệm với Hội Nông dân cấp xã “Về việc thực hiện một số công việc trong quy trình cho vay vốn thực hiện dự án” theo mẫu 15/QHT.

13.2. Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho Người vay về thời gian, địa điểm giải ngân và báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương biết; đồng thời phối hợp với Quỹ trực tiếp cho vay và các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn Người vay sử dụng vốn trước khi giải ngân.

13.3. Tổ chức giải ngân cho vay:

- Căn cứ vào danh sách Người vay được phê duyệt, Quỹ HTND trực tiếp cho vay lập Hợp đồng vay vốn đối với từng Người vay (02 bản). Người vay ký, ghi rõ họ tên (hoặc điểm chỉ). Người vay giữ 01 bản, Kế toán Quỹ HTND cho vay giữ 01 bản làm chứng từ gốc.

- Thực hiện phát tiền vay đến từng Người vay theo đúng quy trình chi tiền mặt. Quỹ HTND không được uỷ nhiệm cho Chủ dự án Nhóm hộ hoặc Hội Nông dân cấp xã phát tiền vay đến Người vay.

- Người vay khi nhận tiền phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu) còn hiệu lực để đối chiếu. Trường hợp uỷ quyền cho Người khác nhận thay phải có Giấy uỷ quyền hợp pháp.

- Khi phát tiền vay, thủ quỹ phải đối chiếu chữ ký của Người vay ở tất cả các chứng từ đảm bảo sự thống nhất, không được tẩy, xoá.

- Việc vận chuyển và phát tiền vay phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.

- Kết thúc buổi giải ngân phải lập biên bản giải ngân (mẫu 10/QHT). Nếu vốn nhận uỷ thác thì đơn vị trực tiếp cho vay gửi về đơn vị uỷ thác Biên bản giải ngân kèm theo danh sách Người vay ký nhận tiền (bản dấu đỏ).

- Trường hợp vì lý do khách quan bất khả kháng mà một số Người vay (tối đa không quá 10% tổng số Người vay/dự án đã được phê duyệt) không nhận tiền vay thì Quỹ trực tiếp cho vay lựa chọn bổ sung thêm Người vay cho đủ số lượng thành viên dự án và thông báo cho đơn vị uỷ thác biết bằng văn bản kèm theo Hồ sơ vay vốn bổ sung theo quy định; quá 10% tổng số Người vay được phê duyệt không nhận tiền vay thì Quỹ trực tiếp cho vay xin ý kiến Quỹ uỷ thác bằng văn bản. Nếu không chọn được Người vay bổ sung thì đơn vị trực tiếp cho vay chuyển tra Quỹ uỷ thác phần vốn chưa được giải ngân.

14. Thu nợ gốc, thu phí tiền vay

14.1. Trước khi đến hạn trả nợ 30 ngày, Quỹ HTND trực tiếp cho vay gửi thông báo nợ đến hạn cho Hội Nông dân cấp xã, Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã có trách nhiệm thông báo đến từng Người vay để Người vay chủ động trong việc trả nợ.

14.2. Việc thu nợ gốc và phí tiền vay phải đảm bảo thu đúng, thu đủ, chính xác, kịp thời theo thời hạn thoả thuận trong Hợp đồng vay vốn.

- Đối với thu nợ gốc: Quỹ HTND cho vay tiến hành thu trực tiếp từ Người vay, không uỷ quyền cho Hội Nông dân cấp xã thu nợ gốc. Trường hợp Người vay trả nợ trước hạn, Ban Thường vụ Hội nông dân cấp xã phải báo ngay cho Quỹ HTND cho vay biết để thu tiền và tất toán khoản vay theo đúng quy định. Ngay sau khi thu nợ gốc, Quỹ HTND phải nộp tiền vào tài khoản (hoặc chuyển trả Quỹ cấp trên, nếu là nguồn uỷ thác) và kịp thời triển khai lập dự án cho vay chu kỳ mới, không để vốn tồn đọng.

- Đối với thu phí: Quỹ HTND cho vay có thể thực hiện thu phí trực tiếp từng Người vay hoặc uỷ nhiệm cho Hội Nông dân cấp xã thu theo Hợp đồng uỷ nhiệm giữa Quỹ HTND trực tiếp cho vay với Hội Nông dân cấp xã.

Trường hợp HND cấp xã thu phí: Mỗi kỳ thu phí của từng Người vay, phải ghi đầy đủ nội dung thu, số tiền thu theo quy định. Người thu và người nộp phí cùng ký vào Phụ lục Hợp đồng vay vốn (phần theo dõi cho vay – thu nợ - dư nợ); đồng thời lập 2 Bảng kê thu phí để Người vay ký (mẫu số 16/QHT): 01 Bảng kê nộp về Quỹ cấp trên, 01 Bảng kê lưu kèm theo phiếu thu phí do HND xã viết với tổng số tiền phí đã thu được của các hộ vay.

15. Chuyển nợ quá hạn (nếu có)

- Các trường hợp phải chuyển nợ quá hạn:

+ Người vay sử dụng vốn sai mục đích đã có quyết định thu hồi nhưng Người vay chưa trả nợ.

+ Đến hạn trả nợ nhưng Người vay không trả đầy đủ nợ gốc và phí và không được xem xét cho gia hạn nợ thì chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn.

- Mọi trường hợp chuyển nợ quá hạn, Quỹ HTND trực tiếp cho vay gửi thông báo chuyển nợ quá hạn cho từng Người vay (mẫu 14/QHT) và phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp tích cực thu hồi nợ.

- Sau 03 tháng kể từ ngày chuyển sang nợ quá hạn, nếu đã được đôn đốc trả nợ nhưng Người vay vẫn cố tình không trả thì Quỹ HTND xem xét đề nghị các cơ quan thi hành luật pháp giải quyết theo quy định.

16. Kiểm tra sử dụng vốn vay

16.1. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày phát tiền vay, Quỹ HTND cho vay tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay hoặc uỷ nhiệm cho Ban quản lý dự án kiểm tra việc sử dụng tiền vay của từng Người vay. Kết quả kiểm tra phải được lập thành biên bản kiểm tra (mẫu 12/QHT) và lưu hồ sơ cho vay.

16.2. Định kỳ hoặc đột xuất, Ban Thường vụ Hội Nông dân, Ban điều hành Quỹ HTND các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc Người vay sử dụng vốn, kiểm tra hiện trạng tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính của Người vay, nhằm đôn đốc, hướng dẫn Người vay thực hiện đúng và đầy đủ những cam kết đã thoả thuận trong Hợp đồng vay vốn.

16.3. Khi kiểm tra, nếu phát hiện Người vay sử dụng vốn sai mục đích hoặc có hiện tượng người khác lợi dụng để vay ké, chiếm dụng, xâm tiêu vốn thì tiến hành thu hồi vốn trước hạn.

17. Xử lý nợ bị rủi ro

17.1. Đối với người vay bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan bất khả kháng phải gia hạn nợ, giảm phí, miễn phí, khoang nợ, xoá nợ được thực hiện theo Quy định xử lý nợ bị rủi ro do Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 716/QĐ-HND ngày 24/7/2014.

17.2. Những trường hợp rủi ro do nguyên nhân chủ quan của Người vay vốn, của cán bộ Quỹ HTND, cán bộ Hội gây ra thì các đối tượng này phải bồi hoàn toàn bộ và bị xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm.

18. Lưu giữ hồ sơ

18.1. Đối với Người vay:

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn đã được Quỹ HTND cho vay phê duyệt.

- Hợp đồng vay vốn kèm phụ lục hợp đồng.

- Các loại thông báo thu nợ, thu phí, gia hạn nợ hoặc chuyển nợ quá hạn (nếu có).

- Các loại giấy tờ liên quan khác do Quỹ HTND, Hội Nông dân các cấp gửi.

18.2. Đối với Ban quản lý dự án Nhóm hộ:

- Biên bản họp các thành viên dự án vay vốn kèm theo danh sách các hộ vay.

- Sổ ghi chép các hoạt động, các kỳ sinh hoạt của dự án.

- Các giấy tờ liên quan khác.

18.3. Đối với Hội Nông dân cấp xã:

- Biên bản họp chi hội (tổ hội).

- Biên bản họp các thành viên dự án vay vốn.

- Dự án vay vốn.

- Biên bản thẩm định dự án.

- Danh sách Người vay ký nhận tiền vay.

- Hợp đồng uỷ nhiệm giữa Quỹ HTND trực tiếp cho vay với Hội Nông dân xã “Về việc thực hiện một số công việc trong quy trình cho vay vốn thực hiện dự án”.

- Biên bản kiểm tra Người vay sử dụng vốn.

- Các loại giấy tờ do Hội Nông dân, Quỹ HTND cấp trên gửi.

- Sổ ghi chép, theo dõi các hoạt động của dự án.

- Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự án theo định kỳ.

- Các loại giấy tờ liên quan khác.

18.4. Đối với Quỹ HTND các cấp:

- Biên bản họp các hộ tham gia dự án vay vốn.

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn của Người vay đã được phê duyệt.

- Dự án vay vốn, kèm danh sách người đề nghị vay vốn.

- Biên bản thẩm định dự án kèm danh sách các hộ đã được thẩm định đủ điều kiện vay vốn.

- Quyết định phê duyệt cho vay của Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp trên hoặc cùng cấp.

- Danh sách Người vay được phê duyệt cho vay.

- Các Hợp đồng uỷ thác, uỷ nhiệm cho vay.

- Các loại Biên bản kiểm tra.

- Các loại Quyết định, thông báo cho vay, thu nợ, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro…

- Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự án.

- Các giấy tờ liên quan khác.

Bộ hồ sơ cho vay phải được lưu giữ tại bộ phận kế toán Quỹ HTND trực tiếp cho vay, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Người được giao bảo quản hồ sơ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để mất, thất lạc hoặc sửa chữa nội dung của hồ sơ.

19. Tổ chức thực hiện

Văn bản này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 01/3/2015 thay thế văn bản số 45/HD-QHT ngày 16/11/2011 hướng dẫn nghiệp vụ cho vay Quỹ HTND.

Các Hợp đồng vay vốn đã ký trước ngày văn bản này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục thực hiện theo nội dung Hợp đồng đã ký cho đến hết thời hạn hiệu lực của Hợp đồng.

Nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương thực hiện cho vay đối với đối tượng vay là Nhóm hộ.

Quỹ HTND cấp tỉnh, huyện căn cứ Hướng dẫn này để triển khai cho vay nguồn vốn của cấp mình cho phù hợp.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương để xem xét, bổ sung, điều chỉnh.

 

Nơi nhận:

- Thường trực TW Hội (b/c);

- Ban Kiểm soát Quỹ TW;

- Hội Nông dân các tỉnh, thành phố;

- Các Phòng thuộc Quỹ HTND TW;

- Lưu QHT.

TRƯỞNG BAN

 

 

 

(Đã ký)

 

 

 

Nguyễn Xuân Thắng