Nuôi cá chình trong bể xi măng hướng làm giàu mới của nông dân Ninh Thuận

Anh Trương Ngọc Triều, ở thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước là một trong những người khởi nghiệp bằng cách mạnh dạn đầu tư nuôi chình thương phẩm trong bể xi măng.

           Anh Trương Ngọc Triều, ở thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước là một trong những người khởi nghiệp bằng cách mạnh dạn đầu tư nuôi chình thương phẩm trong bể xi măng, từ đó mở ra hướng làm giàu mới cho người dân huyện Ninh Phước.

Anh Triều cho biết, trước đây anh làm nhiều công việc nhưng kinh tế vẫn chưa đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, nên anh suy nghĩ phải tìm mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. 

Vào cuối năm 2019, sau nhiều năm tìm hiểu cách nuôi, nghiên cứu các trang trại đã nuôi thành công, cũng như xem thêm thông tin trên mạng, trên sách báo, anh nhận thấy nuôi cá chình nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi nguồn thức ăn của cá chình ở quê nhà cũng rất dễ kiếm, anh đi đến quyết định đầu tư vào con cá chình.

Khu vực nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng của anh Trương Ngọc Triều được xây dựng trên diện tích gần 50 m2, gồm: 4 bể nuôi với tổng kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại và mua cá chình giống bước đầu khoảng 100 triệu.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng của con cá chình nên các bể nuôi chình phát triển rất tốt. Chỉ sau gần 3 năm chình đạt kích cỡ 2,0-2,5kg/con. 

Anh Triều cho biết với giá bán cá chình ở mức cao và ổn định như hiện nay từ 500.000đ/kg-550.000 đồng/kg. Ước tính ban đầu, anh sẽ thu lợi nhuận từ nuôi chình rơi vào khoảng 150-180 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí khấu hao cơ sở, thức ăn và những thứ khác anh Triều sẽ lãi hơn 50 triệu.

Theo kế hoạch, sắp tới anh sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi chình thêm khoảng 100 m2 trên mảnh đất nơi anh ở.

Anh Triều chia sẻ, bên trong tường của bể nuôi chình anh làm láng nhẵn bằng xi măng, đáy bể cũng tráng xi măng.

Bên trên bể nuôi được thiết kế mái che lưới chống nắng. Nhằm đảm bảo các yếu tố trong môi trường bể nuôi luôn ổn định, anh bổ sung vòi sục khí cách khoảng 2 m/vòi đảm bảo đủ lượng oxy hòa tan để cá chình phát triển tốt, nhanh lớn. 

Sàn ăn có kích thước 60x80cm, bỏ ống nhựa, balet vào bên trong bể để làm chỗ trú ẩn cho cá chình.

Cá chình là loài ăn tạp, nguồn thức ăn tự nhiên của cá chình là tôm, cá con, cá diếc, cá rô phi, cá mè loại nhỏ, ốc, giun, cá tạp, tôm, tép và động vật ở đáy và các vi sinh vật thủy sinh khi còn nhỏ; trong đó, thức ăn chính của chúng là động vật phù du và trùn. 

Anh Triển cho biết thêm, hiện nay anh đang nuôi chình lấy giống bắt từ thiên nhiên nên con giống nhỏ hơn đầu đũa, thời gian nuôi để được 2-2,5kg/con phải mất gần 3 năm.

Ông Đặng Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước cho biết: “Nuôi cá chình trong bể xi măng là mô hình mới ở huyện Ninh Phước và đang tiến tới thu hoạch sau gần 3 năm nuôi thử nghiệm. Kết quả ban đầu cho thấy, cá chình cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Việc nuôi cá chình chiếm một diện tích tương đối nhỏ so với việc nuôi cá lồng bè hay cá nước ngọt, đảm bảo cho bà con nông dân có thể tự nuôi trong gia đình, tận dụng được lao động nông nhàn. So với loài cá khác thì cá chình có giá trị kinh tế cao, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế tốt hơn”.