Nhằm kế thừa các hoạt động giới thiệu, thông tin truyên truyền về canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” tại tỉnh Ninh Thuận và triển khai chủ trương, chương trình của tỉnh, các sở ngành về tiếp tục đưa các giống lúa mới, chất lượng cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương vào sản xuất, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, kỹ thuật canh tác theo phương pháp “1 phải 5 giảm” để tăng năng suất và chất lượng cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ngày 12/4/2023, tại Trại sản xuất lúa An Xuân (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải), Ban Quản lý Dự án Lúa tỉnh tổ chức Hoạt động 4: “Tham quan, nghiên cứu thực địa cho Nông dân nhất là hội viên nông dân tham gia dự án và nông dân ở các địa bàn phù hợp, tương đồng về tập quán canh tác để người nông dân tham quan các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường điển hình và thuận tiện trong trao đổi và học hỏi kinh nghiệm áp dụng các phương pháp đó; các mô hình đã và đang áp dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật về canh tác lúa thân thiện với môi trường, các mô hình đã được nông dân nhân rộng tại địa bàn”, kết hợp với các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận và Công ty cổ phần đầu tư Green Stars tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh giống lúa ST25 chất lượng cao.
Tại sự kiện này, các nông dân ở các địa phương tham gia triển khai các mô hình sản xuất lúa Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” và các nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cùng với đại diện của các Sở ngành: Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Phòng Kinh tế Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn các huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Phước, Thuận Bắc, Bác Ái), cùng một số hộ dân sản xuất lúa và cơ sở thu mua lúa trên địa bàn các xã (Phước Nam, Phước Ninh, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hải, An Hải, Phước Sơn, TT Phước Dân, Xuân Hải, Phước Hữu, Phương Hải, Tân Hải, Bắc Sơn, Lợi Hải, Thành Hải….), các Hợp tác xã,… được ban tổ chức giới thiệu, báo cáo kết quả triển khai mô hình trình diễn 01 ha giống lúa mới chất lượng cao ST25 kết hợp sử dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, kỹ thuật canh tác theo phương pháp “1 phải 5 giảm”, phân bón hữu cơ sinh học, và mô hình đối chứng 1,5 ha sử dụng giống lúa Đài thơm 8, trong vụ Đông Xuân 2022-2023 tại Trạm Khuyến nông Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Hải, Thuận Bắc; giới thiệu trao đổi, thông tin truyên truyền về canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam và kết quả đang áp dụng tại 02 địa bàn xã Phước Hậu (Ninh Phước) và xã Bắc Phong (Thuận Bắc) trong thời gian qua; giới thiệu sản phẩm và kết quả triển khai kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường đang áp dụng tại các mô hình thực địa. Giới thiệu, trao đổi, thông tin tuyên truyền vận động người dân chấp nhận và tham gia áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường vào sản xuất và sử dụng sản phẩm lúa sau thu hoạch, sử dụng rơm rạ cải tạo đất, xử lý nhanh rơm rạ tại đồng ruộng.
Với những kết quả tích cực, bước đầu từ các mô hình sản xuất lúa thân thiện vói môi trường và các giống có chất lượng tốt như ST25, Đài thơm 8,.. có chất lượng gạo ngon, sẽ là tiền đề quan trọng để các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu, tham mưu triển khai cho bà con nhân rộng mô hình trong thời gian tới, thay thế dần các giống lúa chất lượng thấp của địa phương hiện nay, góp phần phát triển giá trị sản phẩm lúa sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân tỉnh nhà hướng tới canh tác nông nghiệp thân thiện với môi trường, đặc biệt là hạn chế các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và tham gia vào hệ thống sản xuất gạo bền vững trước những tác động lớn từ biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong thời gian đến.