Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ở nước ta trong 20 năm qua, nhóm sản phẩm thịt lợn tăng tới 20 lần và đã đạt 800.000 tấn. Hiện không có nhóm hàng nào tăng nhanh như vậy. Riêng về thịt tăng trên 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn và là khối lượng sản xuất khổng lồ. Hàng loạt sản phẩm khác như thịt gà, trứng gà… cũng tăng mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn hiện ở mức rất thấp khiến các hộ chăn nuôi thiệt hại nặng nề.
Một nguyên nhân nữa là do tổ chức ngành hàng chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất hiện nay, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Hiện có khoảng xấp xỉ 3 triệu hộ nhỏ lẻ tham gia chăn nuôi lợn.
Nguyên nhân dẫn đến giá thành cao và rất khó kiểm soát theo chuỗi bởi các khâu đều tách rời nên khi thị trường có sự cố rủi ro như hiện tại, rất thiệt thòi cho người sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, khâu chế biến hiện là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi, hầu hết vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống, tiêu thụ thịt tươi. Khâu tổ chức thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu đều còn nhiều yếu kém. Mạng lưới phân phối theo hướng hiện đại chưa làm được, thịt vẫn ít vào được siêu thị, trung tâm thương mại mà chủ yếu vẫn là chợ truyền thống.
Tại hội nghị, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ cố gắng chia sẻ với nông dân. Hiện Công ty cũng đang cố gắng mở rộng thị trường, tập trung chế biến sâu; thuê thêm kho để cấp đông, chế biến lâu dài… Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT, thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục điều chỉnh giá con giống và giá thức ăn chăn nuôi để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Ông Vũ Anh Tuấn cũng khuyến cáo, hiện cứ 1 ngày, nguồn cung lợn giống tăng lên 1% sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường thời gian tới. Do đó, người chăn nuôi cần tự loại bỏ con giống quá nhỏ, không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, hiện nay thông tin cho người chăn nuôi vẫn chưa đầy đủ, nhiều hộ vẫn hy vọng xuất khẩu nên cố gắng vay mượn để cầm cự. Vì vậy, cơ quan chức năng cần thông tin rõ ràng cho nông dân có hướng đầu tư sản xuất.
Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho hay, từ khi giá lợn xuống sâu, Tập đoàn đã có kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi. Hiện Công ty đã giảm giá thành thức ăn chăn nuôi từ 5-7%.
Ông Học cũng kiến nghị, Bộ cần xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cho người chăn nuôi và doanh nghiệp nắm rõ nhu cầu thị trường.
Mặc dù tình hình giá lợn xuống rất thấp nhưng việc nhập khẩu thịt vẫn đang được tiến hành. Do đó, Công ty mong muốn Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt để “giải cứu” thị trường trong nước.
Với mong muốn hỗ trợ người chăn nuôi, ông Võ Việt Dũng, Tổng giám đốc Công ty Anh Dũng (thuộc Công ty chế biến thực phẩm Nam Hà Nội) cho biết hiện tại Công ty đang thu mua lợn cao hơn giá thị trường, với mức giá 23.000 đồng/kg (giá cao nhất thị trường hiện nay).
Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng cường bán thịt lợn vào các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị để bàn giải pháp tổ chức lại ngành chăn nuôi, tiến tới xây dựng ngành chăn nuôi lợn mang tính hiệu quả, bền vững. Giải pháp căn cơ nhất lúc này là tái cơ cấu chăn nuôi lợn theo hướng rà soát, giảm quy mô, tốc độ tăng trưởng đến mức phù hợp nhất, đặc biệt là đàn lợn nái hiện có 4,2 triệu con là quá lớn. Mục tiêu đến năm 2019 sẽ giảm xuống còn 3 triệu con, đồng thời nâng cao về chất lượng để hạ giá thành bởi giá thành khâu giống đang chiếm 15%.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất này, đặc biệt là các nông hộ, vì nếu cứ để tồn tại hơn 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì còn rủi ro, khó kiểm soát.
Nguồn: Chinhphu.vn