Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN phát biểu khai mạc hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Ảnh: T.L
Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Kính thưa đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương,
Kính thưa đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương,
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương,
Thưa toàn thể các đồng chí và đồng bào,
Hôm nay, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nông dân cả nước, tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự và chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương; lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; các phóng viên thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương đã tới dự và đưa tin về hội nghị.
Sự có mặt của các đồng chí khẳng định quốc sách hàng đầu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.
Tôi nhiệt liệt chào mừng các đại biểu nông dân đại diện cho nông dân cả nước đã về dự hội nghị đối thoại lần đầu tiên được tổ chức hôm nay tại tỉnh Hải Dương tươi đẹp và mến khách của chúng ta.
Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa toàn thể các đồng chí và đồng bào,
Nông dân Việt Nam với truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, thóc không thiếu một cân và quân không thiếu một người, tất cả vì Độc lập-Tự do-Hạnh phúc của dân tộc và vì Chủ nghĩa xã hội, tìm tòi đổi mới và sáng tạo đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững.
Với 70% dân số và khoảng 50% lực lượng lao động xã hội trực tiếp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề; kinh tế nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nông dân, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã xác định rõ mục tiêu của cách mạng là giành độc lập cho dân tộc và đem lại ruộng đất cho nông dân.
Mục tiêu đó đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, thu hút đông đảo nông dân tham gia sự nghiệp cách mạng và trở thành lực lượng đóng góp lớn nhất về nhân lực, vật lực, tài lực cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ trong khó khăn, khủng hoảng của những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX, người nông dân bằng sức sáng tạo của mình, đã khai mở, tìm tòi những mô hình, cách làm sáng tạo.
Đây là cơ sở để các quyết định về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp của Đảng, Nhà nước như: Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư (1981), Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (1988), Luật đất đai (1993)… được ban hành, tạo động lực mới và giải phóng sức sản xuất của nông dân, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý kinh tế tập trung bao cấp, từng bước hồi sinh nông thôn, không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nông dân.
Với tinh thần quyết tâm đổi mới nhằm vượt qua khó khăn, thách thức vì hạnh phúc của Nhân dân, ngày 05 tháng 8 năm 2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 03/12/2009, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 61-KL/TW về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.
Ngày 10/5/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm nghiên cứu ban hành nhiều chính sách nhằm đầu tư, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta; nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan của Quốc hội trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đồng bào nông dân để phát triển nông nghiệp và nông thôn ngày càng có hiệu quả.
Do đó, nông nghiệp nước ta đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiêp đóng góp khoảng 20% GDP cho nền kinh tế và 23%-35% giá trị xuất khẩu.
Đặc biệt vui mừng là đến hết quý I năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng cao nhất trong 13 năm gần đây, trong đó nông nghiệp tăng 3,92%, lâm nghiệp tăng 5,15%, thủy sản tăng 4,96%, nhất là trồng trọt tăng 5,16%, giá gạo xuất khẩu ổn định đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, minh chứng cho sự đóng góp quan trọng của đồng bào nông dân và doanh nghiệp.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng; xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước; xuất khẩu tăng mạnh, nhiều mặt hàng có vị thế cao hơn trên thị trường thế giới.
Nông thôn có những chuyển biến căn bản nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, nhận thức của người nông dân được thay đổi, vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn được phát huy. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả và trở thành phong trào sâu, rộng trong cả nước, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo bền vững, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh nhữngthành tựu, kết quả đã đạt được nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang đứng trước những khó khan, thách thức rất lớn, cần được Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Một là, sản xuất nông nghiệp gặp ba khó khan lớn là tâm lý của một bộ phận rất lớn nông dân còn mang nặng tư tưởng tự phát, nhỏ lẻ, thiếu hợp tác, nếu không tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động và xây dựng các đoàn thể vững mạnh thì yêu cầu phát triển nền nông nghiệp bền vững là thách thức không nhỏ.
Hai là, vốn đầu tư xã hội vào phát triển nông nghiệp nhất là khu vực sản xuất kinh doanh còn quá nhỏ so với nhu cầu; sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nông sản chưa cao; quy trình chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ chưa hoàn thiện và chưa đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ba là, việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, không ổn định nhất là vấn đề quy hoạch các khu vực sản xuất nông nghiệp an toàn, nhà kho chứa vật tư và sản phẩm nông nghiệp, hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý môi trường ... chưa thấy hết tác hại của “rau hai luống, lợn hai chuồng”.
Bốn là, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho hợp tác xã nông nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, còn nhiều mặt hạn chế, trình độ học vấn, kỹ năng, năng lực đổi mới và sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ của người nông dân chưa cao nên năng suất lao động còn thấp.
Năm là, một bộ phận không nhỏ nông dân có tâm lý không muốn làm nông nghiệp, tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ chuồng, bỏ chăn nuôi đang diễn ra ở các địa phương, người nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, họ chuyển sang làm ngành nghề khác, hoặc đến các đô thị làm ăn, có thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp.
Sáu là, việc sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón đang tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực, nhất là nạn phân bón kém chất lượng và giá cả không ổn định, công tác thanh tra và xử lý chưa được quan tâm đúng mức.
Bảy là, quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy ở nhiều lĩnh vực, nhất là công tác quy hoạch, kinh tế-xã hội và kế hoạch sử dụng đất, đền bù và giải phóng mặt bằng ... Tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch, mệnh lệnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân ở một số nơi chưa được ngăn chặn.
Kính thưa đồng chí Thủ tướng Chính phủ,
Kính thưa toàn thể đồng chí và đồng bào,
Để phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thiết nghĩ chúng ta cần giải quyết một cách căn cơ một số vấn đề như sau:
Một là, cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội đối với sáu vùng chiến lược của đất nước (vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc) để hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp một cách bền vững, giải quyết được vấn đề được mùa mất giá và quan hệ cung cầu nhằm ổn định thị trường nông sản, xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn một cách cụ thể chương trình xây dựng nông thôn mới và tích tụ ruộng đất ở từng xã, phường, thị trấn, thôn, bản gắn chặt với yêu cầu, quy hoạch, kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp, đảm bảo có kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật đồng bộ và có môi trường xanh-sạch-đẹp-văn minh theo phương châm “không ly nông, không ly hương” (tức làm chủ được đất đai và định canh, định cư bền vững) vì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắcTổ quốc đang đòi hỏi như thế. Chỉ có thế thì tăng GDP trong nông nghiệp với đồng nghĩa với tăng thu nhập của người nông dân.
Ba là, tiến hành xây dựng ba trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia tại ba miền của đất nước ta ( miền Bắc, miền Nam, miền Trung-Tây Nguyên) để làm nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn gien, thực nghiệm, nhất là việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình trồng trọt và chăn nuôi của nông dân với tầm nhìn xa trong điều kiện Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bốn là, đi đôi với tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác sản xuất, cung ứng, sử dụng phân bón có chất lượng và hiệu quả, triển khai đề án chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong một đơn vị phân bón, để giảm bớt khối lượng, tác động tích cực đến sinh trưởng của cây trồng, qua đó giảm giá thành và vận động nông dân sử dụng, đảm bảo sức khỏe cho người dân và cho mảnh đất sinh kế của dân.
Năm là, tiếp tục tăng cường nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Quỹ hỗ trợ nông dân và đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn.
Sáu là, mặc dù đã có nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng (Ngân hàng Chính sách Xã hội, Agribank) đồng hành và hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân, nhưng đa phần nông dân đều gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn lớn và đầu tư dài hạn.
Bảy là, các vị đại biểu là hội viên Hội Nông dân và Nông dân sẽ nêu các vấn đề được đông đảo bà con nông dân quan tâm và đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương sẽ đối thoại với các vị đại biểu để cùng nhau tự hào về Đảng, Chính phủ ta và Nông dân ta, tìm tòi suy ngẫm và thống nhất tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức vì sự phát triển bền vững của nông nghiệp việt Nam theo định hướng của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến.
Đây là một dịp rất quý hiếm để đánh giá toàn diện hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tháo gỡ các nút thắt (cơ sở pháp lý và vai trò của Nhà nước đối với đầu ra của nông, lâm, thủy sản; xuất xứ nông sản và thương hiệu; phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản; phát triển hợp tác xã và chính sách).
Trước khi dừng lời phát biểu khai mạc, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Hội Nông dân tỉnh Hải Dương; sự tham gia tài trợ của Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp-VinEco thuộc tập đoàn VinGroup; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BIDV; Công ty Cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau-Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Tập đoàn FLC đã hỗ trợ, đồng hành với Ban Tổ chức thực hiện chương trình hội nghị hôm nay.
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. Kính chúc sức khỏe đồng chí Thủ tướng và chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn CĐT HNDVN
NY (ST)