Toàn cảnh hội nghị tập huấn
Theo Hiệp định tài trợ L-I-826-VN ký ngày 25/02/2011 giữa nhà nước CHXHCN Việt Nam và IFAD, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND Ngày 03/12/2010 phê duyệt dự án Hỗ trợ Tam Nông tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 29/10/2012 về sửa đổi một số Điều của Quyết định 2644/QĐ-UBND;
Mục tiêu tổng thể của dự án là cải thiện một cách bền vững chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình sống ở nông thôn, đặc biệt chú trọng tới vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo tại tất cả các huyện của tỉnh Ninh Thuận.
Mục tiêu phát triển của dự án là Nâng cao năng lực của tỉnh nhằm thực hiện chính sách mới của Chính phủ về Tam Nông; Hỗ trợ các dịch vụ đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, hoạt động đầu tư nhằm tăng cường sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại vùng dự án vào các hoạt động kinh tế; Bổ sung cho các hoạt động trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển Nông thôn mới (NTP-NRD) giai đoạn 2011 – 2020.
Mục tiêu cụ thể của dự án là Xây dựng các mô hình sản xuất, quản lý bền vững tạo thu nhập đáp ứng mục tiêu giảm nghèo tại các xã vùng dự án; Phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các chuỗi giá trị và tăng cường cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất; Đa dạng các nguồn thu nhập thông qua đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật, quản trị, kinh doanh cho nhóm đối tượng dự án; Thực hiện bình đẳng giới, lồng ghép giới trong các hoạt động dự án; Nâng cấp và sửa chữa, làm mới các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; Nâng cao năng lực bộ máy quản lý, từng bước gắn việc quản lý của dự án với các chương trình dự án khác trên địa bàn; Từng bước tăng cường năng lực cấp tỉnh để thực hiện chương trình theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, phù hợp với người nghèo và định hướng thị trường.
Dự án có hiệu lực từ ngày 25/02/2011 và dự kiến kết thúc vào ngày 30/3/2016; dự án được triển khai tập trung vào 27 xã, 144 thôn ở khu vực nông thôn, miền núi là các xã có tỉ lệ nghèo trung bình trên 25%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 64%, cao hơn rất nhiều tỉ lệ trung bình của toàn tỉnh với 173.271 người chiếm 48,6% dân số nông thôn và 37.233 hộ gia đình chiếm 50,1% hộ nông thôn toàn tỉnh. Năm 2013 Hội Nông dân tỉnh mới chính thức tham gia dự án với các hoạt động cụ thể là xây dựng nhóm nông dân nòng cốt và triển khai các mô hình sản xuất cây con phù hợp với người nghèo tại các xã, huyện vùng dự án. Tổ chức tập huấn cho 100 cán bộ, hội viên nông dân nòng cốt để truyên truyền, vận động phát triển nhóm cùng sở thích trong đó có 24 người là nữ, 43 người là đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai có hiệu quả 6 mô hình sản xuất cây con phù hợp với người nghèo với 30 hộ nông dân tham gia.
Các dự án đều đạt mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo tìm ra sinh kế để ổn định cuộc sống. Trong đó phù hợp hơn cả là mô hình chăn nuôi bò sinh sản, đã có 13 con bò sinh sản 01 lứa, 01 con sắp đẻ lứa thứ hai, 01 con đực đã được hộ dự án bán đi để mua bò mới và góp quĩ nhân rộng mô hình 3 triệu đồng từ tiền bán bò. Tiếp đến là mô hình chăn nuôi cừu sinh sản, mô hình chăn nuôi heo đen, mô hình chăn nuôi dê. Hội Nông dân tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động khác như Tập huấn tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cho người dân trồng táo, tỏi; Tập huấn sử dụng nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, nhãn hiệu tập thể “Tỏi Phan Rang” cho người dân, doanh nghiệp, cơ sở…; Hội nghị đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thương hiệu tập thể; Xây dựng bộ nhận diện “Táo Ninh Thuận”; Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sử dụng bộ nhận diện “Táo Ninh Thuận”; Thành lập nhóm nông dân nòng cốt do Hội Nông dân tỉnh quản lý để hỗ trợ phát triển các tổ nhóm; Đào tạo nhóm nông dân nòng cốt để đào tạo lại cho nông dân về kỹ năng quản lý nhóm; Khảo sát đánh giá chất lượng 310 nhóm sở thích và tiến hành củng cố các nhóm hoạt động chưa tốt, chưa hiệu quả. Tổng kinh phí thực hiện 1,788 tỷ đồng.
Cùng với việc xây dựng mô hình sản xuất, tập huấn xây dựng nhóm nông dân nòng cốt, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo nhiều hoạt động lồng ghép để giúp đỡ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc vùng dự án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống. Các mô hình, dự án lồng nghép hiệu quả phải kể đến dự án ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung bộ do tổ chức iDE Việt Nam (International Development Enterprises) tài trợ, được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt tại Quyết định số 1209/QĐ-UBND ngày 01/6/2011, dự án được ủy ban nhân dân tỉnh gia hạn theo quyết định 746/QĐ-UBND ngày 06/04/2013 và được ký kết tiếp tục triển khai giai đoạn 2 từ tháng 11/2014 đến 11/2015 theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 26/11/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Tổng kinh phí của cả 2 giai đoạn 1,487 tỷ đồng, dự án đã thu hút được 2013 hộ nông dân lắp đặt, sử dụng trên diện tích 466 ha tại địa bàn 21 xã trong tỉnh. Tổng kinh thu hút được từ người dân ước tính đạt 20 tỷ đồng. Một số vùng như xã An Hải (huyện Ninh Phước), xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) có gần 100% số hộ dân lắp đặt, sử dụng. Mô hình được ứng dụng trên hầu hết các loại cây trồng từ các loại cây rau màu như rau cải, củ cải đỏ, củ cải trắng, cà chua, cà dĩa, đậu phộng, ớt, rau muống, dưa hấu, hành lá... đến các loại cây ăn quả như nho, táo, cỏ cho chăn nuôi gia súc... đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu sau 4 – 5 năm ứng dụng công nghệ này, nông dân nghèo Hứa Văn Sắn, dân tộc Chăm là điển hình thoát nghèo và vươn lên làm giàu được bình chọn dự Đại hội thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV. Một lợi ích khác, không thể bỏ qua đó là bảo vệ mội trường sinh thái có khả năng thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thể hiện rõ nét ở xã An Hải, đây là xã bãi ngang, hầu hết diện tích là đất cát và chỉ có một số ít được sản xuất 01 vụ nước trời khoảng từ tháng 6 đến tháng 11, thời gian còn lại là mùa khô với mùa gió bấc đến mùa gió nam đất cát ở đây bụi bay mù mịt như là vùng sa mạc thì nay khi mà người dân đã tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm thì vùng này đã trở nên ôn hòa, không còn cảnh cát bay, người dân có thể sản xuất quanh năm bằng nước ngầm kể cả trong điều kiện khô hạn nặng năm như nay (2015). Mô hình này đã được nhiều đoàn khách trong tỉnh, ngoài tỉnh đến tham quan học tập; Hội Nông dân tỉnh cũng đã giới thiệu, chuyển giao cho nông dân tại huyện Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh chi phí đầu tư thấp, việc ứng dụng mô hình này còn đem lại nhiều lợi ích khác cho người dân như tiết kiệm được công tưới, thời gian tưới, tiết kiệm nhiên liệu, điện năng, công làm hàng, đánh luống, công làm cỏ, bón phân; giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV...
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các dự án như Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 02 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương là Táo Ninh Thuận và Tỏi Phan Rang, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, “Tỏi Phan Rang” các dự án trên hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ nông sản cho nông dân và nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị táo, tỏi; Vận dụng có hiệu quả giữa đào tạo nghề cho lao động nông thôn với xây dựng các mô hình, dự án sản xuất và cho vay vốn từ nguồn Quĩ Hỗ trợ nông dân từ 2012 đến 2015 đã cho vay 1.015 hộ nông dân vay 79 lượt dự án với số tiền 22,25 tỷ động.