Nông dân phường Bảo An thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây Lúa vụ Hè Thu năm 2022

Trong quá trình sản xuất Nông Nghiệp, người Nông dân thường gặp rất nhiều khó khăn, một trong số đó là sự phá hại mùa màng của các sinh vật gây hại như côn trùng, bệnh lạ, cỏ dại, ốc bưu vàng, chuột.

            Trong quá trình sản xuất Nông Nghiệp, người Nông dân thường gặp rất nhiều khó khăn, một trong số đó là sự phá hại mùa màng của các sinh vật gây hại như côn trùng, bệnh lạ, cỏ dại, ốc bưu vàng, chuột. Do vậy, để bảo vệ cây trồng đảm bảo năng suất chất lượng, ổn định sản xuất thì việc phòng trừ sinh vật gây hại là việc làm hết sức thiết yếu đối với người Nông dân. Hiện nay, có rất nhiều biện pháp đã được áp dụng để bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của sinh vật gây hại, trong đó sử dụng thuốc hóa học là biện pháp được Nông dân ưu tiên lựa chọn. Mặc dù biện pháp hóa học hiệu quả cao trong phòng trừ nhiều loại dịch hại nhưng nó cũng có những mặt tiêu cực, đó là gây ô nhiễm môi trường, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, tiêu diệt thiên địch, gây mất cân bằng sinh thái, hiện tượng kháng thuốc và tái bùng phát mạnh hơn của các loài dịch hại.

Chính vì thế, Hội Nông dân phường Bảo An đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận triển khai thí điểm mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây Lúa vụ Hè Thu năm 2022 với diện tích 1,0 ha của 02 hộ nông dân và mô hình có 30 học viên là nông dân tham gia lớp huấn luyện (FFS) về Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) từ ngày 17/6/2022 đến 18/9/2022, vừa lý thuyết tại hội trường và thực hành tại đồng ruộng. Qua mô hình nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường sản xuất, tiến tới nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững thì việc áp dụng kỹ thuật IPM trên cây lúa có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, qua đó đã hiện thực hóa Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 27/01/2022.

Với mục tiêu từng bước thay đổi tập quán canh tác của Nông dân, giúp Nông dân vững tin và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật IPM trên cây Lúa. Mô hình trình diễn “Quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa” được thực hiện tại đồng ruộng phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm nhằm hướng dẫn Nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật IPM trong sản xuất Lúa, giảm thiểu mối nguy hại về hóa chất, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

Qua mô hình trình diễn IPM trên cây Lúa vụ Hè Thu năm 2022 đã thực hiện đạt được kết quả như sau: Thứ nhất là giảm lượng giống gieo 130 kg/ha/vụ (IPM: 120 kg/ha/vụ; 250 kg/ha/vụ); Thứ hai là giảm chí phí đầu tư mua phân bón 2,2 triệu đồng/ha/vụ; Thứ ba là giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật 600.000 đồng/ha/vụ nhưng năng suất đã đạt 80 tạ/ha/vụ (so với sản xuất theo tập quán của người dân 65 tạ/ha/vụ) và đã giúp người dân tăng thu nhập khi tham gia mô hình IPM với 9.340.000 đồng/ha/vụ. Việc ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã giúp Nông dân hạn chế sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng chất lượng nông sản, dần dần hình thành nên nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Mô hình trình diễn cũng đạt được những kết quả tích cực ban đầu, giúp tăng năng suất Lúa, hiệu quả kinh tế cao, được các hộ Nông dân tham gia đánh giá cao và tiếp tục thực hiện ở các vụ tiếp theo.

Việc triển khai mô hình song song với triển khai lớp huấn luyện Nông dân IPM đã có sức lan tỏa lớn, Nông dân tham gia học tập có điều kiện thực hành và quan sát mô hình thực tế, giúp người dân nắm vững được các kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất.