Nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc kinh doanh, nuôi trồng, sử dụng tôm càng đỏ. Đồng thời phát động toàn dân không bao che tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, tiêu thụ loài tôm càng đỏ và tham gia tố giác các hành vi vi phạm. Cục Thông tin cơ sở đã ban hành văn bản số 489/TTCS-TTTH ngày 17/6/2019 về việc cung cấp tài liệu tuyên truyền về tôm càng đỏ. Theo đó các nội dung tuyên truyền tập trung:
Về đặc điểm hình thái và sinh học tôm càng đỏ: có kích thước lớn và có vỏ cứng, nhẵn bóng có màu rêu, điểm một số vạch màu đỏ trên phần lưng; trên càng con đực có vệt biểu bì màu đỏ không bị kitin hóa, con đực có thể đạt trọng lượng tối đa là 500g và con cái 400g. Loài tôm càng đỏ có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau như từ vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt, môi trường sống ưa thích của chúng là nơi có vùng chảy chậm ở vùng thượng lưu sông và tại các hồ, đầm phá, thích nghi ở vùng khí hậu nhiệt đới, khu vực nước có nhiệt độ cao hơn 100C.
Tập tính và tác hại của loài tôm này thường sống ẩn nấp trong các hang hốc, rễ cây thủy sinh lớn ven bờ nước hoặc trong ao, hồ ruộng. Loài tôm này ăn tạp, thức ăn gồm các loài thực vật, động vật, mùn bã hữu cơ, đôi khi có thể ăn thịt lẫn nhau khi thiếu thức ăn. Có đặc tính đào hang sâu tới 2m, phá hủy kênh mương thủy lợi. Loài này được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) xếp vào trong 100 loài nguy hiểm nhất trên thế giới. Đặc biệt loài tôm càng đỏ còn được ghi nhận là vật chủ của một số tác nhân gây bệnh bao gồm virut, vi khuẩn, sinh vật đơn bào, nấm, ký sinh trùng đơn bào và đa bào. Nếu để chúng thoát ra ngoài môi trường tự nhiên sẽ gây nguy hại lớn đối với hệ sinh thái.
Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát việc nhập khẩu tôm càng đỏ tại các cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc và nhập lậu qua biên giới; kiểm soát việc lây lan, phát tán tôm càng đỏ ra môi trường bên ngoài, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu hủy theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về cách phân biệt và tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp để bà con nhân dân được biết./.