ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân yêu nước và có truyền thống cách mạng ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn xưa (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

 

 

 ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

 

 

 

 

 

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022),

lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

(Ban hành kèm theo Hướng dẫn số 68 - HD/BTGTW ngày 14 tháng 9 năm 2022

của Ban Tuyên giáo Trung ương)

-----

 

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN NGÂN

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân yêu nước và có truyền thống cách mạng ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn xưa (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Thời niên thiếu, Võ Văn Ngân đã rất ham học hỏi và có tinh thần tự lực vươn lên. Ngay từ nhỏ, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đồng bảo sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược ; chịu ảnh hưởng từ truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, đặc biệt là người anh trai Võ Văn Tần, nên Võ Văn Ngân sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân sâu sắc.

Những năm 20 của thế kỷ XX, người thanh niên Võ Văn Ngân lên Sài Gòn gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng), rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Năm 1929, đồng chí Võ Văn Ngân tham gia thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Ngân là đảng viên Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn, lập vào ngày 6/3/1930 tại làng Đức Hòa.

Tháng 5/1930, khi quận ủy Đức Hòa thành lập, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Quận ủy (do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư). Ngày 04/6/1930, Đồng chí củng quận ủy Đức Hòa thực hiện chỉ đạo của liên tỉnh ủy phối hợp lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ diễn ra tại quận lỵ Đức Hòa. Sau cuộc biểu tỉnh trên, đêm 22/9/1930, nhà cầm quyền Pháp điên cuồng ra lệnh truy lùng những người cộng sản, đồng chí Võ Văn Ngân phải lánh sang Hóc Môn - Gia Định để tiếp tục hoạt động.

Cuối năm 1931, nhiều đồng chí Tỉnh ủy Gia Định bị địch bắt, đồng chí Võ Văn Ngân cùng anh trai Võ Văn Tần ra sức khôi phục lại các cơ sở Đảng và cùng với các đồng chí khác lần lượt lập lại quận ủy Gò Vấp, Hóc Môn, tái lập Tỉnh ủy Gia Định; được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần, góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở Đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ thoái trào 1931-1933.

Đầu năm 1933, đồng chí Võ Văn Ngân vừa là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vừa là thành viên của Đặc ủy Vàm Cỏ Đông; đầu tháng 3/1935, được tổ chức Đảng tín nhiệm bổ sung vào Xứ ủy, trực tiếp về phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất.

Tháng 3/1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất hợp ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Võ Văn Ngân được bầu là một trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc, đồng chí Võ Văn Ngân trở về Nam kỳ hoạt động trong hoàn cảnh 8 ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa lưới mật thám, Xứ ủy lại bị vỡ, Võ Văn Ngân cùng các đồng chí khác kiên trì khôi phục lại Xứ ủy và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy.

Năm 1936, tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư, hàng trăm ủy ban hành động ra đời Đảng đưa người ra công khai ứng cử vào Hội đồng Quản hạt thành phố, Đồng chí trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 3/1937, sau Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân chuyển bệnh nặng, Trung ương Đảng quyết định để Đồng chí nghỉ dưỡng bệnh lâu dài và chỉ định đồng chí Võ Văn Tần thay làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bổ sung vào Trung ương Đảng.

Năm 1938, đồng chí Võ Văn Ngân được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng, Đồng chí từ trần vào ngày 29/10/1938, khi mới 36 tuổi[1].

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN NGÂN ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC

1. Đồng chí Võ Văn Ngân – từ người thanh niên yêu nước trở thành một đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng

Vào nửa cuối những năm 20 của thế kỷ XX, qua tuyên truyền của Võ Văn Tần về phong nước theo lập trường vô sản với những bước phát triển quan trọng, đã tác động ảnh hưởng tích cực và là một trong yếu tố quyết định đến tư tưởng , định hướng đi theo con đường cách mạng của Võ Văn Ngân.

Trong không khí sôi nổi của phong trào yêu nước ở Đức Hòa, Sài Gòn, Chợ Lớn, cuối năm 1926, được sự tuyên truyền vận động, giúp đỡ của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn, Chợ Lớn vừa thành lập, Võ Văn Ngân đã dứt khoát lựa chọn và quyết định chuyển sang lập trường yêu nước theo xu hướng mới và chính thức gia nhập tổ chức này, trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ nói chung và tỉnh Chợ Lớn nói riêng. Tham gia tổ chức này, Võ Văn Ngân đã chuyển biến từ lập trường yêu nước sang lập trường cách mạng vô sản, là một trong số hội viên cốt cán ở quận Đức Hoà, thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Võ Văn Ngân đã đi tuyên truyền về tôn chỉ mục đích của Hội, vận động quần chúng, nhất là thanh niên tham gia Hội, phát triển tổ chức Hội Thanh niên trong quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn.

Vào đầu năm 1927, Võ Văn Ngân từ Sài Gòn trở về Đức Hòa để hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng theo đường hướng của Hội Thanh niên. Trên địa bàn quận Đức Hòa, Võ Văn Ngân đã tích cực tuyên truyền mục tiêu, lý tưởng của Hội Thanh niên, từng bước vận động quần chúng tham gia tổ chức Thanh niên, phát triển hội viên, thanh thế và lực lượng của tổ chức Thanh niên. Do có uy tín trong làng và địa bàn hoạt động rộng, Võ Văn Ngân đã tuyên truyền, vận động được nhiều hội viên; lựa chọn những người hăng hái tích cực trong nông dân, chú trọng nhất là thanh niên, giáo dục nâng cao lòng yêu nước và ý thức giai cấp , động viên khích lệ họ tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Bằng sự nỗ lực, uy tín cùng với những hoạt động tích cực, Võ Văn Ngân đã sớm xây dựng được các chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh. Đây chính là những tổ chức đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở quận Đức Hòa, cũng như của tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Tân An lúc bấy giờ.

Những hoạt động tích cực của Võ Văn Ngân đã góp phần nhanh chóng mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không chỉ ở Đức Hòa, mà đã lan rộng cả vùng nông thôn rộng lớn của Sài Gòn, Chợ Lớn.

Sự kiện gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và hoạt động tích cực trong tổ chức Thanh niên, phát triển tổ chức ở tỉnh Chợ Lớn là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về bản lĩnh chính trị, khả năng vận động, tổ chức và phẩm chất , năng lực hoạt động của Võ Văn Ngân.

Ngay sau khi An Nam Cộng sản Đảng ra đời, Võ Văn Ngân đã nhanh chóng trở thành thành viên của tổ chức này; là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa (Chi bộ gồm 7 hội viên do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư). Đây là Chi bộ cộng sản ra đời sớm nhất ở Đức Hòa, vào cuối năm 1929; sau khi thành lập, các thành viên của Chi bộ đã chú trọng công tác phát triển hội viên, xây dựng cơ sở.

Ngày 6/3/1930, cuộc họp bí mật của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng diễn ra với sự tham gia của các đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Sậy, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thỏ tại làng Đức Hòa, quyết định chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở quận Đức Hoà và tỉnh Chợ Lớn.

Sự ra đời từ rất sớm của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đức Hòa đã phản ánh tình thế vận động cách mạng sôi nổi, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Ngân, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Người cán bộ tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực dân Pháp dùng mọi kế sách, thủ đoạn khủng bố thâm độc hòng tiêu diệt các tổ chức cộng sản, tiêu diệt lớp đảng viên đầu tiên của Đảng; mưu toan mau chóng dập tắt các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân ta. Phong trào cách mạng và tinh thần đấu tranh của Nhân dân bị kẻ thù đàn áp, hệ thống Đảng bị tan rã trong cả nước, phong trào cách mạng cả nước nhìn chung lâm vào thoái trào, đồng chí Võ Văn Ngân trên các cương vị lãnh đạo, với sự nỗ lực vượt bậc, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để bền bỉ vận động quần chúng cách mạng giữ vững niềm tin, kiên trì giác ngộ những người yêu nước tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng để xây dựng, phát triển Đảng, tăng cường đội ngũ cho Đảng, Đồng chí đã thành công trong việc góp phần hồi sinh, củng cố và phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Gia Định và Chợ Lớn, đóng góp to lớn vào việc khôi phục tổ chức và mở rộng các hoạt động của Đảng ở Nam bộ trong những năm từ 1930 đến 1938.

- Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định:

Năm 1931, nhiều đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Định sa vào tay địch, để tiếp tục duy trì phong trào, đồng chí Võ Văn Ngân đã tìm mọi cách móc nối, khôi phục lại các cơ sở đã bị phá vỡ, tổ chức tái lập lại tỉnh Gia Định; giữa năm 1931 , Đồng chỉ được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, Đảng bộ tỉnh Gia Định đã giương cao ngọn cờ chống khủng bố, áp bức bóc lột của đế quốc thực dân; ủng hộ, bênh vực những người lao động cần lao; xây dựng phát triển cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng ở các địa phương, đặc biệt ở xã Bà Điểm, tổ chức Nông hội đỏ được củng cố, phát triển khắp khu vực Mười Tám thôn Vườn Trầu...; các đảng viên dựa vào mối quan hệ dòng họ, gia đình để tuyên truyền giới thiệu quần chúng với chi bộ xem xét kết nạp nhằm tăng thêm số lượng đảng viên cho Đảng.

- Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn:

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Ngân đã khôi phục xây dựng cơ sở đảng ở những nơi bị dịch phá vỡ. Hệ thống tổ chức đảng gây dựng từ cấp xã đến tỉnh; cán bộ, đảng viên liên tục bị địch khủng bố gây nhiều tổn thất nặng nề cho phong trào cách mạng. Tính đến cuối năm 1932 ở Nam Kỳ, hầu hết các địa phương không còn tổ chức đảng, riêng chỉ có ở Đức Hòa, Cảng Long, Long Xuyên... là còn duy trì hoạt động tổ chức cơ sở đảng. Trong tình hình đó đồng chí Võ Văn Ngân đã chắp nối, từng bước gây dựng phong trào và cơ sở cách mạng.

Cùng với những hoạt động khôi phục, củng cố tổ chức Đảng, đẩy mạnh các phong trào quần chúng trong đấu tranh chính trị, bám sát chủ trương của Đảng là tranh thủ những điều kiện để hoạt động công khai, đồng chí Võ Văn Ngân đã chỉ đạo hoạt động đưa cán bộ, đảng viên tham gia tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn năm 1933 cùng Đảng Lập hiến và một số đảng phái khác. Theo đó, kết quả ngày 30/4/1933, ứng cử viên công nhân đã giành thắng lợi, một số người được vào Hội đồng thành phố, thuận lợi trong việc bênh vực người lao động, vạch mặt bọn lừa bịp của chính sách thực dân.

Nhờ sự hoạt động tích cực và có hiệu quả của Tỉnh ủy Chợ Lớn do đồng chí Võ Văn Ngân đứng đầu, phong trào cách mạng ở Chợ Lớn cuối năm 1934, đầu năm 1935 được khôi phục và có chiều hướng phát triển. Hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh xuống cơ sở được gây dựng và củng cố. Lực lượng cách mạng gồm nhiều giai cấp, giai tầng của đô thị đã nhanh chóng phát triển cả số lượng và chất lượng; đặc biệt đồng chí Võ Văn Ngân cũng đã rất chú trọng đến công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, kinh nghiệm đấu tranh trên các diễn đàn báo chí; trong đó có tờ báo Búa Liềm ở Chợ Lớn đã góp phần quan trọng vào tuyên truyền đấu tranh của Đảng bộ.

Tài năng, tầm vóc và những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân được thể hiện rõ ở trong việc tổ chức thành công Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (tháng 3/1935) và những đóng góp cho sự chuyển hướng chiến lược cách mạng đúng đắn của Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) năm 1937-1938, với tư cách là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

- Trên cương vị vai trò Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa I, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, từng bước xây dựng kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ (1935–1936)

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư đã chỉ đạo các tổ chức Đảng, theo sát tình hình và thường xuyên làm công tác vận động, lôi cuốn quần chúng tham gia cuộc vận động dân chủ, tham gia ủy ban hành động; cùng với phong trào Đông Dương Đại hội, phong trào đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân đòi các quyền dân sinh, dân chủ đã được đẩy mạnh và diễn ra trên hầu hết các tỉnh Nam Kỳ, đặc biệt là ở khu vực thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Ngân luôn chú trọng xây dựng các tổ chức Hội, nhất là tổ chức Công hội; xây dựng tổ chức Đảng trong các cơ sở công nghiệp như Ba Son Sài Gòn, đồn điền cao su, xe lửa; chú trọng công tác tuyên truyền trong các phong trào công nhân. Do đó phong trào công nhân Nam Kỳ có sự chuyển biến rõ rệt từ tự phát sang tự giác.

Trên cương vị Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân đã bắt tay vào công tác với tinh thần khí thế mới của Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Thời kỳ này ở Nam Kỳ, địch vẫn ráo riết lùng sục, một số Xứ ủy viên, thành ủy viên tiếp tục bị bắt, đồng chí Võ Văn Ngân phải tạm thời cho dời trụ sở Xứ ủy ở thành phố Sài Gòn về Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định), nơi cơ sở đã được xây dựng từ lâu, có quần chúng cách mạng vững vàng để công tác bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng được thuận lợi và chu đáo.

Chỉ trong hai năm 1934-1935, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, trên cương vị là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I, Bí thư Xứ ủy, phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động đã có sự phát triển mạnh hơn thời kỳ trước, tiêu biểu là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Từ một đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở làng Đức Hòa và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (4/1931) rồi Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (4/1932); được Đảng cử đi dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3/1935); được bầu trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3/1935) và trở về phụ trách Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (3/1935). Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) họp từ ngày 25/8 đến ngày 04/9/1937, đồng chí Võ Văn Ngân là một trong 5 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Hội nghị tháng 3/1938, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu Ban Chấp ủy Trung ương, cho thấy vai trò, cống hiến xuất sắc của Đồng chí ở phương diện xây dựng, chỉ đạo lý luận và thực tiễn.

Cả cuộc đời hoạt động và cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp của Đảng vì mục tiêu độc lập dân tộc, đồng chí Võ Văn Ngân luôn thực hiện đúng đường lối của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kết hợp với phát huy tinh thần cách mạng của quần chúng Nhân dân. Đồng chí Võ Văn Ngân luôn tích cực tham gia và chỉ đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng ngay trên quê hương mình và mở rộng địa bàn, tạo điều kiện cho các đảng viên hoạt động, xây dựng và phát triển tổ chức; thu hút những quần chúng ưu tú vào Đảng, tự nguyện chiến đấu trong hàng ngũ của Đảng, làm cho lực lượng của Đảng không ngừng lớn mạnh.

Qua thực tiễn lãnh đạo các phong trào cách mạng, đặc biệt là trên cương vị người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp, đồng chí Võ Văn Ngân không chỉ là một trong những người tiên phong góp phần khôi phục, củng cố tổ chức của Đảng, mà còn là người lãnh đạo tài năng, luôn nỗ lực đặc biệt trong tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ đặt ra của cách mạng trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào.

3. Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Hoạt động cách mạng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn với sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, đồng chí Võ Văn Ngân luôn thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời, ở bất kỳ cương vị nào Đồng chí “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỉ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng” , luôn “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cả nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”[2]; Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Ngân đã có những cống hiến rất to lớn cho Đảng và cách mạng nước ta, để lại tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

***

 

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022) là dịp để chúng ta khẳng định, tri ân công lao to lớn, noi theo tấm gương kiên trung, phấn đấu, hy sinh của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh sự đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng của cách mạng Việt Nam.

Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những công hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân, chúng ta nguyện noi gương Đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG