Theo dự báo của các cơ quan, ban, ngành chức năng thì khả năng trời tiết tiếp tục nắng nóng, hạn hán trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra trên diện rộng và gây gắt hơn những năm trước đây liên tục kéo dài. Là do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Tỉnh Ninh Thuận đã có gần 300 ngày không có mưa. Do đó toàn tỉnh dồn sức tập trung triển khai các phương án phòng, chống hạn, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực sử dụng tiết kiệm nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, không để phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và kể cả con người.
Đứng trước tình hình khô hạn kéo dài trong nhiều tháng qua trên địa bàn toàn tỉnh, có thể đợt nắng hạn này không kém phần gay gắt hơn 10 năm về trước. Dự kiến gieo trồng vụ Đông-Xuân 2014-2015 theo kế hoạch đề ra là đạt 20.140 ha, trong đó diện tích lúa gieo trồng 9.513 ha, giảm 5.613 ha so với vụ Đông-Xuân năm niên vụ 2013-2014 đành phải để đất lúa bỏ không. Do không có nước tưới nên không thể chuyển đổi sang cây trồng khác được. Số diện tích đất lúa chuyển đổi sang cây trồng khác không nhiều, chủ yếu đất ruộng bỏ không do thiếu nước nghiêm trọng. Việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất để phù hợp với tình hình khô hạn hiện nay xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.
Đ/c Nguyễn Văn Ngọt, TUV, Chủ tịch Hội ND tỉnh đi khảo sát tình hình khô hạn huyện Ninh hải
Hiện tỉnh Ninh Thuận có 20 hồ chứa nước lớn nhỏ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn 30,37 triệu m3/192,21 triệu m3, chỉ còn 15,8% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ những năm trước đến trên 40% tổng lượng nước dự trữ trong các hồ đập. Do thiếu lượng nước nghiêm trọng nên diện tích gieo trồng chủ yếu được tỉnh bố trí ở các vùng hệ thống tưới đập Nha Trinh, Lâm Cấm; Sông Pha và một số hồ chứa lớn như hồ Tân Giang, Sông Biêu, Suối Lớn (huyện Thuận Nam); hồ Nước ngọt, (huyện Ninh Hải); hồ Cho Mo (huyện Ninh Sơn); hồ Sông Sắt, hồ Trà Co, (huyện Bác Ái); hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu, hồ Bà Chi (huyện Thuận Bắc); hồ La Rang (huyện Ninh Phước); còn lại hồ Phước Trung, hồ Thành Sơn, hồ Phước Nhơn, hồ Ông Kinh, hồ Bàu Tró xem như đã cạn kiệt; Các hồ còn lại trên địa bàn tỉnh ưu tiên cung cấp nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Tập trung vào “diện tích ăn nước” từ hồ Đơn Dương của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim với lưu lượng xả nước hợp lý. Do lưu lượng nước của hồ Đơn Dương đạt mức thiết kế.
Quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền: Để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời điểm hiện nay, cùng với sự chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước, nhiệm vụ của từng ngành tập trung triển khai thực hiện với tinh thần tích cực và chủ động. Vừa qua Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Chỉ thị số 66-CT/TU “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh”; Thông báo số 491, Thông báo số 500 về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về công tác phòng, chống hạn năm 2015 trên địa bàn tỉnh”. Tiếp đến Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định só 579/QĐ-UBND “Về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn tỉnh Ninh Thuận” ở quy mô cấp tỉnh bao gồm 32 cơ quan, đơn vị tham gia Ban Chỉ đạo trong đó có Hội Nông dân tỉnh làm thành viên. Do tình hình khô hạn cho nên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có các đợt thị sát thực tế tại địa phương để chỉ đạo công tác phòng, chống hạn và hỗ trợ kinh phí chống hạn cho địa phương.
Trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh trong tình hình cấp bách hiện nay với mục tiêu “4 không” Không để dân đói, không dể dân khát, không để gia súc chết, không để gia súc dịch bệnh. Trước đó Hội Nông dân tỉnh cũng đã có các đợt đi kiểm tra, nắm bắt tình hình khô hạn ở các địa phương trong tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân triển khai các phương án phòng, chống hạn.
Theo đó Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo đến các cấp Hội tích cực tham gia công tác phòng, chống hạn với các giải pháp như sau: Huy động tối đa các nguồn lực tại chỗ của địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, để tích cực phòng, chống hạn. Nâng cao nhận thức cho người nông dân về sử dụng các hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng nước tiết kiệm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Kiên quyết chỉ đạo tuyên truyền vận động hội viên nông dân dừng ngay các vùng sản xuất do thiếu nước kéo dài, nghiêm trọng tránh thiệt hại cho người nông dân. Tích cực sử dụng, chuyển đổi các giống cây trồng chịu hạn, áp dụng các mô hình “3 giảm 3 tăng”, mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa đã được áp dụng rất có hiệu quả tại các địa phương của tỉnh trong những mùa vụ trước để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu cho người dân. Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trồng, sử dụng giống cây hợp lý, tiết kiệm nguồn nước tưới, sử dụng nguồn thức ăn tinh, thức ăn khô, có các phương án di dời các đàn gia súc dê bò, cừu, di chuyển đàn ở những vùng khô hạn nhất, đến các vùng ven, vùng đồng bằng, ven sông, ven suối để bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống cho đàn gia súc. Tích cực tham gia công tác phòng, chống cháy rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người, gia súc, gia cầm trong thời điểm khô hạn.
Giải pháp khắc phục tình trạng khô hạn hiện nay xảy ra trên diện rộng toàn tỉnh là khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước. Các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người nông dân về ứng dụng, sự dụng mô hình tưới nước tiết kiệm để nhân rộng ra trên các địa bàn huyện Thuận Bắc, Bác Ái theo chu kỳ hai của tổ chức phi chính phủ IDE tài trợ cho Hội Nông dân. Kiến nghị đến các cơ quan, ban ngành chức năng cần điều tiết lưu lượng nước xả luân phiên giữa các vùng, các cánh đồng hợp lý, không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước, điều tiết lưu lượng nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình luân canh, xen canh giữa các cây trồng để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Nông dân các địa phương cần có kế hoạch canh tác mùa vụ hợp lý, đối với những diện tích đã xuống giống và những vườn cây ăn trái lâu năm như nho, táo, cần có kế hoạch điều tiết lượng nước tưới hợp lý, sử dụng nước hợp lý tại các hồ, đập, xây dựng kế hoạch tu sữa, nạo vét các kênh mương, các dòng chảy, các lòng ao, hồ thủy lợi bảo đảm cho công tác tích trữ nước khi có mưa xuống phục vụ sản xuất, đời sống người dân được kịp thời. Đối với nhưng hộ nông dân đã thu hoạch xong ở mùa vụ tại thời điểm này, nếu có đủ nguồn nước thì tiếp tục làm ải đất để xuống giống cho kịp thời vụ.
Ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt. Tình hình khô hạn không chỉ gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân nhiều xã trên địa bàn của tỉnh như xã Phước Trung, Phước Thành huyện Bác Ái; xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam. Điển hình tại 2 thôn Tham Dú, thôn Đồng Dày xã Phước Trung hạn hán đã là rất nghiêm trọng, khó khăn. Hiện có trên 200 hộ dân là người đồng bào dân tộc Rắc lây ở hai thôn đã phải nhận nước hỗ trợ từ nhà máy nước xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, do Công ty Công trình Đô thị Ninh Thuận cung cấp cung cấp với tần suất 4 chuyến/ngày và cứ cách một ngày các xe bồn chở nước đến đổ vào các bể chứa công cộng để cung cấp nước cho người dân sinh hoạt. Không riêng gì xã Phước Trung, mà nhân dân các địa phương khác như xã Quảng Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn đang gặp khó khăn về nước tưới, không đủ sản xuất nông nghiệp, nhất là nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho người dân các địa phương về cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, các nông trang thôn Nha Hố, thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn. Tại huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam đã phải hỗ trợ kinh phí cho các xã Vĩnh Hải, Nhơn Hải, Quảng Sơn, Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, Hòa Sơn, Phước Ninh đào ao từ 500-600m2, để cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc giải quyết nguồn nước trước mắt cho nhân dân, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước tối đa, tránh lãnh phí không cần thiết trong thời điểm kho hạn kéo dài này. Chủ động tiết kiệm nước, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống hạn chủ động sản suất, chăn nuôi theo mùa vụ, ổn định đời sống trong mùa khô hạn. Đồng thời cảnh báo nhân dân phải bình tĩnh, đoàn kết chia sẽ lợi ích với nhau không để xảy ra tình trạng làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang tập trung cao độ công tác tuyên truyền cho hội viên nông dân chống hạn, điều chỉnh kế hoạch mùa vụ, cho phù hợp với điều kiện thực tế. Trao đổi với chúng tôi ông Võ Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải, Ninh Hải cho biết: Xã chúng tôi đã thành lập Tổ theo dõi nước ứng trực 24/24 giờ tại các hồ đập, ao trên địa bàn xã, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, các cây trồng chủ lực như nho, táo, tỏi, hành, ớt. Đồng thời thu hẹp diện tích sản suất, ưu tiên cho những vùng sản suất tiếp cận được với nguồn nước, tránh xâm nhập mặn. Khuyến khích nông dân đào ao, sử dụng hệ thống ống dẫn nước kéo dài từ 1-5 km từ giếng nước đến rẫy sản xuất, với kinh phí đầu từ trên từ 30-45 triệu đồng/hộ để cứu sống cây trồng. Đồng thời mong muốn đến Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nên có các phương án phối hợp, chính sách hỗ trợ kinh phí, các biện pháp chống hạn, hỗ trợ cho địa phương xây dựng điểm các mô hình điểm về công tác phòng, chống hạn trên cây trồng, vật nuôi; gắn với tập huấn trực tiếp, hướng dẫn trực tiếp cho hội viên nông dân ngay trên đồng ruộng tại các địa bàn khô hạn để người nông dân tham quan, học hỏi và làm theo nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, thiết thực.
Với mong muốn sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, tạo sự đồng thuận và chia sẽ của nhân dân, đặc biệt là người nông dân kết hợp với những kinh nghiệm ứng phó với tình hình khô hạn của địa phương trong những năm qua, được mệnh danh là vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng” của cả nước. Tin tưởng rằng người nông dân tỉnh Ninh Thuận sẽ vượt qua khó khăn này, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do khô hạn kéo day gây ra, từng bước phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.