Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khảo sát hỗ trợ mô hình kinh tế cho nông dân huyện Bác Ái

Trong các ngày từ 03-06/8/2020 Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng các đồng chí Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đồng chí Phan Thị Phượng, Trưởng Ban Kinh tế-Xã hội, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Bác Ái đã tiến hành khảo sát mô hình để đưa giống măng tre từ miền núi phía Bắc về trồng tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

              Trong các ngày từ 03-06/8/2020 Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hội NDVN làm trưởng đoàn;  cùng làm việc có các đồng chí Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đồng chí Phan Thị Phượng, Trưởng Ban Kinh tế-Xã hội, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Bác Ái đã tiến hành khảo sát đưa giống măng tre từ miền núi phía Bắc về trồng tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, thực hiện theo Kế hoạch số 208-KH/HNDTW, ngày 16/7/2020 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc khảo sát đưa giống măng tre từ miền núi phía Bắc về trồng tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

 

Đây là việc triển khai mô hình dự án lồng ghép với mô hình dự án chăn nuôi heo đen Lũng Pù của tỉnh Hà Giang lai với giống heo đen bản địa được triển khai tháng 6 năm 2019 và gắn với xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của tỉnh, của huyện làm việc tại 03 xã Phước Đại, xã Phước Bình, xã Phước Thành và có buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Bác Ái, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân, các điều tra viên, mỗi xã 30 hộ đăng ký trồng tre lấy măng của 03 xã.

 

Đoàn đã tổ chức tọa đàm, trao đổi tại các xã, nhằm đánh giá kết quả khảo sát trực tiếp từ các hộ gia đình và ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân xã Phước Đại, Phước Bình, Phước Thành, đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Phước Đại, xã Phước Bình, xã Phước Thành. Mục tiêu của trồng tre phía Bắc lấy măng; phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sói mòn, lỡ đất ven sông suối, cho sản phẩm mới thân tre làm vật liệu xây dựng thô sơ, măng tre phía Bắc làm thực phẩm.

Qua các ngày làm việc tại huyện Bác Ái, đoàn khảo sát đánh giá rất cao về công tác chuẩn bị, ý kiến tọa đàm, trao đổi đồng tình của lãnh đạo địa phương, các hộ dân về thực hiện mô hình trồng tre phía Bắc, sự thích nghi với điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, nông hóa, đất đai phù hợp để báo cáo Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sớm thực hiện mô hình trong thời gian tới.

Kết luận của đoàn công tác khảo sát là thống nhất đầu tư thực hiện mô hình trồng tre phía Bắc lấy măng tại huyện Bác Ái; trong đó xã Phước Đại được chọn trồng tập trung; còn xã Phước Thành, Phước Bình trồng thí điểm. Lãnh đạo địa phương, Hội cơ sở và các hộ đăng ký mong muốn mô hình sớm triển khai, thực hiện, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực có sản phẩm thân tre, măng tre làm thực phẩm cung cấp cho gia đình, xã hội, vừa lấy măng để bán tăng thêm nguồn thu nhập cho hội viên nông dân./.