Trồng rong sụn ở Sơn Hải

Ninh Thuận có nghề trồng rong sụn phát triển khá sớm, trong đó có làng biển Sơn Hải bắt đầu trồng rong từ những năm 1995 đến 2001 với diện tích 15 ha ngay trong Đầm Sơn Hải. Tuy nhiên do Đầm ngày càng bị bồi lắng cạn dần do các hoạt động đào ao nuôi tôm, xả nước thải trực tiếp vào Đầm ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của rong sụn. Do vậy, năm 2002, 50 hộ trồng rong Sơn Hải đã đưa rong sụn ra trồng ở vùng nước sâu ven biển và từ đó, diện tích, số hộ trồng rong không ngừng tăng lên cho đên nay.

Điều kiện tự nhiên ở vùng biển này rất thuận lợi cho rong phát triển như có dòng hải lưu gần bờ lưu chuyển nguồn dinh dưỡng trong nước biển đến nuôi rong, nước sạch, độ mặn ổn định, nền đáy cát, cát bùn và rạn san hô chết,...

Qua nhiều năm trồng rong sụn đã hình thành mùa vụ rất hợp lý. Mùa vụ trồng chính vào tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2012, trong đợt xuống giống đầu tiên với 80 tấn rong giống, sau một tháng trồng tốc độ phát triển của rong không đạt như dự kiến. Nguyên nhân ban đầu được xác định do nhiệt độ nước còn cao, gió mùa tây nam chưa thông thoáng, dòng nước di chuyển kém, hàm lượng các muối dinh dưỡng trong nước thấp làm cho tốc độ phát triển của rong chậm. Đến đầu tháng 5, lại xuất hiện cá Giò (cá Kình) con từng đàn tập trung đến ăn rong sụn giống. Tuy nhiên đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, cá giảm, thời tiết tốt, rong sụn phục hồi và phát triển khá. Trong lần thả thứ hai vào đầu tháng 6 đã có hơn 130 hộ bổ sung thêm 50 tấn giống nữa. Như vậy, trong năm nay, diện tích trồng rong ở Sơn Hải tăng lên hơn 100 ha.

Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, lập dự án cho 25 hộ trồng rong được vay vốn 20 triệu đồng/hộ với lãi suất thấp (0,5%/tháng) đã tạo điều kiện cho nhiều hộ trồng rong mạnh dạn đầu tư mua thêm giống. Theo kế hoạch, ngày 3 tháng 7 sắp đến, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tổ chức tập huấn “Kỹ thuật trồng rong sụn trên biển và phơi rong trên dàn cải tiến”.

Dự kiến từ đây cho đến khi thu hoạch, nếu thời tiết không có biến động lớn thì lượng rong tươi sẽ tăng trưởng lên 10 đến 15 lần so với lượng giống thả ban đầu. Sản lượng rong khô thu được có thể đạt đến 150 - 200 tấn khô (tỉ lệ tươi/khô là 8/1).