Banner Home
CreateChildControls_Exception: Object reference not set to an instance of an object.
ba kỳ
HCM
B2B
Thương hiệu Táo Ninh Thuận
du lich
 
Trang chủ » Hoạt động Hội

TÀI LIỆU BÁO CÁO NHANH KẾT QUẢ ĐẠI HỘI VI HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2013-2018

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI được tổ chức trọng thể từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và nhân dân cả nước và cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân, của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

 

   

           HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

          BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

 

 Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2013

BÁO  CÁO

Kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018

 

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI được tổ chức trọng thể từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và nhân dân cả nước và cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân, của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

I. ĐẠI BIỂU THAM DỰ ĐẠI HỘI

1. Đại biểu Đại hội

Tổng số đại biểu triệu tập 1.182 đại biểu. Tham dự Đại hội có 1.169 đại biểu, trong đó: Đại biểu đương nhiên: (là uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá V): 94 đại biểu (8,04%); đại biểu ở cơ quan Trung ương Hội, các Bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà khoa học: 87 đại biểu (7,44%); đại biểu 63 tỉnh, thành Hội: 1.082 đại biểu (92,56%).

Đại biểu là nam: 867 đại biểu (74,17%); Đại biểu là nữ: 302 đại biểu (25,83%); Đại biểu là Đại biểu Quốc hội: 04 đại biểu (0,34%); Đại biểu là Anh hùng lao động: 1 đại biểu (0,09%); đại biểu là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên tiêu biểu: 33 đại biểu (3,05%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 156 đại biểu (13,34%); đại biểu là tín đồ tôn giáo: 26 đại biểu (2,22%);

Đại biểu cao tuổi nhất: 68 tuổi (Ông Đoàn Minh Chiến- Hội viên nông dân- Chủ trang trại xã Tân Định, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); đại biểu ít tuối nhất: 21 tuổi (Chị Ksor H’Hmui – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).

 

2. Khách mời dự đại hội

Đại hội vui mừng, phấn khởi được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Đoàn thể Chính trị - xã hội và các bộ, ban ngành Trung ương; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam qua các thời kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá V đã nghỉ hưu, chuyển công tác.

Tại phiên khai mạc trọng thể, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐảngNguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Tham dự và đưa tin Đại hội có trên 100 phóng viên, nhà báo của 32 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI với tiêu đề: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi, bổ sung; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá V và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2013 - 2018.

II. VỀ BÁO CÁO CỦA BAN CHẤP HÀNH KHÓA V TRÌNH ĐẠI HỘI.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội V Hội Nông dân Việt Nam, 5 năm qua cán bộ, hội viên, nông dân đã đoàn kết chặt chẽ, năng động, sáng tạo; nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi phư­ơng hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2008 - 2013.

 

1. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, nhiêm kỳ 2008 – 2013.

1.1. Công tác xây dựng Hội đã đạt được những kết quả quan trọng: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dâncó nhiều đổi mới, với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội nông dân, các Câu lạc bộ nông dân, nêu gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình điển hình tiên tiến; phát hành bản tin, ra chuyên trang chuyên mục trên Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Website Hội Nông dân và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; các cuộc thi, hội thi ở cơ sở, các hoạt động xã hội... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, ý thức cảnh giác cách mạng; cổ vũ khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường vươn lên của nông dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước.

Công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Hội, nâng cao chất lượng hội viênluôn được các cấp Hội thường xuyên quan tâm; cả nước đã có 10.536 cơ sở Hội; 92.246 thôn, ấp, bản, làng có chi Hội, đạt 100%; số cơ sở Hội đạt vững mạnh tăng, vượt chỉ tiêu Đại hội V đề ra. Trong nhiệm kỳ qua cả nước kết nạp được trên 2 triệu hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 10.442.278, tăng 4,4% so với nhiệm kỳ trước.

Công tác kiểm tra, giám sát của Hội được tăng cường và đi vào nền nếp; chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Trung ương Hội đã ban hành Quy định về công tác kiểm tra và kỷ luật của Hội. Hệ thống cơ quan kiểm tra và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra được kiện toàn. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử lý 53 vụ vi phạm, trong  đó có một tập thể và 52 cá nhân. Qua đó, góp phần khắc phục thiếu sót, ngăn chặn và hạn chế tiêu cực, sai phạm; chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác xây dựng tài chính và cơ sở vật chất của Hội. Kết quả đã có 95.246 chi Hội xây dựng được Quỹ Hội, đạt 100% so với chỉ tiêu Đại hội V đề ra. Cơ sở vật chất của Hội ngày càng được tăng cường.Các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân khu vực và các tỉnh, thành phố tiếp tục được đầu tư nâng cấp.

Công tác đối ngoại của Hội Nông dân Việt Nam có bước phát triển mới. Hội đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với trên 40 tổ chức nông dân, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động đối ngoại đã góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện sống và nâng cao năng lực cán bộ Hội.

1.2. Các phong trào nông dân thi đua yêu nước do Hội Nông dân Việt Nam phát động và tổ chức thực hiện có bước phát triển mới

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực: nông lâm, ngư nghiệp, thủy sản. Hằng năm có 8,2 triệu hộ đăng ký phấn đấu, trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp Hội tổ chức tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2007-2011) đã biểu dương hàng nghìn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, huyện và cơ sở; Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV, biểu dương 309 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu xuất sắc.    

Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn bằng những việc làm thiết thực như: hiến đất và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu ngày công lao động để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường điện hạ thế, phòng học, nhà văn hóa xã, thôn, bản, đắp bờ bao chống lũ... Tích cực xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng chống các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức các cuộc thi “Nhà nông đua tài”, “Tiếng hát đồng quê”, “Giải Bóng chuyền bông lúa vàng”, “Bóng đá nông dân” …góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mở rộng giao lưu học hỏi, hiểu biết giữa các dân tộc, các vùng miền trong cả nước. Bình quân mỗi năm có 9 triệu hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá, trong đó có 8,5 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh đượccác cấp Hội quan tâm. Các cấp Hội đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; luôn cảnh giác với diễn biến hòa bình và chia rẽ dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng đại đoàn kết; thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự và chính sách hậu phương quân đội, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chủ động phối hợp với lực lượng Quân đội, Công an triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh. Tham gia xây dựng các tổ tự quản, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải ở thôn xóm; phát động phong trào nông dân tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo và đường biên, mốc giới, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

1.3. Các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân phát triển mạnh mẽ 

Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi giúp cho 2,4 triệu lượt hộ vay, với tổng dư nợ 37.990 tỷ đồng; 664.900 lượt hộ vay 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có  trên 100 ngàn lượt hộ nông dân được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, cùng với nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do Hội quản lý đã góp phần quan trọng giúp đỡ hội viên nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó nhiều hộ đã thoát nghèo một số hộ trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.     

Các cấp Hội phối hợp tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân thông qua mô hình “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch”; phát hành Cẩm nang tư vấn pháp luật; mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân.

Trung ương Hội và nhiều tỉnh, thành Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông sản tại các khu vực; xây dựng hệ thống “Sàn kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm”; chương trình tăng cường công nghệ thông tin cho nông dân trồng lúa 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và cung cấp vật tư­, máy công cụ, phân bón theo phư­ơng thức trả chậm; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học- kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn... giúp cho nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các cấp Hội  trực tiếp và phối hợp dạy nghề ngắn hạn cho 1.096.000 nông dân, vượt 9,6% so với chỉ tiêu Đại hội đề ra, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội đã tích cực triển khai hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực để giải quyết những khâu, những việc mà từng hộ không làm được hoặc làm không có hiệu quả. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành Hội đã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả bước đầu.

1.4. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Các cấp Hội đã tổ chức để cán bộ, hội viên nông dân tham gia ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia đóng góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Năm 2011, các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân tham gia các hội nghị lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, hội viên nông dân hăng hái đi bầu cử đạt tỷ lệ cao. Giới thiệu các hội viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp.

Phát huy dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, các cấp hội đã tích cực triển khai, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hòa giải thành hàng vạn vụ mâu thuẫn ngay từ cơ sở, tiếp nhận và tham gia giải quyết hàng nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của hội viên nông dân.

Các cấp Hội đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên đóng góp đối với tập thể, cá nhân cấp ủy cùng cấp theo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Ban Chấp hành các cấp của Hội đã đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Đi sâu, đi sát cơ sở, nắm chắc tình hình, nhất là những bức xúc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước.

Với những kết quả trên, trong nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào nông dân cả nước đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 88 Huân chương các loại; Chính phủ đã tặng 13 Cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ đã tặng 224 Bằng khen cho tập thể và cá nhân đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng 194 Cờ, 10.357 Bằng khen, 42.444 Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”; các tỉnh, thành Hội đã tặng hàng nghìn Bằng khen, Giấy khen cho tập thể và cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân. Đặc biệt năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân Việt Nam đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng (lần 2) phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng.

 

2. Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2013 - 2018

Quán triệt quan điểm của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020); Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đại hội đã nhất trí cao về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2013 - 2018 như sau:

Phát huy tinh thần “Đoàn kết- Đổi mới-Chủ động-Hội nhập-Phát triển bền vững”, vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh; đào tạo người nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 Mục tiêu

- Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân; tham gia xây dựng và tổ chức nông dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và giữ gìn ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ của cán bộ, hội viên, nông dân; từng bước xây dựng đội ngũ lao động nông thôn có tác phong công nghiệp, có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nông sản và thị trường lao động trong và ngoài nước, từng bước thực hiện vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đại hội đã biểu quyết 100% ý kiến nhất trí thông qua 11 chỉ tiêu chủ yếu sau:

* Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội cho trên 95% hội viên, nông dân.

* Phát triển hội viên mới, với trên 80% số hộ nông dân có hội viên nông dân.

* Cơ sở Hội khá và vững mạnh đạt trên 85%, giảm cơ sở Hội yếu kém xuống dưới 1%.

* Có 80% cán bộ chủ chốt ở cơ sở có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo qui định; 80% cán bộ chi, tổ Hội được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận và nghiệp vụ công tác Hội.

* 100% chi Hội có Quỹ Hội, bình quân từ 30.000đ trở lên/hội viên/năm. 

* Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

* Quỹ hỗ trợ nông dân tăng trưởng 15% trở lên/năm.

* Hằng năm vận động từ 90% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 85% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

* 100% Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện; 80% Hội nông dân cấp xã tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả.

* Hằng năm Hội Nông dân các cấp trực tiếp và phối hợp dạy nghề cho 220.000 nông dân; trong đó tỷ lệ có việc làm đạt 70% trở lên.

* 80% Hội Nông dân cấp xã hướng dẫn, tổ chức nông dân xây dựng được ít nhất một mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.

 

Đại hội đã đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ 2013-2018 như sau:

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án“Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Kết luận số 61- KL/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Các cấp Hội chủ động tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm là đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Tổ chức nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về sự biến đổi, xu hướng phát triển và vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam. Nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí và chiến lược hành động xây dựng người nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Công tác xây dựng Hội

Công tác tuyên truyền, vận động

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nghị quyết của Hội; về mục tiêu, nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới; về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chú trọng việc tuyên truyền cho nông dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới; nông dân, ngư dân vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, các gương điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân; tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử của Đảng, của Hội, tìm hiểu về pháp luật…gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp

Xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp mạnh về chính trị, thống nhất về tư tưởng và tổ chức. Nâng cao năng lực tập hợp, vận động, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân.

Đẩy mạnh việc tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới, chú trọng phát triển hội viên là ngư dân, vùng bãi ngang ven biển, các chủ trang trại, các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cán bộ công chức nghỉ hưu…gắn với nâng cao chất lượng hội viên.

Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam. Chú trọng việc nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, phương pháp dạy và học theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Xây dựng và phát triển quỹ Hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho các hoạt động ở cơ sở, chi, tổ Hội .

Công tác kiểm tra, giám sát

Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm theo quy định nhằm phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành các cấp Hội, đánh giá đúng kết quả hoạt động Hội và phong trào nông dân. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện thống nhất trong hệ thống Hội các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Hội. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác tham mưu của ban kiểm tra các cấp Hội; chú trọng công tác kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội, các chương trình, dự án do Hội thực hiện.

Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành các cấp Hội

Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành các cấp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Hội. Nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội.

Tăng cường việc chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn và dạy nghề cho nông dân và hoạt động của các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, đáp ứng nhu cầu của hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện  đời sống.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, nâng cao vai trò chủ động của Ban Chấp hành các cấp Hội, tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng về công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ Hội.

Công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn

Nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao và tổng kết thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hội viên, nông dân về ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Phối hợp với các viện nghiên cứu khoa học để nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân. Tổng kết các mô hình trong lĩnh vực hoạt động của Hội tham gia phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh có hiệu quả để nhân rộng.

Chủ động phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở khoa học để tập trung đào tạo nguồn nhân lực với đa dạng hình thức phù hợp cho từng đối tượng, từng địa phương. Đồng thời, chú trọng việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến cho hội viên, nông dân.

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức và tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia “Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; tôn vinh, khích lệ, động viên nông dân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Công tác thi đua - khen thưởng

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua, trọng tâm là 3 phong trào thi đua lớn của Hội, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đổi mới mạnh mẽ về công tác khen thưởng, đảm bảo nguyên tắc, công khai, dân chủ, công bằng, đúng người, đúng thành tích, khen kịp thời có tác dụng cổ vũ, động viên phong trào thi đua của cán bộ, hội viên, nông dân ngày càng thiết thực, hiệu quả. Chú trọng khen thưởng, biểu dương những đơn vị, cá nhân trực tiếp sản xuất ở cơ sở.

3. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động nông dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tạo ra nguồn lực to lớn từ nội bộ nông dân để làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, làm xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có qui mô lớn, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đạt trình độ sản xuất tiên tiến trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các cấp Hội cần làm tốt vai trò là đầu mối liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tuyên truyền nhân rộng. Vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” và các hình thức tập trung ruộng đất khác để nâng qui mô sản xuất, phát triển nhanh các mô hình trang trại, gia trại, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Vận động nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế biển: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Chủ động phối hợp với các ngành để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp các hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất.

Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới

Tổ chức Hội các cấp tiếp tục phát động và tổ chức thực hiện phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Vận động hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực tham gia hiến kế xây dựng đề án, góp ý qui hoạch, xác định các công trình, hạng mục đầu tư, hiến đất, đóng góp kinh nghiệm, công sức, tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, tổ chức Hội đảm nhận thực hiện một số việc cụ thể trong các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vận động cán bộ, hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa. Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng; tổ chức các cuộc thi “Nhà nông đua tài”, liên hoan “Tiếng hát đồng quê”, các giải bóng đá, bóng chuyền nông dân…

Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh

Các cấp Hội chủ động phối hợp với các lực lượng vũ trang tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu tự diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Động viên gia đình hội viên, nông dân thực hiện tốt Luật nghĩa vụ quân sự và các chính sách "hậu phương, quân đội". Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng các "điểm sáng vùng biên", tự quản đường biên, mốc giới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vùng ven biển, biên giới. Vận động ngư dân bám biển, tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tham gia thực hiện phong tràotoàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,phòng chống tội phạm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.

4.Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; tham gia vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn

Tạo nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân; tiếp tục củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay vốn và hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân.Tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn để hội viên, nông dân áp dụng vào sản xuất; cung cấp thông tin thị trường, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phối hợp tổ chức các hoạt động du lịch nông thôn.

Tích cực, khẩn trương triển khai nhiệm vụ dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân. Chú trọng việc dạy nghề tại chỗ, huy động hội viên nông dân là nghệ nhân, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, dạy nghề cho nông dân. 

Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân. Tư vấn các qui định của pháp luật liên quan đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trợ giúp pháp lý cho nông dân; hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.

5. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện các qui định về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tham gia cuộc vận động xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, vận động nông dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thường xuyên bồi dưỡng, giới thiệu những cán bộ, hội viên ưu tú để các cấp ủy Đảng xem xét kết nạp vào Đảng.

Phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng để hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, tổ chức tiếp nông dân, đối thoại với nông dân, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân. Thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở, kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực, xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân.

6. Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chủ động trong việc tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện qui định của Đảng về công tác giám sát và phản biện xã hội. Các cấp Hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể giám sát việc  thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

7.  Mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế

Tích cực, chủ động mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức nông dân, tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các đại sứ quán nhằm tăng cường tình đoàn kết, thu hút nguồn lực, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo cán bộ, hội viên nông dân.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, nông dân, nông sản hàng hoá và Hội Nông dân Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tổ chức các đoàn cán bộ, hội viên nông dân đi nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của các tổ chức nông dân, tổ chức nông nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

III. THÔNG QUA TOÀN VĂN ĐIỀU LỆ HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (sửa đổi, bổ sung)

Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam hiện hành được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V thông qua ngày 24/12/2008. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Điều lệ Hội cơ bản đã điều chỉnh được các vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân có bước phát triển mới, là cơ sở quan trọng tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn hệ thống Hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân, Điều lệ Hội cũng bộc lộ một số điểm bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong giai đoạn mới. Một số điểm sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội như sau:

Về bố cục:

Điều lệ hiện hành: gồm 8 chương, 25 điều và phần Những vấn đề cơ bản về Hội Nông dân Việt Nam. Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung: gồm 8 chương, 24 điều và phần Những vấn đề cơ bản về Hội Nông dân Việt Nam.               

Về nội dung của Điều lệ:

- Giữ nguyên nội dung các điều 16, 17, 18, 24 và 25 Điều lệ hiện hành, chuyển thành các điều 15, 16, 17, 23 và 24 trong Điều lệ sửa đổi, bổ sung.

Điều 2: Nhiệm vụ

+ Mục 1 : Thay cụm từ “giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu biết” bằng cụm từ “vận động cán bộ, hội viên, nông dân hiểu và tích cực thực hiện” 

+ Mục 2: Bổ sung cụm từ “Xây dựng nông thôn mới”; Chuyển nội dung “Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân” sang mục 3.

+ Mục 3: Thay cụm từ “Các cấp Hội là thành viên tích cực trong hệ thống chính trị thực hiện các chính sách, pháp luật, các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của Nhà nước ở nông thôn”  bằng cụm từ “Trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn”.

+ Mục 5: Bổ sung thêm nhiệm vụ: “tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. 

Điều 3: Đối tượng và điều kiện trở thành hội viên

 

 

Bỏ cụm từ “hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ”

Bổ sung cụm từ “trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vào sau cụm từ “các lao động khác”; Thay cụm từ “xin vào”bằng cụm từ “tham gia tổ chức”

Bỏ quy định cán bộ chuyên trách công tác Hội (không phải là uỷ viên ban chấp hành) đương nhiên là hội viên Hội Nông dân Việt Nam.

Điều 9: Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp:

- Mục 1:Thay thế quy định: “Số uỷ viên ban chấp hành được bầu cử bổ sung cấp tỉnh, thành phố và Trung ương không quá một phần ba (1/3) so với số uỷ viên ban chấp hành do đại hội quyết định; cấp huyện, thành, quận, thị xã; xã, phường, thị trấn và đơn vị tương đương được bổ sung đủ số lượng uỷ viên ban chấp hành mà đại hội đã quyết định” như sau: “Số uỷ viên ban chấp hành được bầu cử bổ sung cấp tỉnh và Trung ương không quá một phần hai (1/2) so với số uỷ viên ban chấp hành do đại hội quyết định; cấp huyện và cơ sở được bổ sung đủ số lượng uỷ viên ban chấp hành mà đại hội đã quyết định”

- Mục 3: Thay thế việc chỉ định ban chấp hành lâm thời như sau:

“Trường hợp cần thiết, ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt của Hội cấp dưới.

Nhiệm kỳ của ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt được chỉ định không nhất thiết đủ 5 năm”.

- Mục 5:

 

 

+ Sửa đổi thời gian họp thường kỳ của Ban chấp hành, ban thường vụ các cấp như sau: Ban chấp hành cơ sở họp thường kỳ một tháng một lần. Ban thường vụ cấp tỉnh, huyện và cơ sở họp thường kỳ một tháng một lần, Ban thường vụ Trung ương Hội họp ít nhất ba tháng một lần.

+ Bổ sung: Uỷ viên ban chấp hành nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặcchuyển công tác khác đương nhiên không còn là uỷ viên của ban chấp hành.

- Mục 6 (bổ sung): Ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ xin rút khỏi ban chấp hành, ban thường vụ ở cấp nào, do ban chấp hành cấp đó xem xét đề nghị lên ban thường vụ cấp trên trực tiếp quyết định; đối với ủy viên Ban Chấp hành, Ban thường vụ Trung ương, do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.”.

Điều 10: Nhiệm vụ của ban chấp hành từ cấp huyện trở lên:

Bổ sung thêm mục 4: Xem xét, quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia tách, chấm dứt hoạt động tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp.

Điều 13: Chi Hội

Sửa đổi, bổ sung như sau:Chi Hội là đơn vị hành động, cầu nối của ban chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Chi Hội tổ chức theo thôn, ấp, bản, làng, khu phố, hợp tác xã và theo nghề nghiệp. Chi Hội có thể chia thành nhiều tổ Hội. Chi Hội tổ chức hội nghị bầu chi Hội trưởng, chi Hội phó, nhiệm kỳ hai năm rưỡi và bầu đại biểu đi dự đại hội Hội nông dân cấp cơ sở.Việc bầu cử tiến hànhbằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết. Chi Hội họp thường kỳ ba tháng một lần và họp đột xuất khi cần.

 

IV. VỀ BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM CỦA BAN CHẤP HÀNH KHÓA V

Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa Vđã nghiêm túc kiểm điểm trước Đại hội, đã nêu bật được những ưu điểm, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua: Ban Chấp hành khóa V đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, sự đoàn kết thống nhất, có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội V đề ra; đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác Hội và phong trào nông dân. Sinh hoạt Hội được cải tiến, thiết thực, hình thức phong phú, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia; chất lượng các chi, tổ Hội, hội viên được nâng lên. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội được đổi mới, gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đặc biệt, đã tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Kết luận số 61- KL/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 673/ QĐ- TTg; đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đã tạo được địa vị pháp lý, cơ chế, chính sách và nguồn lực giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểmBan chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa Vtự đánh giá còn những hạn chế, khuyết điểm như sau:

- Trong lãnh đạo, chỉ đạo có việc chưa bao quát thường xuyên, toàn diện các mặt công tác. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với hội viên, nông dân bị thu hồi đất còn hạn chế.

- Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

- Chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước.

- Chỉ đạo các phong trào chưa toàn diện, chưa sâu, mới tập trung chủ yếu vào phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào chưa tạo ra được khâu đột phá; chỉ đạo công tác hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn chậm; hiệu quả hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân chưa cao.

- Một số Ủy viên Ban Chấp hành chưa thực hiện tốt trách nhiệm được phân công; thông tin báo cáo định kỳ theo quy chế chưa thường xuyên; tham gia sinh hoạt chưa đều, trong hội nghị chưa đóng góp được nhiều ý kiến để giải quyết những vấn đề bức xúc của nông dân; còn để xảy ra một số sai phạm, cá biệt có ủy viên Ban Chấp hành bị xử lý kỷ luật.

 

V. BẦU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM KHÓA VI VÀ CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2013 - 2018

Đại hội đã quyết định số lượng Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI (nhiệm kỳ 2013-2018) là 125 ủy viên, tại Đại hội đã bầu 122 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018), có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ để đảm đương nhiệm vụ do Đại hội giao phó. Giao Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI bầu bổ sung 03 đồng chí ủy viên khi có đủ điều kiện.

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI họp tối ngày 02 tháng 7 năm 2013 tại cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phố Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Hội nghị đã bầu 20 uỷ viên Ban Thường vụ (Khuyết 01 đồng chí), bầu Chủ tịch và 04 Phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khuyết 01 đồng chí Phó Chủ tịch bổ sung sau):

* Chủ tịch: Đ/c Nguyễn Quốc Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá V, tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI (nhiệm kỳ 2013- 2018) với số phiếu 116/116 phiếu.

* Các đồng chí Phó Chủ tịch:

1. Đ/c Nguyễn Duy Lượng (tái cử)

2. Đ/c Lều Vũ Điều (tái cử)

3. Đ/c Nguyễn Hồng Lý (tái cử)

4. Đ/c Lại Xuân Môn (tái cử)

Sau 4 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI đã thành công tốt đẹp.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam với tinh thần “Đoàn kết- đổi mới- chủ động- hội nhập- phát triển bền vững”, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội VI, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra./.

 

 

 

Hồng Kỳ
Website báo nông thôn ngày nay
 Về đầu trang Bản in Trang chủ

Các tin liên quan:

Lịch công tác
HomThuNong
Thư điện tử
Danh bạ thư điện tử
VB QPPL
TTHC
nhan hieu chung nhan

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về Trang thông tin Hội Nông Dân?
Bình chọn Kết quả
Loading Đang tải dữ liệu...
Đóng
Giao lưu trực tuyến
Lấy ý kiến

Liên kết các sở, ban, ngành

footer 10-10-2012
Skip to main content