Các thùng rác bằng bê tông để đựng rác thải như bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật được đặt ở cánh đồng xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước không chỉ nâng cao ý thức người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.
Về những cánh đồng ở các Ninh Quý 1, 2 và xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước không khó bắt gặp những thùng rác bằng bê tông với dòng chữ “Bể thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật”, người dân nói vui rằng những bể rác bê tông đang dần thay đổi ý thức của mọi người.
Tìm về xã Phước Sơn, được biết, trước đây sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật người dân có thói quen vứt bỏ vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc trên bờ mương, chân ruộng, hay thậm chí nhiều người còn ném xuống mương thủy lợi. Những việc làm này đã gây ô nhiễm môi trường trên cánh đồng.
Cuối năm 2021, Hội Nông dân xã Phước Sơn đã vận động kinh phí từ các mạnh thường quân ở địa phương cùng các Hội viên xây dựng các bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tập trung. Theo tính toán, mỗi bể rác chi phí khoảng 1 triệu đồng.
Các hố rác bằng bê tông hình tròn, đường kính khoảng 90 cm, cao khoảng 1,2 m, có lỗ thoát nước và có nắp đậy được bố trí ở các trục đường giao thông và trên các cánh đồng thuộc xã các thôn Ninh Quý.
Ông Lê Văn Hùng, ở thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi đã canh tác lúa lâu năm, mỗi vụ lúa sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ, nhưng thói quen từ xưa đến nay là cứ pha thuốc ở đâu vứt vỏ ở đó.
Nhưng, từ khi các hố rác bằng bê tông được xây dựng dọc trục đường, bờ mương trên cánh đồng rất tiện ích, người dân chúng tôi được hướng dẫn nhặt rác về tập kết tại bể rác để xử lý. Bây giờ nhiều người đã ý thức hơn, mỗi khi phun thuốc trừ sâu xong là đem đến bể rác bỏ vào đó hết”.
Ông Trần Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn 3 thôn Ninh Quý có 8 bể thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; Định kỳ 3 tháng, Hội Nông dân tổ chức thu gom, tiêu hủy rác, vệ sinh hố đựng rác, đồng thời tăng cường tuyên truyền người dân bỏ rác vào hố thu gom để tiện cho việc tiêu hủy và bảo vệ môi trường”;“Chúng tôi rất vui vì sau gần 1 năm bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật đi vào hoạt động, người dân địa phương đã nâng cao ý thức, hưởng ứng và chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ”. Rác bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý tập trung sẽ hạn chế thất thải độc hại ra môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân”.
Theo thông kê của huyện Ninh Phước, trên địa bàn huyện có tổng công 101 bể thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ở các xã: Phước Hữu, Phước Vinh, Phước Hậu, An Hải, Phước Thuận, Phước Thái, Phước Sơn.
Ông Đặng Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước tự hào: Việc xây dựng các hố thu gom rác trên các cánh đồng của Hội Nông dân các xã (trong đó có xã Phước Sơn) là một việc làm thiết thực, giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương một cách hiệu quả .