Ngày 02/02/2108, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu sau:
- Tàu khai thác hải sản xa bờ;
- Tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
(Các tàu này là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác hải sản và có công suất máy chính từ 90 CV trở lên).
Mức hỗ trợ cụ thể hàng năm như sau:
- 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu;
- 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu).
Chính sách hỗ trợ này được thực hiện từ ngày 01/01/2018. (Kèm theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP)
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2018/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2018 02 năm 2018
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2014/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 7 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật thuế tài nguyên ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật phí, lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản như sau:
1. Điều 1 được sửa đổi như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản.”
2. Khoản 1, khoản 3 Điều 3 được sửa đổi như sau:
“1. Ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 05 Trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực).
3. Ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các dự án do Bộ, ngành trung ương quản lý đối với các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; vùng sản xuất giống tập trung bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung; nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trung tâm giống thủy sản quốc gia, Trung tâm giống thủy sản cấp vùng; Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp trung ương và cấp vùng.”
3. Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 4 như sau:
“c) Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới những không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.”
4. Khoản 3 Điều 4 được sửa đổi như sau:
“3. Chính sách cho vay vốn lưu động
a) Đối tượng được vay vốn: Chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (gọi chung là khách hàng).
b) Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.”
5. Bổ sung Điều 4a như sau:
“Điều 4a. Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư
1. Đối tượng: Chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên cụ thể: Tàu đóng mới thuộc số lượng tàu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các tỉnh; tàu đóng mới thay thế các tàu làm nghề lưới kéo có công suất từ 90CV trở lên chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: Lưới vây, nghề lưới rê (trừ lưới rê khai thác cá ngừ), nghề câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.
2. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Chủ tàu là thành viên của tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã nghề cá được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt;
b) Tàu cá đóng mới phải là tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ composite;
c) Tàu đóng mới máy chính phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng;
d) Tàu cá phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh và kết nối được với trạm bờ để quản lý, giám sát hành trình trong quá trình tàu hoạt động trên biển;
đ) Tàu khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản;
e) Tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.
3. Mức hỗ trợ:
a) Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ thép (bao gồm cả các trang thiết bị mới), cụ thể:
Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu;
Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
b) Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.
4. Trình tự, thủ tục hỗ trợ:
a) Chủ tàu gửi hồ sơ (01 bộ) đề nghị hỗ trợ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đăng ký tàu cá trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Hồ sơ bao gồm:
Đơn đề nghị hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu của chủ tàu có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/phường nơi chủ tàu có hộ khẩu thường trú (Mẫu đề nghị hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân của chủ tàu;
Bản sao các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu khai thác hải sản; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ;
Hợp đồng đóng mới tàu cá để xác định chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu cá;
Bảng quyết toán của cơ sở đóng tàu về tổng mức đầu tư đóng mới tàu cá (bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; trang thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa) kèm theo các hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền đóng mới tàu cá, tiền mua mới máy móc, trang thiết bị.
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của chủ tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt số tiền hỗ trợ cho chủ tàu;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt số tiền hỗ trợ cho chủ tàu và gửi kết quả đến Kho bạc Nhà nước cấp huyện nơi chủ tàu được hỗ trợ, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan;
d) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính lập lệnh chi tiền gửi Kho bạc Nhà nước;
đ) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được lệnh chi tiền của Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thông báo công khai lịch cấp tiền cho chủ tàu; chủ tàu phải xuất trình giấy chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân để đối chiếu khi nhận tiền;
e) Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí
Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ số lượng tàu đóng mới được hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư, xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của các địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương.
Kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư được tổng hợp vào quyết toán chi ngân sách cấp tỉnh hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.”
6. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 5. Chính sách bảo hiểm
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên:
1. Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.
2. Hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu).”
7. Khoản 2, khoản 3, khoản 7, khoản 8 Điều 6 được sửa đổi như sau:
“2. Đối với lệ phí trước bạ thực hiện miễn theo quy định tại khoản 23 Điều 9 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.
3. Đối với lệ phí môn bài thực hiện miễn theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí môn bài.
7. Đối với thuế thu nhập cá nhân thực hiện miễn theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế năm 2014.
8. Doanh nghiệp có thu nhập từ nuôi trồng, chế biến thủy sản và đánh bắt hải sản hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
8. Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi như sau:
“1. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.”
9. Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:
“2. Đối với chi phí: Đào tạo, duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép; kinh phí thực hiện chính sách bảo hiểm và chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư thực hiện theo cơ chế hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”
10. Điểm e khoản 1 Điều 9 được sửa đổi như sau:
“e) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện, định kỳ sơ kết; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tổng kết triển khai thực hiện và báo cáo Chính phủ.”
11. Bổ sung điểm g vào khoản 1 Điều 9 như sau:
“g) Rà soát, bổ sung, xây dựng quy định về giám sát đóng mới tàu cá.”
12. Khoản 2 Điều 9 được sửa đổi như sau:
“2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu, cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch 5 năm, hàng năm để cấp bù lãi suất, hỗ trợ một lần sau đầu tư và thực hiện các chương trình dự án đầu tư, bảo đảm tập trung hoàn thành dứt điểm từng công trình.”
13. Điểm b khoản 3 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất thực hiện chính sách tín dụng quy định tại Điều 4 Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Hướng dẫn bổ sung các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng phát sinh từ thực tế triển khai được hưởng cơ chế xử lý rủi ro theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP.”
14. Bổ sung điểm d vào khoản 3 Điều 9 như sau:
“d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xử lý các vướng mắc liên quan đến phương thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ sau đầu tư đối với ngư dân đóng mới tàu cá”.
15. Bổ sung điểm đ vào khoản 4 Điều 9 như sau:
“đ) Hướng dẫn thực hiện chuyển đổi chủ nợ trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới những không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản.”
16. Khoản 2 Điều 10 được sửa đổi như sau:
“2. Giao Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối tượng, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối tượng được hỗ trợ một lần sau đầu tư tại Điều 4a; đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 5; đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này gửi làm cơ sở thực hiện.”
17. Bổ sung khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 vào Điều 10 như sau:
“7. Xem xét quyết định đối với trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới những không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, có nhu cầu chuyển nhượng lại tàu trên cơ sở ý kiến thống nhất của ngân hàng thương mại cho vay.
8. Chỉ đạo các đơn vị chức năng xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư hàng năm gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, cân đối và bố trí ngân sách để thực hiện chính sách.
9. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư; việc thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá; đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng quy định và công khai, minh bạch.
10. Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp cùng ngành ngân hàng trên địa bàn đôn đốc các chủ tàu đã được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
11. Định kỳ hàng quý và kết thúc năm tài chính, báo cáo kết quả thực hiện các chính sách gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
18. Bổ sung khoản 5, khoản 6 vào Điều 12 như sau:
“5. Chủ tàu phải có trách nhiệm thực hiện giám sát thi công trong suốt quá trình đóng mới, cải hoán, duy tu, sửa chữa tàu cá. Thuê tư vấn giám sát nếu chủ tàu không đủ năng lực giám sát; chi phí thuê tư vấn giám sát được tính vào tổng giá trị đầu tư đóng tàu.
6. Trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới tàu cá hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới tàu nhưng chuyển quyền thực hiện dự án cho chủ tàu mới, khi chủ tàu mới đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này thì chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ và thực hiện các nghĩa vụ của dự án được nối tiếp.”
19. Khoản 4 Điều 13 được sửa đổi như sau:
“4. Thời gian thực hiện các chính sách quy định trong Nghị định này như sau:
a) Thời gian thực hiện các chính sách quy định tại Điều 3; khoản 3 Điều 4; Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 thực hiện hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
b) Thời gian hỗ trợ bảo hiểm đối với chủ tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện trong suốt thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất (tối đa 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; tối đa 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới).
c) Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư để đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
d) Thời gian ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định tại khoản 1 Điều 4 được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017. Trường hợp khoản vay giải ngân sau ngày 31 tháng 12 năm 2018 thì lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.”
20. Bãi bỏ khoản 6 Điều 3 và khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 3 năm 2018.
2. Các chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
3. Bãi bỏ khoản 5, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
4. Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch các Hội, Hiệp hội ngành hàng thủy sản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2).KN 204
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC
(Kèm theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ MỘT LẦN SAU ĐẦU TƯ
Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố......
Tôi tên là: ............................................................................................................................
Số CMND/Thẻ căn cước công dân:..................., Ngày cấp: ………, Nơi cấp: .....
Địa chỉ: ………………………………………… Điện thoại: ...............................
Là chủ tàu số đăng ký: ...........................................................................................
Công suất máy chính: .............................................................................................
Nghề đăng ký hoạt động: ........................................................................................
Tôi đã đóng tàu vỏ thép/vỏ vật liệu mới tại cơ sở đóng tàu ………………, thời điểm ký hợp đồng đóng tàu: Ngày... tháng... năm…;
Tổng số tiền đầu tư đóng mới (bao gồm cả máy móc, trang thiết bị mua mới) là ……………..đồng, (bằng chữ: ……………………………………………).
Căn cứ Nghị định số ………./2018/NĐ-CP ngày tháng năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tôi đề nghị được hỗ trợ đóng mới tàu với số tiền là ………. đồng (bằng chữ: ……………..)
Tên người thụ hưởng: ………………… số tài khoản ………….. tại ngân hàng/Kho bạc………… (nếu nhận hỗ trợ theo hình thức chuyển khoản).
Tôi cam kết việc đóng mới tàu, mua mới máy móc, trang thiết bị nêu trên là đúng sự thật và tôi chưa nhận hỗ trợ đóng mới tàu theo chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước. Nếu khai sai, tôi sẽ hoàn trả lại số tiền đã nhận hỗ trợ một lần sau đầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình./.
Các tài liệu gửi kèm gồm:
- ……….;
- ………;
|
… … …, ngày.... tháng.... năm...
Người đề nghị
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã