Nhằm hưởng ứng tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình và ngày gia đình Việt Nam; góp phần giảm thiểu nguy cơ bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 18/6 đến ngày 20/6 năm 2018, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Dân số, gia đình và Trẻ em của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các hoạt động truyền thông về công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình cho gần 1.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn 6 huyện của tỉnh; báo cáo bài là Bác sĩ Trần Thị Nhung.
Là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nông dân Việt Nam - một lực lượng đông đảo, chiếm gần 70% dân số cả nước, với mục đích giúp cho các hội viên, nông dân hiểu được các hành vi bạo lực gia đình và thực trạng bạo lực gia đình ở địa phương đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong Đề án “Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020”, tại quyết định số 235/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 2015; Hội Nông dân Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân, nam nông dân nâng cao trình độ, nhận thức về mọi mặt từng bước đáp ứng với vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình; đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân hãy cùng cam kết chung tay hành động phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam;
Đây là năm thứ 3, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông này, nhằm giúp cho người dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng, nhất là nam giới nhận thức được 12 giá trị sống, đó là: Bình an có được khi chúng ta có tư tưởng, tình cảm và ước muốn trong sáng, vừa sức; Biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác; Tôn trọng giá trị và quyền của người khác là cách để chúng ta nhận được sự tôn trọng của người khác; Biết quan tâm và thông cảm với người khác; Yêu thương giúp nhìn nhận người khác tích cực hơn; Biết trân trọng những giá trị ở người khác và nhìn thấy những điều tích cực trong mọi tình huống; Trung thực với bản thân và với mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào sẽ làm cho cuộc sống trở nên toàn vẹn hơn; Không gây ấn tượng, lấn át hoặc hạn chế tự do của người khác nhằm chứng tỏ bản thân mình; Khiêm tốn giúp chúng ta trở nên tuyệt vời hơn trong trái tim người khác; Biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác; Giữ tâm hồn bình yên và giàu tình yêu thương; luôn mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người; Trách nhiệm với bản thân và với người khác, luôn tạo ra sự công bằng và chia sẻ để mọi người đều có phần của mình; Biết trân trọng những điều nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống; Giảm thiểu những chi tiêu không cần thiết, không phô trương, không lãng phí; Thực hiện các quyền của mình nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác; Làm những việc mình thích nhưng không ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng; Làm việc với lương tâm và trách nhiệm; Hợp tác, nhiệt tình và làm cho bầu không khí gia đình và nơi làm việc trở nên ấm áp; Thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe, góp ý có tính chất xây dựng với người khác, kể cả các thành viên gia đình.
Nam giới có vai trò rất quan trọng, chỉ riêng phụ nữ thì không thể chấm dứt bạo lực gia đình, đồng thời cần có sự chung tay cùng hành động của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức và của toàn xã hội. Đây là tiền đề để mỗi cấp Hội phải vào cuộc một cách đồng bộ và cụ thể theo từng thời gian để cùng chung cả nước đưa Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào cuộc sống.