Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sáng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ trở thành những người chủ đất nước. Lúc đó, nước Việt Nam mới non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đó là nguy cơ ngoại xâm tiếp tục đe dọa, bọn phản động trong nước lợi dụng quân Đồng minh sắp vào Đông Dương nổi dậy, nạn đói hoành hành, 95% dân số mù chữ…
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử tại Hà Nội, năm 1960. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị sớm có một cuộc bầu cử để thông qua Hiến pháp. Người nói “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội, thể hiện tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, ấn định sau hai tháng sẽ mở cuộc tuyển cử. Sắc lệnh cũng quy định “tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Quy định này đã tỏ rõ sự tiến bộ, hiện đại trong quy định về quyền ứng cử, bầu cử của công dân. Đây là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầu tiên nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ta, nhằm bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám, từng bước hoàn chỉnh việc xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước.
Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày sung sướng của đồng bào ta và ngày mai là ngày tổng tuyển cử. Ngày mai tất cả các bạn cử tri nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”.
Người thiết tha kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đi bỏ phiếu, Người không chỉ quan tâm đến việc động viên nhân dân sử dụng quyền dân chủ cơ bản của mình mà còn ân cần giải thích rất rõ ràng để mọi người dễ hiểu, dễ nghe, nắm được tầm quan trọng của quyền bầu cử. Người nói: “Trước hết, tôi xin tóm tắt Luật bầu cử của ta thật là dân chủ. Tất cả các công dân gái cũng như trai, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, tự do lựa chọn người thay mặt mình”.
Không chỉ có quan điểm đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bầu cử, một khi quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia công việc Nhà nước của nhân dân được bảo đảm, Bác Hồ luôn có chủ trương điều chỉnh, sửa đổi pháp luật, làm cho nó phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đọan mới. Không chỉ gương mẫu trong việc xây dựng pháp luật bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân, không chỉ là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khai sinh ra nền pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn là tấm gương mẫu mực, ngời sáng trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công tác bầu cử.
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, vì kính trọng, suy tôn Người là công dân số một của đất nước, có người đã viết thư đề nghị Bác không phải ra ứng cử, người thì đề nghị Bác ra ứng cử ở địa phương mình. Bác Hồ của chúng ta đều rất trân trọng và viết thư trả lời rất thân ái: “Tôi rất cảm động trước tình cảm của đồng bào, nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt ra khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ của người dân trong cuộc tổng tuyển cử”.
Kết quả ngày 6/1/1946, hơn 90% cử tri đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Với thời gian chuẩn bị vô cùng ngắn ngủi chỉ trong vòng 4 tháng kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề khó khăn, đông đảo cử tri trong cả nước đã đi bỏ phiếu với tỷ lệ rất cao, chứng tỏ sự thắng lợi lớn của cuộc Tổng tuyển cử, chứng tỏ niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó, đã ghi dấu vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử.
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố Ba Đình khóa V tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ kính yêu trong công tác bầu cử, chúng ta càng tâm niệm, nguyện ra sức học tập, rèn luyện và công tác, phấn đấu bằng mọi giá đi theo con đường mà Người đã chọn, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, phát động một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, thông qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này làm dấy lên phong trào thi đua xây dựng cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, xây dựng các cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh đủ sức đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường hội nhập vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV được tổ chức vào lúc chúng ta đang tập trung xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh; cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác đang là thách thức lớn. Vì vậy, đòi hỏi cử tri cả nước sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có sự “quyết tâm, tri tâm và đồng tâm” để “ra sức mưu hạnh phúc cho đồng bào”, “phải làm cho xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc”, như lời Bác Hồ căn dặn, để Quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thể hiện ý Ðảng đã quyết, lòng dân đã đồng.
Mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả, góp phần dựng xây Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi cử tri cần tự mình tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu cần thiết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử, cân nhắc, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Mọi biểu hiện thờ ơ với cuộc bầu cử, không tham gia bỏ phiếu hoặc nhờ người bầu hộ, bầu “cho xong”… không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc...
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có tầm quan trọng đặc biệt, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền cùa dân, do dân và vì dân, để mỗi người dân trong quá trình từ giới thiệu, tín nhiệm ứng cử viên đến phát huy quyền dân chủ về chính trị quan trọng nhất của mình, lựa chọn những người xứng đáng nhất bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ chính quyền có đủ đức và tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và hành động quyết liệt vì nước vì dân; đáp ứng với yêu cầu xây dựng một Chính phủ và chính quyền các cấp liêm chính, đổi mới, hành động và phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức