Phong trào thi đua SXKD giỏi - động lực giúp nông dân phát triển kinh tế

Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, ông Võ Hồng Tâm (ảnh) ở thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh (Thuận Nam) là nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi qua các giai đoạn.

            Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, ông Võ Hồng Tâm (ảnh) ở thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh (Thuận Nam) là nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi qua các giai đoạn. Ông Tâm, không những chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà còn thực hiện tốt mô hình trồng thâm canh theo hướng VietGAP trên cây mãng cầu ta mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đã từng làm việc tại Nông trường Bông Quán Thẻ, Ông tâm sự sau khi nông trường giải thể, công việc kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, ông về canh tác một số loại cây trồng trên diện tích vài hécta của gia đình, để trồng lúa, ớt, cà, tỏi, dưa, bắp, đậu... Lúc bấy giờ, do thổ nhưỡng, thời tiết, không thích hợp, thiếu nước tưới, không đủ kinh phí thuê cơ giới hóa vào sản xuất nên mọi việc phải “tự lực cánh sinh”. Năm 1999, Ông đã bỏ công sức để cải tạo, san ủi mặt bằng đất, đá trên đồi cao so với đồng muối Quán Thẻ để ngăn nhiễm mặn, còn đối với các khâu làm đất, trồng, tưới tiêu cho cây trồng cũng bằng sức lực của mình nên mất nhiều thời gian, hiệu quả mang lại không cao.

Trước tình hình đó, Ông không nản chí mà thường xuyên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, cùng với sự định hướng, tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể tại địa phương. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung tâm sức tìm hiểu phương pháp, kỹ thuật, tiến hành đầu tư trồng cây mãng cầu ta. Từ vài sào trồng thử nghiệm cho thu nhập cao, Ông chuyển sang trồng “phủ xanh” toàn bộ diện tích hơn 4 ha, mãng cầu ta với số lượng gần 10 ngàn cây. Năm 2012, Ông lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phun tầm cao để tưới tiêu đồng bộ, tiết kiệm thời gian đáng kể; đồng thời, đưa cơ giới hóa vào các quy trình sản xuất, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm nên đã tiết kiệm chi phí sản xuất, Ông còn làm tốt khâu chọn giống, tỉa cành, tỉa trái, sử dụng phân sinh học cho cây mãng cầu ta một cách khoa học, kết hợp với với việc thụ phấn nhân tạo, cho nên sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.  Áp dụng biện pháp tưới luân phiên mỗi đợt cắt cành khoảng 5 sào nên vườn mãng cầu của gia đình Ông cho thu hoạch 10 tháng/năm. Ông, ngừng cắt cành, tuốt lá vào tháng 2- 3 để “né” thị trường trái cây rộ vào tháng 6- 7 hàng năm. Nhờ đó, vườn mãng cầu của gia đình Ông luôn bán được giá cao, vào thời điểm cuối tháng 6/2021, thương lái đến tận vườn thu mua mãng cầu loại 1 (4- 5 trái/kg) với giá 30.000đ/kg.

Ngoài việc cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, Ông cùng với gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình, đóng góp tích cực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương; làm tốt các công tác xã hội, giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động, có thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng; phát huy tinh thần đoàn kết, nhiệt tình ủng hộ trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân xã và địa phương phát động; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây mãng cầu ta cho nông dân địa phương. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo khoa học do các ngành, các cấp tổ chức để tiếp thu kỹ thuật, tìm hướng đi phù hợp nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm chất lượng cao. Cây mãng cầu của Ông đã phủ xanh vùng núi đá khô hạn tại thôn Quán thẻ 2 và giúp Ông làm giàu trên vùng đất khó này. Với những thành quả đạt được, trong dịp tổng kết Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, Ông được nêu gương nông dân vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng núi đá khô hạn và được tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân Ninh Thuận đoàn kết giúp nhau sản xuất, kinh doanh giỏi; làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Có thể nói, Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã có tác động mạnh mẽ, rộng khắp đến mọi mặt đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của các hộ nông dân trong toàn tỉnh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Qua phong trào, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vượt khó vươn lên của nông dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, khí hậu để phát triển kinh tế.

          Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước thực hiện phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của tỉnh và phát huy tốt vai trò trung tâm, nòng cốt của Hộitinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, các phong trào nông dân, vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.