Bạo lực trên cơ sở giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, xẩy ra ở mọi xã hội, mọi tầng lớp và dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù nam giới và trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, song phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng chính phải chịu đựng bạo lực giới. Cái giá phải trả cho bạo lực là sự suy giảm về mặt sức khỏe, thiệt hại về tài sản, mất mát về thu nhập và đổ vỡ gia đình là rất lớn. Con số ước tính của các nước đang phát triển và các nước phát triển cho thấy cái giá này có thể lên đến hàng chục triệu đô la mỗi năm ở mỗi quốc gia.
Toàn cảnh buổi truyền thông về bạo lực gia đình
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ. Năm 1992, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn việc tham gia Công ước Se - Đo (CEDAW) và ký kết một số hiệp ước và công ước quốc tế khác về quyền con người có liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực giới, cũng như các cam kết quốc tế khác. Tháng 11/2006 và tháng 11/2007, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình. Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định, Chương trình quốc gia, trong đó xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam trong việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình nhằm từng bước đưa hai Luật vào cuộc sống.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả của công tác phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình chưa cao. Số liệu nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố năm 2010 cho thấy 32% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị bạo hành thể chất hoặc tình dục từ chính người chồng mình. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ là do sự bất bình đẳng về giới và nhận thức sai lệch, chưa đúng đắn về bình đẳng giới. Thực tế trong thời gian qua sự tham gia của nam giới vào nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ chưa đủ mạnh. Vì vậy, đẩy mạnh công tác truyền thông cho nam giới và lôi cuốn họ tham gia vào các hoạt động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của chương trình xóa bỏ bạo lực giới, bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam.
Nam giới có vai trò rất quan trọng, chỉ riêng phụ nữ thì không thể chấm dứt bạo lực gia đình, đồng thời cần có sự chung tay cùng hành động của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức và của toàn xã hội.
Bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bao lực gia đình làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn lành mạnh của cộng đồng và trật tự xã hội. Để góp phần giảm thiểu nguy cơ bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 02/11 đến ngày 04/11 năm 2016, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Dân số, gia đình và Trẻ em của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên nông dân từ tỉnh đến các chi tổ hội với nhiều hình thức như: Mitting, giao lưu sân khấu hóa, diễn đàn và tập huấn nghiệp vụ với các chủ đề thiết thực như: “Đàn ông đích thực nói không bạo lực với phụ nữ” “Chung ta xoá bỏ bạo lực với phu nữ và trẻ em gái” “Vai trò trách nhiệm và sự tham gia của nam giới trong công tác phòng chống bạo lực gia đình”
Đ/c Phạm Thu Hương , Phó Trưởng ban Xã hội-Dân số và Gia đình Trung ương Hội Nông dân báo cáo viên truyền thông tại lớp tập huấn
Với vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nông dân Việt Nam - một lực lượng đông đảo, chiếm gần 70% dân số cả nước, Hội Nông dân Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân, nam nông dân nâng cao trình độ, nhận thức về mọi mặt từng bước đáp ứng với vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình; đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân hãy cùng cam kết chung tay hành động phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Với mục đích giúp cho các hội viên, nông dân hiểu được các hành vi bạo lực gia đình và thực trạng bạo lực gia đình ở địa phương để cho người dân nhất làm nam giới nhận thức được 12 giá trị sống dành cho nam giới, đó là: Bình an có được khi chúng ta có tư tưởng, tình cảm và ước muốn trong sáng, vừa sức; Biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Tôn trọng giá trị và quyền của người khác là cách để chúng ta nhận được sự tôn trọng của người khác; Biết quan tâm và thông cảm với người khác.Yêu thương giúp nhìn nhận người khác tích cực hơn; Biết trân trọng những giá trị ở người khác và nhìn thấy những điều tích cực trong mọi tình huống; Trung thực với bản thân và với mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào sẽ làm cho cuộc sống trở nên toàn vẹn hơn; Không gây ấn tượng, lấn át hoặc hạn chế tự do của người khác nhằm chứng tỏ bản thân mình. Khiêm tốn giúp chúng ta trở nên tuyệt vời hơn trong trái tim người khác; Biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Người có tinh thần hợp tác là người có tâm hồn trong sáng, luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với mọi người; Giữ tâm hồn bình yên và giàu tình yêu thương, luôn mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người; Trách nhiệm với bản thân và với người khác, luôn tạo ra sự công bằng và chia sẻ để mọi người đều có phần của mình; Biết trân trọng những điều nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống. Giảm thiểu những chi tiêu không cần thiết, không phô trương, không lãng phí; Thực hiện các quyền của mình nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác. Làm những việc mình thích nhưng không ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng. Làm việc với lương tâm và trách nhiệm; Hợp tác, nhiệt tình và làm cho bầu không khí gia đình và nơi làm việc trở nên ấm áp. Thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe, góp ý có tính chất xây dựng với người khác, kể cả các thành viên gia đình. Người nam giới bản lĩnh không phải là người làm giàu bằng mọi cách, biết uống rượu, bia và hút thuốc lá mà là người có đầy đủ 12 giá trị sống thể hiện qua các mối quan hệ với gia đình và xã hội. Với những ý nghĩa đó, nhiệm vụ của Hội Nông dân tỉnh trong thời gian đến cần phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan để triển khai thực hiện xây dựng vận hành mạng lưới tư vấn nam giới có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình tại cộng đồng. Chỉ đạo các cấp Hội tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện xây dựng, vận hành mạng lưới tư vấn nam giới có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình tại cộng đồng. Căn cứ nhiệm vụ xây dựng, vận hành mạng lưới tư vấn nam giới có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình tại cộng đồng. Lập dự toán kinh phí thực hiện trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. (trong khuôn khổ thực hiện Đề án 235). Phân công lãnh đạo, ban chuyên môn trực tiếp thực hiện xây dựng, vận hành mạng lưới tư vấn, hỗ trợ nam giới gây bạo lực gia đình tại cộng đồng. Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức xây dựng, vận hành mạng lưới tư vấn, hỗ trợ nam giới gây bạo lực gia đình tại cộng đồng, tại địa phương và đây là một trong những nội dung đã được Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 235/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020”.
Đây là tiền đề để mỗi cấp Hội phải vào cuộc một cách đồng bộ và cụ thể theo từng thời gian để cùng chung cả nước đưa Luật phòng, chông bạo lực gia đình vào cuộc sống.