Nữ thủ lĩnh Châu Thị Xéo đã giúp cho nhiều hộ nơi đây vươn lên khá giả
|
Vào những ngày nắng nóng đầu tháng 3, chúng tôi có dịp đến vùng đất từng được mệnh danh đất "chết". Theo bà con, trước đây việc sản xuất các loại cây đậu, bắp, dưa,… ở đây rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, may mắn thì có thu nhập, còn thường xuyên mất mùa.
Trở lại vùng đất này vào những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi vùng đất đã chuyển mình trù phú, xanh tươi nhờ những ruộng măng tây xanh tươi tốt.
Qua lời giới thiệu, chúng tôi được biết người đưa cây rau vua măng tây về trồng ở vùng đất này, chính là "nữ thủ lĩnh" Châu Thị Xéo (58 tuổi, thôn Thành Tín, xã Phước Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận).
Cầm trên tay những cây măng tây xanh to mập, bà Xéo tâm sự: "Ban đầu, tôi chỉ thí điểm trồng 1 sào măng tây xanh. Thật sự lúc đó tôi vừa làm, vừa run vì sợ cây sống không nổi ở vùng đất nắng gió này. Sau thời gian chăm sóc và đến thời kỳ thu hoạch, tôi xuất bán từ 8 – 10kg/ngày, bình quân thu nhập dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/ngày. Thấy được thành công, tôi tiếp tục nhân rộng thêm 4 sào nữa. Đến nay số măng tây này cũng đã cho thu hoạch, bình quân 30kg/ngày, giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày".
Bà Xéo nhớ lại: "Lúc đầu tôi mang ra trồng, mấy người khu vực này cứ bảo tôi khùng hay sao mà trồng loại cây này. Trồng như vậy, cây sống sao được, hàng ngày tôi đi qua lại cũng bị mọi người lời ra tiếng vào. Tôi đã chứng minh cho mọi người thấy ý tưởng mang cây măng tây về trồng trên đất cằn đã thành hiện thực".
Bà Xéo chia sẻ: "Cây măng tây có rất nhiều ưu điểm vì dễ trồng, phát triển nhanh, giá bán ổn định, cây rất thích hợp với các loại đất cát và đất phù sa. Đặc biệt, đối với vườn măng tây trưởng thành, người trồng măng tây chỉ ngủ một đêm sáng hôm sau đã có thể thu hoạch 8 - 10kg măng/sào, vậy là có nửa triệu đồng bỏ túi rồi".
Từ những thành công này, bà Xéo đã vận động các hộ xung quanh khu vực mạnh dạn trồng măng tây xanh và thành lập Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Châu Rế, do bà làm Giám đốc.
Mô hình này đã khẳng định được vị thế, với diện tích triển khai thực hiện 10ha, bình quân mỗi ngày HTX xuất bán 2 – 3,5 tạ măng. Ngoài bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho các thành viên, HTX còn hỗ trợ cây giống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc cho người dân. Nhờ đó, nhiều người ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải đã vươn lên khá giả, có của ăn, của để.
"Cây măng tây, hay còn gọi là rau vua thật sự mang lại kinh tế khá cao so với các loại cây trồng khác. Để phát triển bền vững loại cây này, tôi cũng rất mong được các ngành chức năng hỗ trợ thêm nguồn vốn, kỹ thuật và đầu tư hệ thống điện, đường để bà con nơi đây cùng trồng" - bà Xéo cho biết thêm.
Ông Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải, cho biết: Mô hình trồng măng tây xanh mà địa phương đang triển khai cho các hộ dân trong HTX thời gian qua không chỉ mang lại thu nhập khá, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nông dân.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con thực hiện hiệu quả mô hình, đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là liên kết với nông dân sản xuất măng tây xanh; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Nguồn: danviet