Tại lớp tập huấn các học viên được nghe đồng chí Trần Thọ, ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Xã hội, Hội Nông dân tỉnh giới thiệu cụ thể Luật bình đẳng giới được Quốc hội nước ta thông qua vào ngày 29/11/2006; Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng đã được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007; Nhằm giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của bình đẳng giới, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Theo số liệu khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy có 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần; có khoảng 15% vợ bị chồng đánh, gần 80% bị chồng chửi, 70% bị chồng bỏ mặc trong cuộc sống gia đình; 30% cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục gọi là "Bạo lực tình dục" hoặc việc buộc phải đẻ con trong khi sức khoẻ của người phụ nữ không đảm bảo, hoặc buộc phải phá thai cũng được xem như một hình thức của bạo lực tình dục. Nghiêm trọng hơn bạo lực gia đình đã xâm phạm đến quyền con người, danh dự nhân phẩm tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thậm chí nó còn làm xói mòn về đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai.
Thông qua lớp tập huấn nghiệp vụ này, nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ Hội nâng cao kiến thức, nắm vững kỹ năng truyền thông đến tất cả cán bộ, hội viên nông dân về Luật bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bạo lực gia đình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của trong mỗi con người. Do vậy, mà công tác phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ bao gồm việc áp dụng và thực thi pháp luật mà còn phải gắn liền với việc thực hiện bình đẳng giới và công tác xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.